“Bẫy nghèo” vì viện phí

ANTĐ - Với gần 88 triệu dân, trung bình ở Việt Nam cứ 10.000 người mới có 12 bác sĩ, một tỷ lệ đáng lo ngại so với các nước trong khu vực. Con số này còn thấp hơn nhiều ở vùng nông thôn miền núi, vùng sâu - xa nước ta, nơi thiếu cả bệnh viện lẫn nhân viên y tế. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chỉ chiếm khoảng 7-8% GDP. Thực trạng này được nêu ra trong cuộc hội thảo về viện phí, Luật Khám chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế mới đây.

Trước và sau khi tăng viện phí mới, câu hỏi lớn được đặt ra vẫn chưa có lời đáp: Chất lượng dịch vụ y tế có tăng lên theo mức phí? Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng nhận định, về cơ bản chất lượng còn thấp là do vấn đề nhân lực. Viện phí tăng do vật tư tiêu hao, các chi phí vật chất chỉ là một phần của chất lượng dịch vụ. Sau một thời gian áp dụng mức viện phí mới, Bộ Y tế đã thành lập tổ liên ngành thẩm định giá.

Đã có 6 bệnh viện được Bộ phê duyệt thẩm định giá với mức trung bình bằng khoảng 93 - 97% mức tối đa của khung giá. Bước đầu cho thấy, chính sách viện phí mới ít tác động tích cực lên tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc tăng giá viện phí mới tác động mạnh đến việc thực hiện hơn 400 dịch vụ, kỹ thuật dẫn đến tăng mua thuốc, vật tư sử dụng, kéo theo tăng tiêu thụ thuốc cho các hãng dược, vật tư. Đồng nghĩa với việc tăng chi trả BHYT và túi tiền của người dân.

Hệ lụy là chi phí khám chữa bệnh tăng, tạo nên “bẫy nghèo” do khám chữa bệnh. Chất lượng dịch vụ y tế bao gồm: chữa được bệnh, chi phí phù hợp, công bằng, người dân có khả năng tiếp cận an toàn, lấy người bệnh làm trung tâm. Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách y tế bày tỏ, có ý kiến cho rằng người dân phải đóng thêm viện phí để tăng thu nhập cho cán bộ y tế. Vì sao lại phải đóng thêm tiền để tăng thu nhập trong khi lương mức lương tối thiểu ngoài xã hội đã đủ sống đâu? Vì sao không đặt ra câu hỏi, khi tăng viện phí thì những nhóm dân cư nào sẽ bị loại ra ngoài lề dịch vụ chăm sóc, sức khỏe? Hiện nay, 63,7% dân số đã có BHYT là mức tăng trưởng nhanh, nhưng ở nhóm người cận nghèo dù được Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí cũng chỉ có 25% tham gia. Viện phí mới sẽ “đánh” mạnh vào tầng lớp dân cư chưa có thẻ BHYT như 75% người cận nghè, nông dân, ngư dân… Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất, với mức viện phí mới, phải sửa đổi cung cách làm BHYT. Chủ trương mở rộng diện “bao phủ” BHYT chủ yếu là đợi Nhà nước cấp tiền và chờ người dân tham gia. Luật BHYT đã thực thi 3 năm, trong đó có chính sách dành cho nông dân có mức thu nhập trung bình, nhưng lại chưa có quy định rõ thế nào là thu nhập trung bình để mở diện bao phủ…

“Mổ xẻ” giá viện phí mới đã bộc lộ những bất hợp lý như tăng chi phí khám chữa bệnh lạm dụng kỹ thuật cao, tạo sự chênh lệch thu nhập giữa các bệnh viện và gây áp lực cho bệnh viện tuyến dưới. Điều đáng lo ngại nhất là tạo ra “bẫy nghèo” do viện phí tăng.