Diễn biến phiên tòa tham ô tài sản tại BIDV Đông Đô:

“Bắt vạ” ngân hàng liên quan

ANTĐ - Hôm qua (15-7), phiên tòa xét xử Trần Lệ Thủy cùng đồng phạm đã tạm dừng khi kết thúc phần tranh luận.

Thế nhưng trước khi HĐXX nghị án, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Đông Đô (BIDV Đông Đô) đã yêu cầu Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Thành công (VCB Thành Công) phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường dân sự.

 Trần Lệ Thủy bật khóc ân hận khi được nói lời sau cùng
 Trần Lệ Thủy bật khóc ân hận khi được nói lời sau cùng
 

BIDV Đông Đô cho rằng sở dĩ ngân hàng này bị Trần Lệ Thủy và đồng bọn “qua mặt” chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng bắt nguồn từ việc Nguyễn Thị Thu - nguyên Phó Trưởng phòng Giao dịch của VCB Thành Công ký, đóng dấu và phát hành hàng loạt giấy chứng nhận tiền gửi (GCNTG) khống. Từ đó Thủy và đồng bọn mới thế chấp giấy tờ có giá để vay tiền của BIDV Đông Đô. Việc làm của Nguyễn Thị Thu thể hiện sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của VCB Thành Công. Do đó, VCB Thành Công phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do nhân viên gây ra. Đại diện BIDV Đông Đô trình bày, nếu tòa án không xác định cơ quan trực tiếp quản lý Nguyễn Thị Thu phải liên đới trách nhiệm bồi thường thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu. Các tổ chức tín dụng sẽ không dám áp dụng hình thức cho vay cầm cố giấy tờ có giá nữa… Tuy nhiên, BIDV lại không đưa ra một con số cụ thể nào về yêu cầu bồi thường.

Về phần mình, VCB Thành Công khẳng định họ không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho BIDV Đông Đô, bởi VCB Thành Công chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự trong hai trường hợp. Đó là do đại diện pháp nhân có lỗi và gây thiệt hại cho đơn vị bạn hoặc do nhân viên của VCB Thành Công gây thiệt hại trong khi thực thi nhiệm vụ được ngân hàng giao. Trong vụ án này, CQĐT đã chứng minh bị cáo Thu tuy không có thẩm quyền, nhiệm vụ đóng dấu, ký tên và xác nhận vào các GCNTG nhưng vẫn tự ý thực hiện. Mặt khác, Thu đã lợi dụng sự “sơ hở” của đồng cấp để lập GCNTG khống. Nói cách khác, VCB Thành Công không giao cho Thu thực hiện bất kỳ công việc nào gây thiệt hại cho BIDV Đông Đô. Đại diện VCB Thành Công còn chỉ rõ, việc thẩm tra và ký giấy xác nhận phong tỏa giấy tờ có giá là tối quan trọng đối với bất kỳ một tổ chức tín dụng nào trong quá trình giải quyết cho vay. Thế nhưng BIDV đã không kiểm duyệt và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình. Rủi ro xảy ra lại “đổ vấy” trách nhiệm cho đơn vị liên quan là điều rất vô lý.

Trước đó, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND TP Hà Nội đã khẳng định vai trò, mức độ và tính chất hành vi phạm tội của mỗi bị cáo của vụ án đều đã được làm rõ. Do đó, các bị cáo phạm tội lừa đảo là Trần Lệ Thủy, Trần Chí Dân, Trần Thị Huyền, Nguyễn Thị Thu và Ngô Thị Thanh Huyền phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra tại BIDV Đông Đô. Về yêu cầu của nguyên đơn dân sự đối với VCB Thành Công, đại diện VKS đề nghị tòa án dành quyền khởi kiện cho BIDV Đông Đô theo vụ án khác. Sau 5 ngày làm việc liên tục, HĐXX quyết định nghỉ nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết các vấn đề liên quan vào chiều 20-7 tới đây.