Khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam tăng bất thường:

Doanh nghiệp Trung Quốc "núp bóng" cạnh tranh không lành mạnh

ANTĐ - Khách du lịch Trung Quốc bất ngờ tràn vào các điểm du lịch, điển hình là Nha Trang, Khánh Hòa đang gây những tác động bất thường với du lịch Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.  

Lượng khách Trung Quốc vào Nha Trang tiếp tục tăng 

Tour du lịch Việt Nam siêu rẻ

- PV: Ước tính trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng khách Hồng Kông vào Việt Nam đã tăng 144%, khách Trung Quốc tăng 44,4% và đây tiếp tục là những thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2016. Đặc biệt là ở Nha Trang, Khánh Hòa chứng kiến hiện tượng tràn ngập du khách đến từ Trung Quốc. Ông nhận định thế nào về việc này? 

- TS Phạm Hồng Long: Đối với sự phát triển du lịch, sự tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và các tỉnh thành như Nha Trang hay Đà Nẵng là điều đáng ghi nhận. Mặt tích cực là giúp các ngành dịch vụ phát triển, thu hút đầu tư, lao động có công ăn việc làm, cơ sở hạ tầng khách sạn, dịch vụ du lịch được chú trọng đầu tư hơn…

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thấy rằng, việc lượng khách quá tải hoặc tăng đột biến sẽ dẫn đến sự xung đột và thay đổi về xu hướng dịch vụ, thậm chí là “lũng đoạn thị trường”. Bên cạnh đó, khách du lịch Trung Quốc ồn ào, xô bồ, cư xử kém văn minh cũng gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch cũng như cách ứng xử của người dân với du khách. 

- Theo ông, tại sao Nha Trang lại trở thành địa điểm hút khách với khách du lịch Trung Quốc?

- Khách Trung Quốc rất thích du lịch biển, kết hợp với tham quan, mua sắm và hưởng thụ các dịch vụ giải trí. Nha Trang là một điểm đến mới hội tụ được những yếu tố đó. Ngoài ra, do chính sách quảng bá, cũng như việc mở cửa những đường bay mới nên việc đi lại giữa các điểm du lịch đã dễ dàng, thuận tiện hơn. Ở Hạ Long, Quảng Ninh khách Trung Quốc sang bằng đường bộ rất nhiều. Trước đây Đồ Sơn, Hải Phòng cũng là “điểm nóng” của thị trường này. 

- Trên thực tế, các tour này do các doanh nghiệp Trung Quốc “bao trọn”, từ việc đặt chuyến bay, thuê hướng dẫn viên, đưa khách đến khách sạn, các điểm du lịch, các nhà hàng, cửa hiệu. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chính đáng?

- Tôi đã từng thấy những doanh nghiệp Trung Quốc rao bán trên các trang mạng du lịch Việt những tour với giá siêu rẻ. Chẳng hạn như 1,6 triệu đồng/tour 4 ngày ở Hạ Long. Họ bán rẻ như vậy nhưng thu lại bằng việc kinh doanh những mặt hàng có giá “trên trời”… Ví dụ những mặt hàng của Việt Nam nhưng qua tay họ bị đội giá gấp 3, 4 lần khi bán cho khách.

Sau đó hoa hồng sẽ chia cho các bên đưa khách đến như lái xe, hướng dẫn viên… Đây là mặt trái của hiện tượng các doanh nghiệp Trung Quốc “núp bóng”, cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp Việt Nam. 

Cần có giải pháp đối phó 

- Việc “phá giá” tour như ông vừa nói sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh điểm đến tại Việt Nam?

- Quảng Ninh từng là một ví dụ điển hình về việc không kiểm soát được lượng khách Trung Quốc. Các doanh nghiệp bán tour với giá thấp dưới mức chi phí (gần như là “tour 0 đồng”). Nếu đi theo hướng này tôi nghĩ là không ổn, vì nó sẽ kéo chất lượng dịch vụ du lịch đi xuống. Các hướng dẫn viên thay vì quan tâm đến khách thì sẽ tìm cách “chăn dắt” khách, khiến họ tiêu tiền càng nhiều càng tốt.

Giá tour thấp cũng không đảm bảo cho chất lượng ăn uống, dịch vụ. Ví dụ, một bữa ăn bị hạ xuống 50.000-60.000 đồng/khách sẽ tạo điều kiện cho thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn vào. Dịch vụ kém sẽ đẩy lùi sự phát triển của dịch vụ tốt, nảy sinh hệ lụy như trốn thuế, khai khống hóa đơn… 

- Khách du lịch Trung Quốc cũng từng để lại tai tiếng về cách hành xử của mình và nhiều doanh nghiệp rất ngại khi phục vụ khách Trung Quốc. Ông nhận định thế nào về việc này?

- Thực ra thì không chỉ riêng Việt Nam mà ở Thái Lan, Nhật Bản trong thời gian vừa rồi cũng chứng kiến sự bùng nổ ở thị trường khách Trung Quốc. Rõ ràng khách đông là tín hiệu đáng mừng, nhưng việc khách du lịch Trung Quốc vốn có điều tiếng không hay khiến nhiều quốc gia e ngại. Ở Nhật Bản đã từng có những kiến nghị là lập ra những khu vực phục vụ riêng cho người Trung Quốc. Thụy Sỹ đã từng bố trí riêng toa tàu cho khách Trung Quốc vì không muốn ảnh hưởng đến các đoàn khách khác. 

- Vậy ngành du lịch Việt Nam cũng cần có giải pháp ứng phó với hiện trạng này?

- Trong thời đại toàn cầu hóa, chúng ta không thể đóng cửa với thị trường khách nào, kể cả đó là thị trường khách Trung Quốc. Nhất là chúng ta đang ngày càng cởi mở hơn trong vấn đề visa để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta phải có những biện pháp và chế tài pháp luật đủ mạnh để kiểm soát các hành vi kinh doanh du lịch trái pháp luật trong việc đón tiếp khách du lịch Trung Quốc. Nếu không có giải pháp thì tôi nghĩ rằng khoảng năm mười năm nữa, các thành phố xinh đẹp của chúng ta như Đà Nẵng, Nha Trang sẽ phải đối diện với những thách thức cho sự phát triển “lượng không đi kèm chất” này

- Xin cảm ơn ông!

Chấn chỉnh hoạt động đón khách Trung Quốc tại Nha Trang 

Tổng cục Du lịch vừa có văn bản về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đón khách du lịch Trung Quốc tại Nha Trang.

Theo đó, Tổng cục Du lịch đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cần tăng cường công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra lĩnh vực du lịch, kiểm tra các cơ sở kinh doanh du lịch có yếu tố nước ngoài nghi núp bóng người Việt Nam để hoạt động du lịch trái phép, kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật, điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực kinh doanh, khả năng cung ứng các dịch vụ du lịch của doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của khách du lịch nói chung và khách du lịch Trung Quốc nói riêng.