Bất ổn trái phiếu doanh nghiệp: Hơn 80% lượng phát hành không thuộc lĩnh vực sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 80% lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thuộc về lĩnh vực bất động sản và ngân hàng mà không thấy bóng dáng của lĩnh vực sản xuất trực tiếp. Đây là bất ổn lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Mang nặng màu sắc đầu cơ

Theo số liệu của FiinGroup, 2 năm qua, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, tăng trưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) không hề chậm lại, thậm chí, một số nhóm ngành như bất động sản tăng trưởng lên tới hơn 60%.

Hiện quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam mới tương đương 15% GDP, so sánh với các quốc gia trong khu vực như Malaysia hơn 50% và Singapore gần 40%, thì dư địa tăng trưởng thị trường trái phiếu còn rất lớn.

Trong năm nay, hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp sẽ bị siết chặt hơn. Tuy vậy, theo các chuyên gia, trong bối cảnh vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhiều doanh nghiệp chật vật xoay xở nguồn vốn để phục vụ các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các dự án mới sẽ khiến thị trường này tiếp tục sôi động.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều bất ổn trên thị trường TPDN Việt Nam. Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, xét về cơ cấu phát hành năm qua có đến hơn 50% là TPDN bất động sản, 30% từ ngân hàng. Điều này có nghĩa là hơn 80% trái phiếu phát hành không thuộc lĩnh vực sản xuất. Trong 20% còn lại, đâu đó 5-7% thuộc về doanh nghiệp điện mặt trời là lĩnh vực phát hành ồ ạt thời gian gần đây.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt nam đang tồn tại nhiều bất ổn

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt nam đang tồn tại nhiều bất ổn

Phần lớn khối lượng trái phiếu được phát hành trong những năm qua không có bóng dáng của các lĩnh vực như sản xuất trực tiếp, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại mà tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có tính đầu cơ cao như bất động sản.

Ngân hàng phát hành trái phiếu cũng chủ yếu để tăng vốn cấp 2, từ đó tăng huy động vốn trên thị trường, để tăng cho vay và cho vay. Trong khi việc cho vay cũng chủ yếu là cho công ty “sân sau” là doanh nghiệp bất động sản. Theo vị chuyên gia, đây là điều đáng lo ngại.

Cần minh bạch hóa thị trường

TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng nền tảng tạo bước phát triển đúng hướng cho thị trường TPDN Việt Nam đang còn rất nhiều vấn đề. Vấn đề lớn nhất là cạnh tranh của ngành ngân hàng trên thị trường tài chính khi 95% tài sản thị trường là của ngân hàng. Điều này khiến doanh nghiệp phụ thuộc quá lớn vào ngân hàng, cả vốn trung hạn, ngắn hạn, khiến thị trường vốn như trái phiếu khó phát triển.

“Điều này trái ngược với xu hướng phát triển chung của thị trường tài chính quốc tế và phần nào phản ánh thị trường tài chính hoạt động không có hiệu quả” – ông nói.

Do đó, ông đánh giá Việt Nam gần như chưa có thị trường TPDN thực thụ, chủ yếu mang màu sắc đầu cơ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ. Vì vậy, để có thị trường TPDN có nền tảng phát triển ổn định, thì việc trước tiên cần làm phải minh bạch, càng minh bạch rủi ro càng thấp.

Thứ hai, công tác giám sát trong hoạt động huy động vốn từ thị trường trái phiếu phải được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ.

Thứ ba, cần phải phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản cho TPDN, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận sản phẩm trái phiếu cho nhiều nhà đầu tư hơn.

Ông cũng đề xuất, muốn có sự chuyển động căn bản trong hoạt động phát hành TPDN và đi vào thực chất, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần mạnh dạn, quyết liệt hơn nữa trong việc áp dụng quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo đúng lộ trình đã đề ra, không nên trì hoãn để dần phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như giảm rủi ro cho ngành ngân hàng.

Với việc sắp sửa ban hành quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, Bộ Tài chính nên cân nhắc, không nên quy định công ty đại chúng mới được phát hành trái phiếu và cũng không nên quá ràng buộc về tài sản bảo đảm. Quan trọng nhất với TPDN là xếp hạn tín nhiệm.

Vị chuyên gia lấy ví dụ về việc Trung Quốc phát hành trái phiếu Gấu trúc ra toàn cầu, không cần tài sản bảo đảm nhưng phải có xếp hạng tín nhiệm và các nước Đông Âu mua loại trái phiếu này rất nhiều.