Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sôi động, 2 tháng đầu năm tăng gấp rưỡi cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hai tháng đầu năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tổng cộng 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 22,185 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo tháng mới nhất về hoạt động phát hành trái phiếu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 2/2022, có 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ra công chúng và 4 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 1.800 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty cổ phần CMC có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị 500 tỷ đồng. Bốn đợt phát hành riêng lẻ thuộc về 4 doanh nghiệp: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Công ty CP Xây lắp Sunshine E&C, Công ty CP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh và Công ty cổ phần kinh doanh F88. Trong đó CTCP Xây lắp Sunshine E&C có giá trị phát hành lên tới 800 tỷ đồng.

Như vậy, doanh nghiệp ngành xây dựng (Xây lắp Sunshine E&C) và doanh nghiệp sản xuất (CMC) là 2 ngành phát hành TPDN nhiều nhất, chiếm 44,4% và 27,7% tổng giá trị phát hành trong tháng 2/2022.

Tính chung 2 tháng đầu năm, thị trường TPDN có tổng cộng 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 22,185 tỷ đồng (chiếm 80,1% tổng giá trị phát hành).

Tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51%.

Thị trường trái phiếu vẫn sôi động, dù cơ quan quản lý có những động thái siết chặt

Thị trường trái phiếu vẫn sôi động, dù cơ quan quản lý có những động thái siết chặt

Theo số liệu của FiinGroup, 2 năm qua, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, tăng trưởng thị trường TPDN không hề chậm lại, thậm chí, một số nhóm ngành như bất động sản tăng trưởng lên tới hơn 60%.

Hiện quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam mới tương đương 15% GDP, so sánh với các quốc gia trong khu vực như Malaysia hơn 50% và Singapore gần 40%, thì dư địa tăng trưởng thị trường trái phiếu còn rất lớn.

Trong năm nay, hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp sẽ bị siết chặt hơn.

Tuy vậy, theo đánh giá của ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Khối dịch vụ Xếp hạng tín nhiệm - FiinRatings (FiinGroup) có 2 lực dẫn khiến hoạt động phát hành vẫn sẽ diễn ra sôi động và mạnh mẽ.

Thứ nhất, thống kê về giá trị trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường, 60% sẽ đáo hạn trong 2 năm tới.

Khi đại dịch diễn biến dịch phức tạp trước đây, nhiều doanh nghiệp chật vật xoay xở do những biện pháp giãn cách khắc nghiệt chưa từng có.

Thậm chí, một số doanh nghiệp đóng băng hoạt động kinh doanh, dòng tiền suy kiệt, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của doanh nghiệp. Vì vậy, áp lực phải phát hành mới để tái tài trợ cho các khoản nợ đến hạn sẽ lớn.

Thứ hai, trong khảo sát các nhóm doanh nghiệp trên sàn của FiinGroup, gần như chi tiêu cho tài sản trong trong 2 năm qua thấp hơn bình quân 5 năm, đặc biệt nhóm ngành bất động sản.

Khi nền kinh tế được khôi phục trở lại, ngay lập tức các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động xây mới, hoàn thiện các dự án đã chi nhiều tiền cho hoạt động tiền xây dựng.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, muốn phát hành thành công năm 2022, doanh nghiệp sẽ phải nâng lãi suất phát hành lên một mức cao hơn, để hoạt động phát hành được diễn ra suôn sẻ và thành công.