Ngừng sử dụng vaccine Quinvaxem

Bất ngờ nhưng không khó hiểu!

ANTĐ - Cuối tuần qua, Bộ Y tế bất ngờ ra công văn khẩn yêu cầu ngừng sử dụng vaccine “5 trong 1” Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR). Bất ngờ vì hơn nửa năm qua, loại vaccine này có liên quan đến hàng chục ca tử vong sau tiêm nhưng Bộ Y tế vẫn khẳng định vaccine an toàn. Mặt khác, quyết định này được đưa ra khá đột ngột khi bản thân Bộ Y tế chưa chuẩn bị được các phương án thay thế.

Bất ngờ nhưng không khó hiểu! ảnh 1
Ngừng sử dụng vaccine Quinvaxem tại tất cả các điểm tiêm chủng

Bị dừng sử dụng vì thiếu an toàn...

Từ cuối năm 2012 đến nay, trên cả nước liên tục ghi nhận các trường hợp trẻ em gặp tai biến nặng sau tiêm vaccine Quinvaxem, trong đó có ít nhất 9 trường hợp trẻ tử vong liên quan đến loại vaccine này. Tuy nhiên, trong các thông báo về vaccine Quinvaxem của Bộ Y tế đều khẳng định chưa tìm thấy bằng chứng về sự liên quan của vaccine Quinvaxem với các trường hợp tử vong. Bộ Y tế cũng luôn khẳng định vaccine Qinvaxem là an toàn, đạt chất lượng. Vậy nhưng ngày 4-5 vừa qua, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế bất ngờ ra công văn khẩn yêu cầu tạm dừng sử dụng vaccine Quinvaxem trong chương trình TCMR trên toàn quốc. 

Trao đổi với báo chí sáng 6-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, ở nước ta ghi nhận một số trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm chủng vaccine Quinvaxem, khiến 5 trường hợp tử vong. Qua điều tra, nghiên cứu, Hội đồng cấp tỉnh/ thành phố cũng như Hội đồng khoa học Trung ương đưa ra kết luận rằng, trong số 5 trường hợp tử vong nói trên có đến 4 trường hợp không liên quan đến vaccine, các trường hợp này tử vong do nhiễm trùng huyết và một trường hợp chưa rõ nguyên nhân. 

“Trong bối cảnh như vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo họp các Hội đồng khoa học, từ Hội đồng xử lý tai biến, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, và đặc biệt là đã trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF để bàn tính xem nên sử dụng vaccine Quinvaxem như thế nào. Vừa rồi, Bộ Y tế đã được WHO nhận lời giúp điều tra tất cả các trường hợp tử vong có liên đến vaccine Quinvaxem. Do vậy, thời điểm này, Bộ Y tế quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine Quinvaxem để chờ kết quả điều tra chính thức của các cơ quan quốc tế, trong đó có WHO, sau đó sẽ quyết định những bước tiếp theo” - Thứ trưởng       Nguyễn Thanh Long phân tích.

… Hay vì lý do khác?

Được biết, vaccine “5 trong 1” Quinvaxem được đưa vào chương trình TCMR quốc gia từ tháng 6-2010, áp dụng tiêm miễn phí cho trẻ 2-3 và 4 tháng tuổi. Vaccine này do Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tài trợ đến hết năm 2015. Sau khi liên tục có những ca tai biến, tử vong ở trẻ em sau tiêm, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Y tế nên ngừng sử dụng ngay loại vaccine này để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em tiêm chủng. Tuy nhiên đây là loại vaccine giá rẻ và được tài trợ toàn bộ, theo đại diện Bộ Y tế thì tổng số tiền tài trợ vaccine Quinvaxem trị giá lên tới 38,5 triệu USD. Nhiều luồng ý kiến cho rằng, chính vì số tiền được tài trợ quá lớn cộng thêm với lập luận “không có một loại vaccine nào an toàn tuyệt đối” và “tỷ lệ tai biến do vaccine Quinvaxem vẫn trong ngưỡng cho phép” là lý do đến tận bây giờ, khi đã có đến 9 trường hợp tử vong sau tiêm, Bộ Y tế mới ra quyết định dừng sử dụng vaccine Quinvaxem.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo về việc dừng sử dụng vaccine Quinvaxem vào chiều thứ 7 (4-5), TTYTDP Hà Nội đã lập tức thông báo đến tất cả các cơ sở y tế, TTYT quận/ huyện và các trạm y tế trên địa bàn thành phố khẩn cấp dừng ngay việc tiêm vaccine này bắt đầu từ sáng chủ nhật (5-5). 

GS.TS Trịnh Quân Huấn nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cho biết, trong trường hợp dừng hẳn vaccine Quinvaxem hoặc dừng thời gian dài thì Bộ Y tế phải xem xét ưu tiên các vaccine số lượng ít cho các vùng có nguy cơ bệnh dịch cao do viêm màng não mủ, viêm gan B, uốn ván, ho gà… Mặt khác, có thể tính đến phương án thay thế tạm thời bằng cách tiêm các vaccine đơn lẻ như vaccine phòng viêm gan B, Hib…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế hiện cũng đưa ra các phương án có thể sử dụng vaccine trong nước sản xuất để thay thế như vaccine “3 trong 1”, hoặc có thể trình với Chính phủ để xây dựng đề án nhập vaccine vô bào. Tuy nhiên các phương án tiếp theo còn phải phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu của WHO về vaccine Quinvaxem. Chỉ khi có kết quả điều tra của WHO thì mới quyết định được rằng có phải thay ngay vaccine Quinvaxem hoặc cần phương án khác thay thế.