Bất cập đằng sau vi phạm xích lô chở khách du lịch quanh phố cổ Hoàn Kiếm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên giấy tờ, chỉ có 78 phương tiện xích lô được cấp phép chở khách du lịch quanh địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Song thực tế, rất nhiều xe không được cấp phép vẫn hoạt động, gây ảnh hưởng tình hình giao thông... 

Tràn lan xích lô không phép hoạt động

Loại hình xích lô du lịch khá phổ biến tại quận Hoàn Kiếm. Nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội đều cảm thấy thích thú khi trải nghiệm dịch vụ này. Chỉ với khoảng 60.000-70.000 đồng là du khách có thể tham quan, thưởng ngoạn khung cảnh của hồ Hoàn Kiếm, những tuyến phố bày bán hàng hóa đa dạng sắc màu trong 1 giờ.

Tuy nhiên, loại hình phương tiện du lịch này đang kéo theo nhiều vấn đề, ví dụ như việc người điều khiển dừng, đỗ tràn lan dưới lòng đường, không chỉ ảnh hưởng tới tình trạng giao thông, mà còn gây mất mỹ quan hình ảnh phố cổ. Với những chiếc xe dừng, đỗ sai quy định, hoặc chạy chậm vào lúc cao điểm hay tan tầm dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ.

Du khách quốc tế đến với Hà Nội rất thích thú trải nghiệm du lịch vòng quanh phố cổ bằng xe xích lô

Du khách quốc tế đến với Hà Nội rất thích thú trải nghiệm du lịch vòng quanh phố cổ bằng xe xích lô

Trung tá Vũ Thế Cường - Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, bên cạnh những vi phạm liên quan đến trật tự giao thông, trật tự đô thị, việc những chiếc xe không phép hoạt động còn có thể dẫn tới tình huống lái xe “chặt chém” du khách, nhất là với du khách nước ngoài bất đồng về ngôn ngữ, gây ra hình ảnh xấu xí trong mắt khách du lịch.

Trên cơ sở nắm tình hình, Công an quận Hoàn Kiếm chỉ đạo Đội CSGT-TT phối hợp với công an các phường tuần tra, phát hiện các trường hợp phương tiện xe xích lô dừng, đỗ không đúng tuyến quy định sẽ xử lý. Mặt khác, đối với những xe không được cấp phép trở lại mà vẫn cố tình hoạt động thì sẽ tạm giữ phương tiện để xác minh, xử lý.

Nhiều người lái xe xích lô đã quá tuổi lao động, nhưng tất cả cũng vì cuộc sống mưu sinh...

Nhiều người lái xe xích lô đã quá tuổi lao động, nhưng tất cả cũng vì cuộc sống mưu sinh...

Theo tìm hiểu của phóng viên An ninh Thủ đô, để phục vụ nhu cầu của du khách về việc tham quan phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, Phòng CSGT, CATP Hà Nội đã cấp phép cho các phương tiện là xe xích lô đủ điều kiện hoạt động. Đến ngày 17-11-2022, căn cứ trên tình hình thực tiễn, Phòng CSGT chỉ gia hạn cho 78 phương tiện, trong đó, Công ty cổ phần Huy Phong là 40 xe; Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâm Anh 18 xe và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Văn Hóa 20 xe.

Tuy nhiên, trên thực tế rà soát của Đội CSGT-TT, Công an quận Hoàn Kiếm, toàn địa bàn hiện có hơn 200 xe xích lô đang hoạt động, tức dôi dư... khoảng 180 xe. Sở dĩ tồn tại con số này là do số lượng xe được gia hạn sẽ hạn chế theo từng năm. Những xe dôi dư đáng nhẽ buộc phải thu hồi nhưng lại cố tình hoạt động.

Những bất cập khó giải quyết

Phóng viên An ninh Thủ đô đã trực tiếp khảo sát thực tế và thấy rằng, phần lớn những người lái xe xích lô chở khách du lịch đều đã quá tuổi lao động, nhưng họ lại là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh rất khó khăn. Đặc biệt sau thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, cuộc sống họ càng vất vả hơn nữa.

Chính vì vậy, có những người dù đã 76 tuổi vẫn phải ra đường đạp xích lô kiếm tiền. Họ trông chờ vào từng cuốc xe. Điều đáng nói ở đây là, dù phía các công ty như Lâm Anh, Huy Phong, Văn Hóa chỉ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hạn chế số lượng phương tiện, nhưng thực tế, họ sẵn sàng đồng ý cho những chiếc xe vốn đã bị buộc thu hồi hoạt động.

Phương tiện lấy danh nghĩa Công ty cổ phần Huy Phong để hoạt động, nhưng thực tế không nằm trong danh sách gia hạn cấp phép

Phương tiện lấy danh nghĩa Công ty cổ phần Huy Phong để hoạt động, nhưng thực tế không nằm trong danh sách gia hạn cấp phép

Khi có khách, phía công ty liền báo cho những lái xe này, sau đó cắt % lợi nhuận và hoàn toàn không chịu bất cứ một phần trách nhiệm pháp lý nào. Người lao động thì cần tiền nên cũng chấp nhận rủi ro nếu bị lực lượng công an kiểm tra, không xin được thì nộp phạt vi phạm hành chính rồi lại tiếp tục vi phạm. Bởi lẽ, nếu không bám vào những chiếc xích lô này, họ biết làm gì để kiếm sống?

Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an quận Hoàn Kiếm thông tin thêm, trước đây, các phương tiện là xe xích lô chở khách du lịch được cấp điểm đỗ tại 162 Trần Quang Khải. Khi có khách thì lái xe sẽ đến đón ở điểm mà công ty thông báo sau đó trở về dừng, đỗ tại điểm được cấp phép.

Có phép hay không phép thì vi phạm việc dừng, đỗ vẫn diễn ra bởi điểm được cấp để dừng, đỗ nay đã trở thành bãi trông giữ xe

Có phép hay không phép thì vi phạm việc dừng, đỗ vẫn diễn ra bởi điểm được cấp để dừng, đỗ nay đã trở thành bãi trông giữ xe

Tuy nhiên đến nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thu hồi và cấp phép làm điểm trông giữ xe. Điều này đồng nghĩa với việc, dù xe xích lô được cấp phép hoạt động thì cũng không có điểm dừng, đỗ, nghiễm nhiên họ sẽ chọn bất cứ vị trí nào trên đường để chờ đón khách.

Với con số hơn 200 xe nếu tính cả phương tiện không được gia hạn cấp phép, nếu tất cả đều dừng, đỗ tràn lan trên đường thì bộ mặt đô thị sẽ ra sao? Tình hình giao thông đi lại của người dân sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Và quan trọng hơn cả, đó là tại sao các công ty chỉ được cấp hạn chế số lượng phương tiện, nhưng vẫn “im ỉm” để các xe không phép hoạt động?

Trưng dụng vỉa hè để đỗ xe

Trưng dụng vỉa hè để đỗ xe

Điểm dừng, đỗ không có; người lao động thì bất chấp việc vi phạm quy định để hoạt động vì cuộc sống mưu sinh; việc xử lý vi phạm hành chính thì lại quá nhẹ không đủ sức răn đe; công ty dịch vụ thì lờ đi những quy định để hưởng lợi… Tất cả những bất cập này đang dồn gánh nặng lên vai lực lượng Công an.

Đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm sâu sát và có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng trên, vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa dứt điểm tình trạng vi phạm TTATGT, TTĐT, góp phần mang lại hình ảnh về Thủ đô Hà Nội tươi đẹp, thân thiện và an toàn.