- Hơn 700 cán bộ, học viên Học viện CSND tham gia hiến máu
- Bộ Y tế không chọn phương án bắt buộc người dân hiến máu
- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kêu gọi người dân tích cực hiến máu
Thông tin về việc Bộ Y tế đề xuất quy định bắt buộc người dân đi hiến máu kể trên ngay lập tức nhận được phản ứng trái chiều từ dư luận xã hội. Chiều 9-1, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đã có buổi trao đổi trực tiếp với một số cơ quan báo chí về nội dung này.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế
- Cơ sở nào để Bộ Y tế đề xuất quy định bắt buộc công dân phải thực hiện hiến máu mỗi năm 1 lần? Đề xuất này liệu có phù hợp với quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp nước ta quy định?
- Trước hết, tôi khẳng định trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế chưa đề cập đến đề xuất công dân bắt buộc hiến máu, mà đề xuất này được đưa ra trong tờ trình về luật gửi tới Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành liên quan. Quan điểm xây dựng luật hiện nay là phải dựa trên bằng chứng về mặt khoa học. Hiện nay, dựa trên tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại mỗi quốc gia, để đáp ứng nhu cầu máu điều trị cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Như vậy, mỗi năm với dân số 90 triệu dân, Việt Nam cần khoảng 1, 8 triệu đơn vị máu. Năm 2016, cả nước tiếp nhận khoảng trên 1,3 triệu đơn vị máu (đáp ứng 66% nhu cầu về máu và tỷ lệ hiến máu đạt 1,4% số dân hiến máu). Việc xây dựng Luật này phải nhằm đảm bảo đủ nguồn máu điều trị.
Trong ngày hôm nay, 10-1, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan sẽ họp thẩm định hồ sơ dự thảo Luật về máu và tế bào gốc. Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được đưa vào chương trình làm luật và trình Quốc hội trong năm 2017.
Vì thế, trong báo cáo đánh giá tác động xây dựng luật, khi tiến hành khảo sát đánh giá, có 2 giải pháp để xin ý kiến. Giải pháp 1: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. Giải pháp 2: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. Khi làm luật phải đưa ra các phương án để đối chứng, bao quát được một cách toàn diện và tìm ra được giải pháp tối ưu nhất. Bộ Y tế lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện (giải pháp 2) nhưng làm thế nào để chứng minh hiến máu tình nguyện là tối ưu thì phải đưa ra phương án giả định. Trường hợp này, giả định là sẽ quy định hiến máu bắt buộc.
Năm 2016, cả nước tiếp nhận khoảng trên 1,3 triệu đơn vị máu
- Vậy tính “tối ưu” của phương án “hiến máu là tự nguyện” so với phương án “bắt buộc hiến máu” ra sao?
- Dự án luật nào khi xây dựng cũng đều phải đánh giá tác động về các phương án đưa ra. Hiện nay, qua kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy, với phương án giả định đầu tiên, tức quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân, có mặt tích cực là giúp cho chúng ta có nguồn máu đầy đủ và ổn định. Thế nhưng, xét về mặt kinh tế, nếu thực hiện chính sách này thì hàng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu, còn nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng, sẽ có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hàng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ đồng để chi trả. Như vậy, nếu sử dụng giải pháp 1 sẽ làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi so với việc sử dụng giải pháp 2.
Bên cạnh đó, tham khảo pháp luật quốc tế cho thấy, toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân. Ví dụ, tại Trung Quốc, luật chỉ quy định cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống Nhà nước phải có trách nhiệm tham gia hiến máu và nguồn máu này được lưu trữ và sử dụng phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho toàn dân chứ cũng không quy định nghĩa vụ bắt buộc hiến máu. Ngoài ra, nếu sử dụng giải pháp 1, sẽ có một lượng máu dư thừa khá lớn - khoảng 28 triệu đơn vị máu. Như vậy, xét về khía cạnh quyền con người trong Hiến pháp, tham khảo luật pháp của các nước, xét về khía cạnh kinh tế và thực tế công tác vận động hiến máu tình nguyện đang làm rất tốt hiện nay, Bộ Y tế chọn giải pháp 2 là phù hợp, khả thi.
- Việc Bộ Y tế đưa ra phương án giả định đầu tiên là bắt buộc công dân phải hiến máu đã khiến người dân, dư luận xã hội không khỏi hoang mang. Bộ Y tế có lường trước yếu tố này?
- Qua vụ việc này, cơ quan soạn thảo luật cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là trong khâu ghi chép, biên tập khi xây dựng các phương án để tránh gây hiểu nhầm. “Dù là trong báo cáo gửi thẩm định nhưng nếu đưa phương án quy định “hiến máu là nghĩa vụ của công dân” thành phương án 2 chứ không đưa lên trước, không đưa làm phương án 1, thì chắc chắn sẽ giảm được sự hiểu nhầm của dư luận và người dân về việc Bộ Y tế thiên về phương án này.