Bảo tồn di sản: Cần chuyên môn hóa

ANTĐ - Sáng qua, 11-6, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) tổ chức Hội nghị - Hội thảo trực tuyến “Nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát huy giá trị di tích” tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với nhiều nội dung quan trọng.

Hội Gióng là một trong những lễ hội còn giữ được bản sắc truyền thống

Không thể bỏ ngỏ công tác “tiền kiểm” 

Hội thảo tập trung giải quyết các nhóm vấn đề và một trong số đó là công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích. Với Thủ đô Hà Nội là đơn vị có mật độ di tích lớn, với phạm vi rộng, công tác bảo tồn và phát triển di tích trong thời gian qua gặp nhiều bất cập. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 600 công trình di tích ở vào tình trạng xuống cấp tuy nhiên một số địa phương cấp huyện còn buông lỏng công tác tôn tạo, tu bổ. Việc chưa có sự phân định rõ ràng ở các bộ phận chuyên trách, bộ máy quản lý di tích hoạt động tương đối độc lập, chưa có sự kết nối thường xuyên với các cơ quan chức năng dẫn đến việc can thiệp kiểm tra, xử lý còn chậm trễ.

Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, việc thanh, kiểm tra di tích cần đề cao công tác “tiền kiểm”, từ khi lập dự án, thiết kế thi công và ngay trong quá trình thi công, hoàn thiện công trình. Vụ việc của chùa Trăm Gian và đình Ngu Nhuế trong năm 2012 không chỉ là minh chứng của việc chấp hành chưa nghiêm những quy định của Luật Di sản văn hóa mà còn chỉ ra những vấn đề tồn tại trong việc giám sát, kiểm tra các hoạt động tu bổ, trùng tu di tích.

Cũng theo Giáo sư Lưu Trần Tiêu, cùng với xu hướng của thế giới, chúng ta cần tiến đến việc nâng cao vị thế, tính chuyên môn trong thực thi và bảo tồn di sản. Trong đó, để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di tích, vai trò của người dân cần được chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa một cách hợp lý. Nhiều mô hình quản lý ở di tích địa phương bộc lộ được tính hiệu quả nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và chính quyền. Đồng tình với ý kiến này, GS.TS Ngô Đức Thịnh lấy dẫn chứng, Hội Gióng - vẫn giữ được bản sắc, sức sống di sản từ nhiều năm nay bên cạnh sự hỗ trợ quản lý của Nhà nước và chính quyền chính là nhờ vai trò tham gia tích cực của cộng đồng người dân địa phương. Về vấn đề này, Giáo sư Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, để phù hợp với tình hình và hiện trạng ở mỗi địa phương, cần đa dạng hóa các mô hình quản lý di tích, trên cơ sở đề cao tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng nguồn lợi đúng mục đích. 

Ứng xử văn minh tại các di tích

Một trong những vấn đề nóng được các đại diện Sở Văn hóa, Trung tâm Bảo tồn Di tích cũng như những nhà chuyên môn quan tâm đó là vấn đề ý thức thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, nhất là khi tham gia lễ hội của một bộ phận người tham gia còn thấp. Tình trạng xả rác bừa bãi, chen lấn xô đẩy, cố tình đưa đồ mã vào nơi thờ tự, đặt tiền lễ tùy tiện, sắp xếp hàng, bãi gửi xe lộn xộn, chưa quy củ… gây nên hình ảnh xấu cho bộ mặt các khu di tích, danh thắng. Trong khi hiện tượng tự ý “chặt chém”, chèo kéo, đối xử thiếu văn minh với du khách… đang là tệ nạn nhức nhối ngay tại các điểm du lịch lớn thì vấn đề giáo dục ý thức người dân trong tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ phải được quan tâm hàng đầu. Nhiều đại biểu đề nghị xây dựng, duy trì quy ước ngay từ các làng, thôn, xóm trong đó có quy định ứng xử văn minh trong các lễ hội. Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định trách nhiệm của UBND, Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo tại các di tích đảm bảo văn minh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục truyền thống của người Việt Nam. 

Bên cạnh vấn đề nâng cao nhận thức cho người dân, việc tổ chức các lớp tập huấn cho đến nay chưa được chuyên sâu, bài bản, chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn đối với từng loại di tích cụ thể. GS.TS Lưu Trần Tiêu nhận định Cục Di sản văn hóa đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác bảo tồn, phát huy di sản nhưng nhìn chung khi thực hiện tại các địa phương hiệu quả đạt được còn rất hạn chế. Cơ chế địa phương chưa huy động được chất xám, sự đóng góp thích đáng của nguồn nhân lực, cùng với đó chất lượng sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn, chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị du lịch. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, một trong những giải pháp có thể thực hiện là xây dựng chương trình “Sản phẩm du lịch văn hóa quốc gia” với sự tham gia của đội ngũ chuyên môn từ hệ thống các di tích trong cả nước, trong đó, sẽ chọn lựa các sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc tại Di sản Thế giới, Di sản Quốc gia… để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Các sản phẩm du lịch đặc sắc sẽ được nghiên cứu, xem xét sự đầu tư, duy trì để tạo động lực thúc đẩy phát triển các hoạt động tại di tích, đem về nguồn lợi chính đáng cho người làm du lịch.