- Nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai cho nhân dân
- Lực lượng cứu hộ tinh nhuệ sẵn sàng ứng phó với thảm họa, thiên tai
Báo cáo từ Cục Quản lý đê điều, phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho thấy, do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3, đến ngày 14-9 đã có 262 người chết, 83 người mất tích. Trong đó, Lào Cai là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 172 người, kế tiếp là Yên Bái với 55 người, Cao Bằng là 52 người, Quảng Ninh là 25 người, Phú Thọ có 11 người (trong đó có 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu). Cùng với đó là xấp xỉ 2.000 người bị thương. Tổng số căn nhà bị hư hỏng là 168.253, trong đó tại Quảng Ninh hư hỏng 102.467 nhà, Hải Phòng là 40.065 nhà, Lào Cai là 5.055 nhà, Lạng Sơn là 3.568 nhà, Bắc Ninh là 3.472 nhà, Bắc Giang là 3.289 nhà, Yên Bái là 1.910 nhà.... Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hại. Rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động, cây xanh đô thị bị gẫy, đổ.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn đang dầm mình tìm người mất tích tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, Lào Cai |
Không những vậy, về sản xuất còn có hơn 180.000ha lúa, 44.000ha hoa màu, 23.661ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 9.079 con gia súc, xấp xỉ 2 triệu con gia cầm bị chết… Đó còn chưa kể tổn thất về cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, thông tin liên lạc, giao thông đường bộ và đường sắt.
Hàng nghìn hecta lúa của người dân Yên Bái bị nước lũ làm hư hỏng |
Đến ngày 14-9, tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai vẫn chưa thể thông vì còn hàng chục điểm sạt lở, vùi lấp. Có những điểm nước lũ cuốn trôi toàn bộ kết cấu đường. Trong khi đó, hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ… tại nhiều tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… đều bị hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều đoạn tuyến sạt lở phải mất nhiều thời gian khôi phục mới có thể lưu thông. Đây được nhận định là thiệt hại nặng nề chưa từng có do thiên tai gây ra. Hàng nghìn gia đình trắng tay sau bão, lũ. Nhiều đứa trẻ thành mồ côi vì cha, mẹ bị lũ cuốn, đất đá vùi lấp. Đến ngày 14-9, tại các địa phương như Lào Cai vẫn còn nhiều xã bị cô lập, giao thông chia cắt.
Dự báo thời tiết trong 10 ngày tới trên cả nước
Khu vực Bắc bộ từ ngày 15 đến 20-9: Ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi, riêng từ 15 đến 16-9 ngày nắng gián đoạn, chiều tối và đêm có mưa rào và giông rải rác. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Những ngày đầu tuần, lũ trên các sông thuộc khu vực Bắc bộ giảm dần, sau biến đổi chậm.
Khu vực Trung bộ: Khu vực Bắc Trung Bộ: Từ ngày 15 đến 20-9 ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi, riêng từ 16 đến 17-9 chiều tối và đêm có mưa rào và giông rải rác.
Khu vực Trung và Nam Trung bộ: Từ ngày 15 đến 19-9 có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có mưa to. Ngày 20-9 có mưa rào và giông rải rác. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mực nước các sông khu vực Trung bộ biến đổi chậm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam bộ: Từ ngày 15 đến 19-9 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (mưa tập trung vào chiều và đêm). Ngày 20-9 ngày nắng gián đoạn, chiều và tối có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có mưa to. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mực nước các sông khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo triều.
Khu vực Hà Nội: Từ ngày 15 đến 20-9 ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi, riêng từ đêm 15 đến 16-9 chiều tối và đêm có mưa rào và giông rải rác.
Từ nay đến hết tháng 9 có thể xuất hiện bão trên Biển Đông
Theo dự báo, từ nay đến đầu tháng 10-2024 nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đáng nói, lượng mưa tại khu vực Bắc - Trung Trung bộ phổ biến cao hơn từ 15 - 30% so với trung bình nhiều năm. Tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ, lượng mưa xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm. Riêng tại Phan Rang - Phan Thiết và miền Tây Nam bộ, tổng lượng mưa xấp xỉ dưới so với trung bình nhiều năm.
Cũng từ nay đến đầu tháng 10, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm trên Biển Đông thời kỳ này có khoảng 2 - 3 cơn bão, trong đó 1 cơn đổ bộ đất liền Việt Nam). Đáng lưu ý, từ nay đến đầu tháng 10 trên phạm vi toàn quốc tiếp tục có nhiều ngày mưa, trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Mùa mưa có khả năng xuất hiện tại khu vực miền Trung từ nửa cuối tháng 9-2024.