Bão số 14 chuyển hướng đổ bộ Thái Bình - Hải Phòng

ANTĐ - Khác hẳn với những dự báo ban đầu, bão HaiYan- Hải Âu (bão số 14) không đổ bộ vào các tỉnh miền Trung mà đi vào đất liền các tỉnh ven biển Thái Bình- Hải Phòng- Quảng Ninh.

Bão số 14 chuyển hướng đổ bộ Thái Bình - Hải Phòng ảnh 1
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cùng lãnh đảo các Sở, ngành kiểm tra 
một số công trình chống úng
Miền Trung gỡ lệnh sơ tán dân
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, sau khi đi vào khu vực giữa Biển Đông, bão số 14 bám dọc các tỉnh ven biển Trung bộ ngược ra Bắc. Trong quá trình ma sát, bão liên tục suy yếu. Vào 17h tối qua 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Ninh khoảng 270 – 330km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15.  
Như vậy, sáng sớm nay 11-11, bão số 14 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh. Khu vực từ Quảng Bình trở vào nằm trong vùng an toàn từ ảnh hưởng bão. Các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa có gió giật cấp 6 – 7, không gây nguy hiểm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở các tỉnh Trung Trung bộ, Bắc Trung bộ và ven biển Bắc bộ đã có gió giật mạnh cấp 6 – 7, có nơi giật cấp 8 như Dung Quất (Quảng Ngãi). Ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 8, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 12. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa phổ biến tính đến 13h chiều 10-11 khoảng 40-100mm.
Sáng qua 10-11, chủ trì cuộc họp tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, do bão không đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào nên từ 12h trưa cùng ngày, các địa phương chủ động cho người dân đi tránh bão trở về nhà, mọi hoạt động trở lại bình thường. Số lượng người dân đã sơ tán từ Đà Nẵng trở vào lên tới con số khoảng 500.000 người. 
Tỉnh Thanh Hóa đến 15h cùng ngày cũng đã quyết định ngừng sơ tán dân, những người đã sơ tán trước đó được trở về nhà. Mặc dù bão không đổ bộ vào các tỉnh miền Trung nhưng đã có 6 người tử vong trong khi chạy bão, phòng chống bão, trong đó Quảng Nam 2 người, Quảng Ngãi 2 người, Thừa Thiên - Huế 1 người và Đà Nẵng 1 người. 
Trong khi đó, các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Bắc bộ như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh gấp rút lên phương án đối phó với bão, sơ tán nhân dân. TP Hải Phòng đã lên phương án sơ tán 80.000 dân tại các quận, huyện như  Đồ Sơn, Cát Hải, Kiến Thụy, Hải An… Đến buổi trưa cùng ngày, tại đảo Bạch Long Vĩ bắt đầu có mưa to, gió cấp 6, cấp 7. Những hộ dân ở khu vực âu cảng Bạch Long Vĩ đã được đưa vào nơi tránh bão.
Hà Nội họp khẩn chống bão
Sáng 10-11, UBND TP Hà Nội đã triệu tập cuộc họp với UBND các quận, huyện và Sở, ngành trên địa bàn, yêu cầu lên phương án đối phó với tình huống mưa có thể gây ngập úng diện rộng.
Theo đánh giá của BCH PCLB Hà Nội, thành phố sẽ phải đối  mặt với lượng mưa lớn 200-300mm, do vậy, nhiều khu vực nội thành sẽ xảy ra úng ngập cục bộ. Ngoài ra, các huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Thanh Oai, Mê Linh sẽ bị ngập nặng, có thể xảy ra sạt lở đất, vỡ đê… 
Hà Nội đã xây dựng 12 tình huống, từ ngập úng nội ngoại thành với khoảng 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng cho đến vỡ đê Hữu Hồng, Tả Hồng từng khu vực, vỡ đê khu vực ngoại thành như Tả Bùi, Tả Tích, Hữu Cầu, Mỹ Hà… để các đơn vị liên quan có phương án xử lý. Để kịp thời tiêu úng cho vùng nội đô, hồ điều hòa thuộc công trình trạm bơm Yên Sở đã hạ mực nước xuống cao trình +1,5m. Tất cả các trạm bơm tiêu thoát đều đã sẵn sàng vận hành 100% công suất. Các công trình, dự án ảnh hưởng đến tiêu thoát nước trên hệ thống đã được thanh thải theo thỏa thuận thoát nước, đảm bảo phục vụ tiêu thoát nước. Hệ thống tiêu úng ngoại thành gồm hơn 400 trạm bơm với 1.600 máy bơm các loại cũng sẵn sàng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các quận, huyện chủ động lên phương án di dân khỏi những vùng úng ngập, khi nhà cửa có nguy cơ sập, đảm bảo an toàn và tính mạng của người dân. Lãnh đạo các cơ quan thuộc thành phố phải kiểm tra rà soát công tác chống bão, cử người ứng trực 24/24h. Đặc biệt, các địa phương có nguy cơ úng ngập phải nhanh chóng bơm tiêu nước, giảm mực nước trong các hồ đập, giải tỏa các kênh dẫn đảm bảo tiêu thoát nước nhanh chóng.
Ngay sau cuộc họp với các quận, huyện, Sở, ngành, chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP đã trực tiếp đi kiểm tra công trình tiêu thoát úng Yên Sở và trạm bơm Đông Mỹ (Thanh Trì). Kiểm tra trạm bơm Yên Sở và Đông Mỹ, ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu đội ngũ cán bộ, nhân viên tại đây không được chủ quan, phải kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống máy móc, đảm bảo vận hành ổn định trong tình huống úng, ngập. Có phương án bảo vệ trạm biến áp, cung cấp ổn định nguồn điện cho các tổ máy hoạt động… 
Tại buổi làm việc với UBND quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các quận, huyện phải có lệnh sơ tán dân, khi cần thiết sẽ triển khai thực hiện. Trước hết phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, để xảy ra thiệt hại về người, lãnh đạo quận, huyện phải chịu trách nhiệm; tại nơi sơ tán phải đảm bảo những điều kiện sinh hoạt tối thiểu. “Dừng tất cả các cuộc hội họp trong ngày hôm nay 11-11, trừ các hoạt động liên quan đến an ninh quốc phòng.  Các khu vui chơi giải trí cũng đóng cửa trong ngày hôm nay. Bệnh viện cần nâng mức hoạt động ở cấp độ cao, kịp thời cứu chữa người bị nạn khi xảy ra”, Chủ tịch UBND TP yêu cầu.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, Công an các quận, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể phòng chống hoàn lưu của bão số 14 gây mưa lớn trên địa bàn, huy động lực lượng ứng trực. Tại các điểm thường úng ngập sâu như bến xe phía Nam, đường Nguyễn Xiển…, lực lượng CSGT phối hợp với Thanh tra GTVT tổ  chức phân luồng cho phương tiện qua lại. Trạm bơm Yên Sở cũng đã được bố trí lực lượng 24/24h; đảm bảo an toàn cho hành khách tại hai bến xe và một bến tàu trên địa bàn quận Hoàng Mai trong trường hợp mưa to, khách phải lưu trú lại.   
Tại Hà Nội, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP đã ký công điện khẩn gửi đến Trưởng các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã... quán triệt: Các đơn vị tổ chức trực ban, trực chiến 24/24h, đảm bảo 100% quân số trực và ứng trực để giải quyết, đối phó với tình huống đột xuất xảy ra; yêu cầu lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị dừng tổ chức hội nghị, thường trực ở cơ quan và phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp xuống địa bàn trọng điểm để chỉ đạo công tác phòng, chống bão; định kỳ báo cáo tình hình về Ban chỉ huy PCLB&TKCN CATP Hà Nội.