Bao giờ hết nghèo?

(ANTĐ) - Lãnh đạo chính quyền và người dân phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân đang hết sức phấn khởi. Trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, mấy khu tập thể “thâm niên” trên địa bàn phường có sự thay đổi tích cực. Cái sân chơi cho thiếu nhi được thảm lại bằng xi măng, hết cảnh mấp mô, lồi lõm khiến nhiều ông bố bà mẹ không dám cho con cái “bén mảng”.

Bao giờ hết nghèo?

(ANTĐ) - Lãnh đạo chính quyền và người dân phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân đang hết sức phấn khởi. Trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, mấy khu tập thể “thâm niên” trên địa bàn phường có sự thay đổi tích cực. Cái sân chơi cho thiếu nhi được thảm lại bằng xi măng, hết cảnh mấp mô, lồi lõm khiến nhiều ông bố bà mẹ không dám cho con cái “bén mảng”.

2 bể nước công cộng sử dụng gần 30 năm giờ đã được hút nước, thau lọc, đem lại nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ cho người dân. Rồi hệ thống bể phốt ở khu tập thể Cao su Sao vàng được thay mới, thế chỗ cho khu vệ sinh cũ mà mới nghĩ đến đã khiến người dân… rùng mình.

Những đổi thay ở phường Thượng Đình là thành quả của dự án “Môi trường và cộng đồng” do một tổ chức phi chính phủ tài trợ. Dự án chọn phường Thượng Đình, bởi đây là một trong bốn phường bị xếp hạng dân cư thu nhập thấp của Hà Nội, hay nói thẳng ra, là phường nghèo.

Khái niệm giàu nghèo bây giờ thật ra cũng khó đong đếm cho chính xác, bởi ở đâu chả có hộ giàu, người nghèo. Nhưng “nghèo” đến mức như phường Thượng Đình, các vấn đề dân sinh sát sườn, chốn sinh hoạt cộng đồng, nhà vệ sinh công cộng, bể chứa nước tập thể… bao nhiêu năm qua là từng ấy thời gian xuống cấp, mà vẫn mặc kệ được thì cũng lạ.

Không dám nghĩ đó là chuyện đang diễn ra giữa đất Thủ đô. Phường Thượng Đình vốn nằm trong địa bàn nhiều nhà máy. Di dời các nhà máy này để giải quyết “nạn” ô nhiễm môi trường là tầm “vĩ mô”. Song những tồn tại “vi mô” phải là trách nhiệm giải quyết của phường, quận. Nếu như không có dự án, biết bao giờ đời sống sinh hoạt của người dân mới được thay đổi? Và đâu rồi vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương?

Người dân nghèo nhưng chắc chắn họ sẵn sàng đóng góp theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm để cải thiện môi trường sống, tất nhiên địa phương phải đứng ra chỉ đạo. Vậy nhưng điều đó đã không thực hiện được. Cái nghèo kinh tế thì phải chấp nhận. Nhưng “nghèo” cả trách nhiệm với người dân thì phải suy nghĩ và đáng trách lắm!

Hoàng Hà