Báo động tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

(ANTĐ) - Những năm gần đây, các chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được triển khai mạnh mẽ trên cả nước. Thế nhưng tại nhiều tỉnh miền cao, vẫn phổ biến tình trạng tảo hôn từ tuổi 13, 14, hay vẫn còn tình trạng con cô lấy con cậu. Những thông tin này được đưa ra tại hội nghị triển khai thí điểm mô hình can thiệp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 10 tỉnh, thành do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức ngày 8-9.

Các tỉnh vùng cao:

Báo động tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

(ANTĐ) - Những năm gần đây, các chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được triển khai mạnh mẽ trên cả nước. Thế nhưng tại nhiều tỉnh miền cao, vẫn phổ biến tình trạng tảo hôn từ tuổi 13, 14, hay vẫn còn tình trạng con cô lấy con cậu. Những thông tin này được đưa ra tại hội nghị triển khai thí điểm mô hình can thiệp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 10 tỉnh, thành do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức ngày 8-9.

Bác sĩ Hoàng Bá Thước - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng cho biết, tình trạng tảo hôn ở Cao Bằng khá phổ biến. Vẫn còn tình trạng chú rể kém cô dâu nhiều tuổi, gia đình cưới vợ cho con để lấy người lao động. Thậm chí những trường hợp trẻ mới 13 tuổi đã “lên chức bố”.

Theo kết quả điều tra năm 2004, tỉ lệ tảo hôn của nữ dân tộc Dao là 9,8%, nam là 29,7%. Tỉ lệ nữ giới người Mông tảo hôn 17,9% và nam là 20,3%. Năm 2006, kết quả khảo sát gia đình theo tiêu chí cơ bản phạm vi toàn tỉnh đã phát hiện số hộ có người tảo hôn chiếm 0,58% so với tổng số hộ gia đình trong toàn tỉnh. Hộ gia đình có người tảo hôn có ở hầu hết các huyện, thị trong đó huyện Nguyên Bình chiếm tỉ lệ cao nhất với 30%. Theo báo cáo thống kê năm 2008, tỉ lệ cặp vợ chồng tảo hôn chiếm 6% so với tổng cặp vợ chồng mới kết hôn trong năm.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và chất lượng dân số

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và chất lượng dân số

Tại Đăk Lăk, ngoài tình trạng tảo hôn thì tình trạng kết hôn cận huyết thống vẫn tồn tại. Bà H’Lê Niê - cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ Đắk Lắk cho biết, theo phong tục của người M’nông, Êđê thì con cô, con cậu được phép lấy nhau. Thậm chí con trai của cậu lấy con gái của cô được coi là điềm lành. Người cô có con gái, khi gả đi, trước hết phải gả cho con cậu. Mặt khác, theo tập quán mẫu hệ, các em gái ở tuổi 15 - 16 đã có thể chọn chồng. Họ thường căn cứ vào hình dáng bề ngoài, sức khỏe của cô gái ở độ tuổi dậy thì chứ không căn cứ vào tuổi tác.

Trước thực trạng đó, lần đầu tiên Bộ Y tế sẽ triển khai mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống giai đoạn 2009-2010. TS. Dương Quốc Trọng - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, mô hình được thực hiện tại 5 tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Đăk Lăk với mục tiêu giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Đây là mô hình mới có ý nghĩa quan trọng đối với người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao, góp phần giảm tỉ lệ dị tật bẩm sinh của trẻ và góp phần nâng cao chất lượng dân số. Theo đó, việc tư vấn, lấy máu xét nghiệm cho các đôi trước khi kết hôn sẽ bắt đầu từ tuyến xã và miễn phí cho các đối tượng tham gia. Họ sẽ được tư vấn nên hay không nên kết hôn và trót kết hôn rồi thì có nên sinh con không? Ví dụ, xét nghiệm phát hiện những người cùng gene thì không nên kết hôn. Trót kết hôn rồi thì không nên có con.

Bên cạnh mô hình này, Bộ Y tế cũng đồng thời triển khai mô hình tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, tiến hành thí điểm tại 20 xã, thuộc 10 huyện của 5 tỉnh: Hà Giang, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Hải Dương và Hà Nam. Mục tiêu của chương trình là kiểm tra sức khỏe, phát hiện, tư vấn về phòng tránh và điều trị cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn các nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật.

Tiến Hưng