Báo động tình trạng sâu răng ở trẻ em

(ANTĐ) - Theo kết quả điều tra mới đây của Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt - trường Đại học Y Hà Nội, có đến 81% trẻ em từ 4 đến 8 tuổi bị sâu răng sữa; 16,3% bị sâu răng vĩnh viễn; 25,3% bị mất răng sữa và 90,4% trẻ có cặn bám trên răng. Đây là những con số báo động về tình trạng sức khỏe răng miệng của trẻ em hiện nay.

Báo động tình trạng sâu răng ở trẻ em

(ANTĐ) - Theo kết quả điều tra mới đây của Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt - trường Đại học Y Hà Nội, có đến 81% trẻ em từ 4 đến 8 tuổi bị sâu răng sữa; 16,3% bị sâu răng vĩnh viễn; 25,3% bị mất răng sữa và 90,4% trẻ có cặn bám trên răng. Đây là những con số báo động về tình trạng sức khỏe răng miệng của trẻ em hiện nay.

Kết quả điều tra trên được Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt thực hiện tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Hầu hết, các trẻ cũng như các phụ huynh của trẻ khi được hỏi đều cho biết chỉ có 4,7% trẻ sâu răng được đi hàn, chữa răng và chỉ 0,2% trẻ sâu răng vĩnh viễn được hàn răng. 65% số phụ huynh của trẻ cho biết, đã từng đưa con đi khám, chữa răng nhưng chỉ khi răng của trẻ bị lung lay hoặc răng đã hỏng, không thể phục hồi được.

Tiến sỹ Trương Mạnh Dũng - Viện trưởng Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt - Đại học Y Hà Nội cho biết, tỷ lệ sâu răng sữa, mất răng sữa cao là một hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ về cách chăm sóc sức khỏe con cái. Bởi nếu răng sữa mất sớm, trẻ sẽ kém phát triển khả năng nhai, phát âm không chuẩn, hàm răng bị xô lệch ảnh hưởng đến thẩm mỹ, thể chất. Ngoài ra, khi sâu răng ảnh hưởng đến khả năng nhai của trẻ sẽ ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa như dạ dày… Đặc biệt, những chiếc răng sâu chính là các ổ nhiễm trùng, là nguyên nhân gián tiếp gây nên các bệnh hô hấp, khớp, tim mạch hay viêm xoang…

Để bảo đảm sức khỏe toàn diện cho bé, Tiến sỹ Trương Mạnh Dũng cho rằng, quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh là điều tối quan trọng đối với mỗi gia đình. Và cách phòng bệnh răng miệng tốt nhất cho trẻ chính là chải răng cho trẻ mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Bởi kem đánh răng chứa chất Flour sẽ giảm được 50% lượng vi khuẩn bám trên răng, miệng do đó sẽ giảm được 50% tỷ lệ sâu răng ở trẻ. Tuy nhiên, thói quen thông thường của các gia đình là đánh răng vào buổi sáng trước khi ăn và một số ít đánh răng vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đây là cách đánh răng chưa đúng cách.

Theo Tiến sỹ Trương Mạnh Dũng, trẻ phải được đánh răng buổi sáng sau khi ăn và buổi tối trước khi đi ngủ với mỗi lần chải ít nhất là 3 phút. Đặc biệt, chải răng buổi tối quan trọng gấp nhiều lần buổi sáng vì thức ăn trong miệng qua đêm, nếu không được làm sạch sẽ bị phân hủy và bị vi khuẩn tấn công răng miệng. Đối với trẻ nhỏ, khi chiếc răng đầu tiên nhú lên phải được chải bằng khăn gạc mềm. Đến khi trẻ được 2 tuổi phải được chải bằng kem chải răng có Fluor theo thứ tự răng trước - răng trong; hàm trên - hàm dưới và mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai để bảo đảm không còn thức ăn thừa bám trong các kẽ răng.

Dân gian đã đúc kết: “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng”, hay “cái răng cái tóc là vóc con người”, chính vì vậy, việc chăm sóc răng miệng cho con cái chính là trách nhiệm của các bậc phụ huynh để trẻ được lớn lên khỏe mạnh và bảo đảm thẩm mỹ về răng miệng.

M. Trang