Báo động nạn dùng mìn để giải quyết mâu thuẫn cá nhân

ANTĐ - Bức xúc vì bị tố ăn trộm gà, sau một chầu nhậu Lê Văn Kỳ (SN 1978), trú thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch mang mìn tự chế ném vào vườn nhà anh Nguyễn Hữu Cầu - Phó Công an xã Quảng Phú để trả thù.

Đây là một trong số những vụ việc xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Bình về tình trạng sử dụng vật liệu nổ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Vụ việc trên thực sự là điều rất đáng báo đáng báo động hiện nay.

Nhờ làm tốt công tác vận động, thu hồi nên trong thời gian vừa qua CA TP. Đồng Hới đã thu hồi nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân
Nhờ làm tốt công tác vận động, thu hồi nên trong thời gian
vừa qua CA TP. Đồng Hới đã thu hồi nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân 

Thực trạng rất đáng báo động

Theo con số thống kê trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, từ năm 2010 đến nay xảy ra 13 vụ, làm chết 6 người, làm bị thương 8 người, thiệt hại về tài sản khoảng 15 triệu đồng. Trong đó lực lượng Công an đã điều tra làm rõ, kết luận 11/13 vụ.

Chủ yếu xảy ra ở các địa bàn như huyện Quảng Trạch 3 vụ, Minh Hóa 3 vụ, Quảng Ninh 2 vụ, Lệ Thủy 2 vụ, Bố Trạch 2 vụ và TP. Đồng Hới 1 vụ. Năm 2011 xảy ra 9 vụ, làm 5 người chết, 5 người bị thương. Ngoài những vụ việc sử dụng trái phép trong lao động, sản xuất, khai thác và do bất cẩn khi sử dụng thì gần gần đây tình trạng sử dụng vật liệu nổ để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống xảy ra đáng báo động.

Điển hình như vụ việc xảy ra vào khoảng 22h ngày 19/1/2012, trong khi gia đình ông Đoàn Công Viên, ở Phú Trạch, huyện Bố Trạch đang ngủ thì bị kẻ xấu dùng mìn tự chế ném vào mái nhà. Tại thời điểm đó, cả vợ chồng ông Viên cùng 4 đứa con nhỏ đều đang ngủ trong nhà. Tuy nhiên, rất may không có ai bị thương tích, thiệt hại tài sản khoảng 5 triệu đồng.

Trước đó, một sự việc tương tự khác xảy ra vào khoảng 00h ngày 8/7/2011, tại trạm biến áp bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa do mâu thuẫn cá nhân từ trướcCao Xuân Duyên (SN1979), ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa đã dùng mìn ném vào vườn nhà anh Cao Thế Anh (nơi mà Trạm biến áp bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa nằm trong khu vực vườn nhà anh Cao Thế Anh) để trả thù. Rất may là không có thiệt hại về người và tài sản. Có thể nói từ những sự việc trên là bài học cảnh báo với tình trạng sử dụng vật liệu nổ trái phép trong nhân dân vẫn còn rất phổ biến và gây nhiều quan ngại cho quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Ngôi nhà của ông Đoàn Công Viên bị đối tượng ném mìn để dằn mặt (Một phần mái ngói đã bị vỡ)
Ngôi nhà của ông Đoàn Công Viên bị đối tượng ném mìn để dằn mặt
(Một phần mái ngói đã bị vỡ)

Bom, mìn chiến tranh còn vương vãi trong nhân dân nhiều

Một thực tế hiện nay là tình trạng vũ khí, vật liệu nổ tàn dư của chiến tranh vương vãi trên một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều và đến nay vẫn chưa được thu hồi hết, nhất là các loại bom, mìn trong lòng đất vẫn còn, dẫn đến một số người dân vì mục đích kinh tế vẫn tiếp tục kiếm sống bằng nghề tìm bới, đào kiếm, tàng trữ, mua bán, vận chuyển sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép trên địa bàn, gây ra không ít vụ tai nạn nổ dẫn đến những hậu quả hết sức đau lòng, tiềm ẩn phức tạp đến ANTT trên địa bàn. 

Như vụ việc xảy ra vào ngày 16/1/2012, anh N.V.H (SN1990), trú tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch trong quá trình sử dụng thuốc nổ làm mìn tự chế, không may quả mìn phát nổ khiến anh H. bị chấn thượng nặng, cụt cẳng tay phải, đa vết thương trên cổ vai phải, 2 tại bị điếc nặng. Đó là còn chưa kể đến tình trạng khá phổ biến hiện nay, nhiều hộ ngư dân còn cất giấu, mua bán và sử dụng vật liệu nổ để sử dụng đánh bắt hải sản trái phép và số người bị chấn thương do sử dụng trái phép vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh cứ tăng thêm hàng năm.

Đại tá Từ Hồng Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: "Trong thời gian qua việc quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ đã được các cấp, các ngành và cơ quan chức năng triển khai sâu rộng. Công tác tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển các loại vũ khí, vật liệu nổ được triển khai đến các gia đình tại địa bàn khu dân cư. Tại các trụ sở Công an xã, phường, thị trấn và các cấp chính quyền địa phương đều có địa điểm để người dân đến giao nộp vũ khí, vật liệu nổ còn sót lại đã được triển khai tích cực, bước đầu đạt được những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, công tác này chỉ có tác động đối với người dân có ý thức, còn đối với bọn tội phạm thì chúng luôn có nhiều thủ đoạn xảo quyệt nhằm trốn tránh pháp luật. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận nhân dân (đặc biệt là bà con vùng biên giới và ven biển) về hậu quả tác hại của việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ còn hạn chế nên tình trạng tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ còn xảy ra, dẫn đến gây nổ".

"Nguy hiểm hơn là việc một số đối tượng xấu đã sử dụng vật liệu nổ (chủ yếu là mìn tự tạo) gây nổ để dằn mặt, trả thù cá nhân.. vv.. đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình ANCT, TTATXH và tạo dư luận xấu trong bộ phận quần chúng nhân dân, gây hoang mang và mất lòng tin vào chính quyền, lực lượng Công an", Đại tá Từ Hồng Sơn còn cho biết thêm.