- Ngay trước cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ-Trung, Washington doạ trừng phạt Bắc Kinh
- Quan hệ Trung Quốc - Mỹ: Nói nhiều, làm được bao nhiêu?
Tổng thống B. Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi tiệc chiêu đãi
Những nghi lễ cùng thực đơn bữa tiệc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hơn 200 khách quý với nhiều tên tuổi như M. Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook, cùng vợ P. Chan, một phụ nữ gốc Hoa; cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger, người góp công lớn trong nỗ lực làm tan băng mối quan hệ Mỹ - Trung trong những năm 1970…đã được mời tham dự. Đệ nhất Phu nhân Mỹ M. Obama mặc váy đen, còn phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Bành Lệ Viện mặc bộ trang phục màu xanh nổi bật trong bữa tiệc.
Ngồi chung bàn trong không khí yến tiệc như thế, nhưng dường như cả Tổng thống B.Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đều khó có thể thoải mái, thậm chí có tờ báo còn mô tả là bầu không khí bữa tiệc quá ngột ngạt, bởi những mâu thuẫn lợi ích giữa hai bên trên bàn hội
đàm. Cả khách lẫn chủ cố tỏ ra thoải mái, nhưng đều phải “diễn” với “chiến thuật rất tinh tế” để không cho phía bên kia hay báo giới săm soi được.
Không nằm ngoài dự đoán, cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông B. Obama và ông Tập Cận Bình đã không đạt được bước đột phá hay cam kết nổi bật. Lãnh đạo hai cường quốc chỉ có được sự đồng thuận về hai trong số nhiều vấn đề cơ bản là biến đổi khí hậu và an ninh mạng, trong khi các hồ sơ gây bất đồng như Biển Đông, tranh chấp thương mại, nhân quyền... vẫn bị để ngỏ.
Ngay tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau hội đàm, Tổng thống Mỹ B. Obama đã không ngần ngại khi chỉ trích mạnh mẽ hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Trong khi đó về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh quan ngại về vấn đề nhân quyền, nhưng nhấn mạnh rằng công cuộc cải cách sẽ cần phải có lộ trình và cần tôn trọng nhân dân tất cả các nước đối với các quyền lựa chọn con đường phát triển độc lập của riêng họ.
Sự đối lập về quan điểm còn thể hiện rõ trong vấn đề Biển Đông. Tổng thống B. Obama đã bày tỏ quan ngại về những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng hoạt động bồi đắp ở các khu vực tranh chấp khiến vấn đề trở nên khó khăn hơn khi “giải quyết những bất đồng một cách hòa bình”. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình lại một mực cho rằng những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh về những hòn đảo ở Biển Đông là hợp pháp và khẳng định Trung Quốc sẽ bảo vệ những yêu sách này trước những tuyên bố trái ngược của các nước láng giềng.
Về đề xuất của Trung Quốc xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”, dường như Mỹ không thực sự mặn mà, vì bản chất của ý tưởng này là làm sao Bắc Kinh thuyết phục được Washington tạo không gian cho Trung Quốc tiếp tục phát triển mà không vấp phải sự kiềm chế của Mỹ. Vì thế, trong khi Trung Quốc luôn nhấn mạnh những điểm đồng, những điểm có lợi cho việc hợp tác giữa hai nước, thì Mỹ luôn nhấn mạnh tới các khác biệt và yêu cầu Bắc Kinh có cách hành xử tôn trọng trật tự, an ninh trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Có lẽ chỉ trong vấn đề kinh tế, hai bên mới có dịp mỉm cười với nhau. Kết quả nổi lên ở đây có thể kể tới bản hợp đồng Trung Quốc mua máy bay của tập đoàn Boeing với tổng giá trị 38 tỷ USD và văn kiện hợp tác với hãng này về việc xây dựng một trung tâm hoàn thiện máy bay Boeing 737 tại Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí không tiến hành hoặc dung thứ cho các vụ tấn công mạng nhằm vào lĩnh vực tư nhân của nhau vì những mục đích thương mại.
Có thể nói việc thiếu lòng tin chiến lược đã khiến quan hệ Mỹ - Trung rơi vào cảnh “bằng mặt nhưng không bằng lòng” và chắc chắn tình trạng này sẽ không sớm chấm dứt.