Bán thóc giống mà ăn
(ANTĐ) - Nếu chỉ nhìn vào số liệu thì ai cũng có thể vui mừng. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu so với GDP cứ sau 5 năm lại “nhảy” một bậc cao giai đoạn 1996-2000 lên tới gần 38%, đến thời kỳ 2001-2005 tỷ trọng này đã vọt lên đến 54%. Riêng năm 2006, tỷ trọng xuất khẩu trong GDP đã vượt ngưỡng 65,4%. Có hai luồng suy nghĩ từ con số này: Tiềm năng xuất khẩu đã được đẩy mạnh.
Phát triển của kinh tế quá phụ thuộc vào thị trường thế giới. Điều đáng lo ngại là nước ta đã bán đi hàng chục tỷ USD hàng hóa với giá thấp. Xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô và lượng hàng hóa công nghệ cao chỉ chiếm vỏn vẹn 5%. Nói theo dân gian là ta “bán thóc giống mà ăn”.
Yếu thế của hàng Việt Nam là gì? Chưa có thương hiệu, phụ thuộc vào sự “nóng lạnh” của thị trường thế giới, khả năng cạnh tranh thấp do công nghệ lạc hậu. Từ đó thị trường xuất khẩu thiếu bền vững, bị thiệt hại và thua thiệt. Thử “điểm mặt” 4 mặt hàng mũi nhọn, mặc dù thứ hạng xuất khẩu gạo thuộc tốp dẫn đầu, nhưng giá gạo của Việt Nam chưa bao giờ vượt quá 80% giá bình quân 220USD/tấn, cái giá “bèo” nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Nếu xếp theo kim ngạch xuất khẩu thì nước ta đứng thứ tư sau Thái Lan, ấn Độ và Mỹ. Chỉ cần nâng được giá gạo xuất khẩu lên bằng giá bình quân thế giới thì mỗi năm nước ta có thể thu thêm hơn 226 triệu USD. Hạt gạo “làng ta” nặng trĩu mồ hôi nhưng vẫn kém cạnh gạo các nước vì chủng loại, độ đồng đều, phẩm cấp hàng hóa, lại kém về mức độ tin cậy trong giao hàng.
Đến hạt cà phê cũng cùng một “số phận” hẩm hiu. Thật xót xa khi nghe tin 600.000 bao cà phê Việt Nam bị thải loại ở cảng Antwerp (Bỉ) trong niên vụ 2005-2006. Thật rầu lòng khi Tổ chức Cà phê thế giới phân loại cà phê nhập tại 10 cảng ở châu Âu, trong số 1,5 triệu bao bị loại của 17 nước thì có tới hơn 1 triệu bao (chiếm 72%) là của Việt Nam.
Chạy theo số lượng phớt lời chất lượng là bài học đau xót hơn một thập niên qua mà vẫn không rút ra nổi. Bất chấp cảnh báo, cà phê kém chất lượng vẫn tăng vì không có những ràng buộc rõ ràng trong xuất khẩu. Hậu quả là mỗi năm, theo các chuyên gia, ngành cà phê Việt Nam thiệt hại khoảng 100 triệu USD do chất lượng chưa cao.
Thật là “bán thóc giống” mà vẫn không xong! Ngành xuất khẩu mạnh nhất, chỉ đứng sau dầu khí là dệt may, trong quý I-2007 thu kim ngạch 2.198 triệu USD, nhưng chủ yếu chỉ làm gia công cắt và may nên doanh thu chỉ chiếm một phần nhỏ, trong chuỗi giá trị hàng hóa. Còn phần lớn “nhường” cho các nhà nhập khẩu và bán lẻ nước ngoài chuyên cung cấp thiết kế, thương hiệu, điều hành cung ứng nguyên phụ liệu và phân phối sản phẩm.
Năm 2006, ngành bông vải Mỹ cung cấp tới 60% nhu cầu bông vải của Việt Nam và thu lợi nhuận cao nhờ “mồ hôi” của lao động nước ta. Đến bao giờ Việt Nam ta mới nâng cao được hàm lượng giá trị gia tăng? Đến bao giờ thì chấm dứt tình trạng “bán thóc giống”, bán sức lao động với giá quá rẻ?
Đan Thanh