Băn khoăn việc bắt dân phải trả phí cung cấp thông tin

ANTĐ -Nhu cầu về thông tin của người dân là vô cùng đa dạng, song thông tin nào có thể cung cấp, thông tin nào không được cung cấp, thông tin nào phải thu phí trước khi cung cấp cho dân… Đó là những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận khi cho ý kiến về dự án Luật Tiếp cận thông tin, sáng nay, 12-8.

Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, trong dự thảo Luật này nên mở rộng đối tượng và phạm vi cung cấp thông tin bởi nhu cầu về thông tin của người dân vô cùng lớn, đa dạng. Do đó, dự thảo không nên chia cắt các loại cơ quan được phép cung cấp thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai đề nghị nên mở rộng đối tượng và phạm vi cung cấp thông tin

Theo bà Trương Thị Mai, dứt khoát phải rà soát để đưa ra danh mục những loại thông tin không cung cấp được, bớt đi sự mơ hồ, đồng thời tăng cường tính trách nhiệm của các cơ quan tổ chức với người dân. Mặt khác, nên tính kỹ loại thông tin gì thì phải thu phí, loại nào không.

“Nếu người dân đến UBND xã, phường mà phải trả phí thì hình như có cái gì đó cản trở quyền tiếp nhận thông tin. Quy định như trong dự thảo rằng phải trả phí trước khi tiếp cận thông tin thì nghe chừng tinh thần phục vụ hơi yếu” – bà Trương Thị Mai nói.

Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi kiến nghị, với những loại thông tin gì liên quan đến lợi ích của người dân, cộng đồng, nhà nước thì phải cung cấp cho dù tạo ra từ nguồn nào. Còn nếu chỉ cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra như dự thảo luật là hơi hẹp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cần phải làm rõ những trường hợp nào thông tin được cung cấp miễn phí, trường hợp nào phải trả phí, cách tính phí như thế nào…

Về việc từ chối cung cấp thông tin, dự luật Tiếp cận thông tin quy định các trường hợp từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu: Thông tin được yêu cầu cung cấp không do cơ quan mình tạo ra và nắm giữ; thông tin đã được cung cấp hai lần cho chính người yêu cầu; thông tin được yêu cầu với số lượng quá lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan.

Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với các trường hợp nêu trên, tránh tình trạng các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin lợi dụng để từ chối việc cung cấp thông tin cho công dân.
Cũng liên quan đến vấn đề này, chiều nay 12-8-2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự án Luật An toàn thông tin.