Bán hàng sau 24h, nguy cơ phát sinh tội phạm

ANTĐ - UBND TP Hà Nội đã có quy định về việc cấm bán hàng ăn sau 12h đêm đến 5h sáng hôm sau. Tuy nhiên ở nhiều nơi tình trạng này vẫn diễn ra một cách ngang nhiên, khiến lực lượng công an phải mất rất nhiều công sức trong việc tuyên truyền, nhắc nhở và lập lại trật tự. Để có thể hạn chế tình trạng hàng ăn sau 12 giờ đêm gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự cần rất sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác của cán bộ cơ sở. Và khi những quán bán hàng ăn đêm sau 24h được “làm sạch”, chắc chắn tội phạm sẽ giảm, ANTT sẽ được đảm bảo.
Bán hàng sau 24h, nguy cơ phát sinh tội phạm ảnh 1

“Đóng cửa tắt đèn” vẫn mời khách

Có mặt tại đường Đê La Thành (đoạn ngã tư Đê La Thành - Láng Hạ) khi đồng hồ đã chỉ sang ngày mới. Khác với tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân được phép kinh doanh từ sau 24h, tuyến đường Đê La Thành được coi là một “địa chỉ ngầm” cho những thực khách có thú nhậu đêm.

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù tưởng như các quán ăn đêm ở đây đã “đóng cửa tắt đèn”, thế nhưng khách chỉ cần đi chậm lại hoặc dừng xe ở một địa chỉ quen thuộc, lập tức có các thanh niên đon đả mời chào. Người thì dắt xe cho khách giấu ở một ngõ nhỏ đối diện phía bên kia đường, người thì dẫn thực khách đi luồn lối cửa sau, hoặc hé mở cửa cho khách vào rồi lại nhanh chóng khép cửa. Bắt chuyện một người làm “xe ôm” đang chờ khách trên tuyến phố này anh cho biết, thành phần đến ăn đêm ở đây hết sức đa dạng, từ những người làm đêm tranh thủ ăn lót dạ trước khi tiếp tục công việc hay làm chén rượu trước khi về nhà. Rồi đám thanh niên choai choai đi chơi về muộn sau khi đã quậy tưng bừng hết năng lượng ở một quán bar hay vũ trường nào đó hay mấy em “chân dài” từ những quán karaoke quanh đó cũng tạt vào ăn. 

Tương tự như khu vực đường Đê La Thành là hàng ăn đêm ở đầu phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, tại đây một số hàng ăn mở sâu trong ngõ vẫn tập nập người ra vào. Đây là điểm ăn đêm chủ yếu của sinh viên một số trường đại học, cao đẳng xung quanh địa bàn. Khi chúng tôi táp xe vào gần, lập tức những nhân viên của quán từ trong bóng tối chạy lại mời chào rất nhiệt tình.

Theo ghi nhận của Phòng Cảnh sát trật tự Công an TP Hà Nội, ngoài các địa điểm kể trên, tại một số khu vực khác như phố Hàng Đậu quận Hoàn Kiếm, phố Vĩnh Hồ phường Ngã Tư Sở, phố Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai còn có những điểm bán hàng quán sau 24h, gây mất trật tự công cộng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm. Cũng theo thống kê của phòng Cảnh sát Trât tự tại một số địa bàn công cộng trọng điểm, giáp ranh phức tạp thường xảy ra hiện tượng thanh thiếu niên tụ tập, có biểu hiện đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, hàng quán bán nước gây mất trật tự công cộng ví dụ như khu vực bốt Hàng Đậu, vườn hoa Vạn Xuân đây là địa điểm giáp ranh giữa quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình, khu vực hầm đường bộ Kim Liên địa bàn giáp ranh giữa quận Đống Đa và quận Hai Bà Trưng...

Có thể thấy, đối tượng thường xuyên đi chơi đêm thuộc nhiều thành phần phức tạp trong đó có cả những đối tượng tội phạm, chính vì vậy hàng quán bán quá giờ là điểm đến lý tưởng của các đối tượng này, càng làm tăng nguy cơ gây bất ổn về tình hình ANTT, làm phức tạp thêm tình hình. Đó là còn chưa kể đến việc khi vào quán ăn đêm thường sử dụng rượu, bia do đó chỉ cần một va chạm nhỏ, xích mích không đang có là có thể dẫn đến nguy cơ những đối tượng này dùng hung khí để “nói chuyện” với nhau.

Trên thực tế tại các hàng, quán bán sau 24h đêm đã không ít lần xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự dẫn đến thương tích, thậm chí là có cả án mạng. Điển hình là vụ án xảy ra vào ngày 23-3, khoảng 1h sáng, anh Lê Mạnh Duy, SN 1987, trú ở phường Thành Công, quận Ba Đình cùng 3 người bạn đến một quán ăn đêm ở phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm. Khi vào ngồi thì Duy và nhóm bạn thấy bàn bên cạnh đông người, nói chuyện ồn ào nên đã tỏ ra khó chịu.

Trong quá trình này, nhóm của Duy đã mâu thuẫn với nhóm thanh niên ở bàn bên cạnh. Khi nhóm của Duy yêu cầu nhân viên của quán chuyển bàn xuống tầng 1 nhóm thanh niên bàn bên cạnh đã bám theo, các đối tượng đã dùng vỏ chai rượu, điếu cày xông vào đánh anh Duy và nhóm bạn. Các bạn anh Duy may mắn chạy thoát. Còn anh Duy do bị đánh bất ngờ lại đang ngồi trong góc nên không kịp chạy và bị các đối tượng đánh gục tại chỗ đã tử vong sau đó ít ngày. Nhận được tin báo, CA quận Hoàn Kiếm đã huy động lực lượng đến hiện trường và chặn bắt được một đối tượng tham gia gây án đang trên đường bỏ trốn là Nguyễn Anh Tú SN 1987 (Hai Bà Trưng - Hà Nội), đối tượng này khai nhận chỉ vì trước đó uống nhiều rượu, thấy khó chịu với thái độ của nhóm anh Duy nên đã đánh anh Duy cùng nhóm bạn. Công an quận Hoàn Kiếm hiện đã ra quyết định truy nã đối với 2 đối tượng còn lại trong vụ án này.

Bán hàng sau 24h, nguy cơ phát sinh tội phạm ảnh 2

Còn nhiều khó khăn

Theo quy định, đúng 24h hàng ngày các quán ăn đêm phải ngừng hoạt động, tuy nhiên trên thực tế từ thời điểm đó trở đi mới là lúc các quán bán hàng ăn đêm “hái ra tiền”. Mặc dù các quán ăn, nhậu đêm ở Hà Nội thường mở hàng từ chập tối, nhưng phải sau 10h đêm mới bắt đầu đông khách và hoạt động tới 2h, 3h giờ sáng. Đây là thời điểm các cậu ấm, cô chiêu quen ngủ ngày chơi đêm bắt đầu hoạt động cần năng lượng cho các cuộc chơi đêm, đây cũng là thời điểm các dân chơi hoặc nhân viên từ các sản nhảy, quán bar, quán karaoke, các nhà hàng, khách sạn bắt đầu “tan ca” có nhu cầu tìm chỗ để làm ấm bụng hoặc kéo dài cuộc chơi. Và đó là thời điểm các hàng ăn đêm có thể “hái ra tiền”.

 Mặc dù thành phố Hà Nội đã xây dựng phố ẩm thực Tống Duy Tân, tuy nhiên không phải người ăn đêm nào cũng có nhu cầu về đây vì sự đông đúc của nơi này hay vì do điều kiện ở xa. Chính vì vậy, những địa điểm ăn đêm có truyền thống khác vẫn là sự lựa chọn của không ít người. Bán hàng đêm lợi nhuận cũng cao hơn, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho các hộ bán hàng ăn đêm sau 24h luôn tìm đủ mọi chiêu trò để đối phó với cơ quan công an. 

Trung tá Bùi Hữu Hưng - Trưởng công an phường Giảng Võ cho biết, thực hiện quy định của UBND Thành phố Hà Nội về việc cấm kinh doanh bán hàng sau 12h đêm đến 5h sáng hôm sau, Công an phường đã cố gắng làm triệt để. Tuy nhiên, do cuộc sống mưu sinh và vì lợi nhuận cao nên một số hộ kinh doanh vẫn ngấm ngầm vi phạm. Nếu lực lượng công an đi kiểm tra nhắc nhở và xử lý hành chính thì họ dọn vào nhưng khi rút đi thì họ lại tiếp tục hoạt động. Để đối phó với việc kiểm tra của lực lượng công an, hầu hết các quán ăn đêm tồn tại dai dẳng hiện nay đều sử dụng chiêu bài đóng cửa “nhốt khách” ở trong nhà. Khi lực lượng làm nhiệm vụ nhắc nhở thì những người bán hàng nại ra lý do rằng họ chỉ bán hàng ở trong nhà chứ không vi phạm gì. Thậm chí khi lực lượng công an phường kiểm tra, nhắc nhở đối với các hộ vi phạm bán hàng vào lúc 3h sáng, có hộ bán hàng còn lý sự rằng, đây là họ bán hàng sáng chứ không phải bán hàng đêm hoặc chống chế bằng cách nói rằng người quen trong nhà đến tổ chức sinh nhật, ăn uống… 

Thiếu tá Vũ Quốc Toản, Trưởng Công an phường Đồng Xuân cũng nêu điều khó khăn ở đây là mặc dù UBND thành phố có quy định về việc cấm bán hàng quán sau 24h đêm thế nhưng lại không có quy định xử phạt cụ thể đối với các vi phạm này. Để xử lý các hàng quán vi phạm sau 24, lực lượng chức năng chỉ có thể linh hoạt vận dụng Nghị định 167/2013/ND-CP về hành vi làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau, tuy nhiên mức xử phạt còn nhẹ chỉ từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng nên vẫn tạo điều kiện cho những hộ này tái phạm. Ngoài ra, tại khu vực phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) chợ đêm Hà Nội hoạt động 3 buổi cuối tuần, từ tháng 4 tới nay lại có tuyến phố đi bộ mở rộng hoạt động tới 12h đêm mới tan. Các hộ kinh doanh thường đến 12h mới dọn dẹp, theo chỉ huy Công an phường Hàng Buồm, nhiều hộ bán hàng quán đã lợi dụng sự nhộn nhạo này để bung ra kinh doanh hàng ăn đêm trong các ngõ, ngách thuộc khu phố cổ, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Dồn hết cho công an

Một thực tế khác là hiện nay, việc giải quyết các hàng quán vi phạm sau 24h vẫn dồn hết cho lực lượng công an. Còn các ban, ngành chức năng khác như Thuế, Quản lý thị trường, Y tế… vẫn đứng ngoài cuộc. Chính vì vậy, việc xử lý hàng quán sau 24h mới chỉ dừng ở góc độ vi phạm về An ninh trật tự, những vi phạm không kém phần quan trọng khác như trốn thuế, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… đang bị thả nổi. 

Thượng tá Hoàng Văn Thuyết - Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho rằng để có thể quản lý tốt những điểm bán hàng quán sau 24h đêm rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng, chính quyền cơ sở. Đối với công tác ANTT, bên cạnh việc dùng các biện pháp tuyên truyền, lực lượng công an phường còn cần phối hợp với chính quyền địa phương ngoài hình thức nhắc nhở, xử phạt còn áp dùng thêm những biện pháp cứng rắn khác. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn phải là nâng cao tinh thần trách nhiệm đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của những người chỉ huy đứng đầu. Theo Thương tá Hoàng Văn Thuyết tuy các chế tài còn chưa đầy đủ, còn gặp khó khăn xong việc xử lý nhưng không phải là không làm được. Trước hết các cán bộ chỉ huy phải làm tròn trách nhiệm của mình trong việc đôn đốc, kiểm tra sát sao và phải luôn có mặt trực tiếp cùng cán bộ chiến sỹ tại địa bàn, có như vậy mới có thể xử lý kịp thời được những tình huống khó phát sinh.