Bản án nghiêm khắc
(ANTĐ) - Mặc dù không có chức năng nhưng Nguyễn Hữu Liên vẫn nhận hồ sơ, thu tiền rồi chiếm đoạt của hàng chục người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Việc làm gian dối này của bị cáo đã phải trả giá bằng một bản án nghiêm khắc.
Nguyễn Hữu Liên tại phiên xét xử ngày 10-1 |
Ngày 9-12-2008, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội nhận được đơn trình báo của chị Phạm Thị Hạnh (SN 1973), trú ở trị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa tố cáo Nguyễn Hữu Liên (SN 1971), trú tại số 102, phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, cơ quan công an làm rõ, ngày 12-6-2008, do được giới thiệu nên chị Hạnh đã tìm gặp và đưa cho Liên 30.800 USD để làm thủ tục cho 13 trường hợp đi xuất khẩu lao động cùng 40 bộ hồ sơ xin visa sang Cộng hòa Séc. Để tạo lòng tin, Liên còn “dắt” chị Hạnh đến gặp và “đá phi vụ” này sang cho một cán bộ làm việc tại một cơ quan khác. Tuy nhiên, ít ngày sau thì vị cán bộ này từ chối tham gia vì lý do Cộng hòa Séc không còn tiếp nhận lao động từ Việt Nam.
Phi vụ làm ăn bất thành nhưng Liên cố tình không thông báo, không trả lại tiền và hồ sơ cho chị Hạnh. Chỉ đến khi chị Hạnh biết được Bộ LĐTB&XH thông báo tạm dừng xuất khẩu lao động và cấp visa sang Cộng hòa Séc thì Liên mới chịu thừa nhận “thất bại” và trả lại một phần số tiền, rồi bỏ trốn.
Ngày 9-7-2009, Liên bị công an bắt theo lệnh truy nã. Ngay sau khi Liên bị bắt giữ, rất nhiều người từ các tỉnh, thành lân cận, thậm chí là ở tận Đắk Nông cũng tìm đến cơ quan Công an Hà Nội để tố giác hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động của đối tượng. Mở rộng điều tra, CQĐT đã làm rõ, không chỉ có chị Hạnh mà hàng chục người khác cũng trở thành nạn nhân của “siêu lừa” này. Theo đó, từ tháng 4-2006 đến tháng 12-2008, Liên đã lợi dụng lòng tin, hứa hẹn đưa người đi lao động tại một số nước và vùng lãnh thổ như Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để chiếm đoạt tiền của 36 nạn nhân với tổng cộng hơn 2,7 tỷ đồng.
Từ kết quả điều tra và các chứng cứ, tài liệu, VKSND Hà Nội đã truy tố Nguyễn Hữu Liên ra trước tòa án cùng cấp với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS.
Khai trước HĐXX, bị cáo Liên cho biết, số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân nói trên được bị cáo dùng để thanh toán các khoản nợ nần trước đây và trả lương cho nhân viên. Một phần trong số tiền này đã được bị cáo trả lại cho các bị hại của vụ án trong quá trình điều tra. Bị cáo cho rằng, hoàn toàn không có ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân như cáo trạng. Việc không đưa được người đi xuất khẩu lao động là “rủi ro” trong làm ăn. Tuy nhiên, bị cáo lại không thể trả lời được câu hỏi của HĐXX về chức năng của công ty cũng như khả năng của bị cáo trong hoạt động này.
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ có trong vụ án, tài liệu, chứng cứ và các lời khai, tranh luận tại phiên tòa, HĐXX sơ thẩm TAND Hà Nội hôm qua (10-1) đã tuyên phạt Nguyễn Hữu Liên 17 năm tù giam. Về phần dân sự, bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của 36 nạn nhân.
Trịnh Tuyến