Bài 4: Tổ quốc ơi! Ta yêu người mãi mãi

(ANTĐ) - Tôi vẫn nhớ khi viết cuốn Đảo Chìm, nhà thơ Trần Đăng Khoa có kể về một anh lính Trường Sa ngày ngày hì hục lặn xuống biển bẩy từng tảng đá san hô dưới mấy mét nước mang lên đắp quanh chân đảo giữ cho cát khỏi bay. Khi Tư lệnh Giáp Văn Cương hỏi, anh nói với vị tướng già: “Báo cáo bố, con đang mở mang bờ cõi cho đất mẹ”.

Trường Sa ký sự:

Bài 4: Tổ quốc ơi! Ta yêu người mãi mãi

(ANTĐ) - Tôi vẫn nhớ khi viết cuốn Đảo Chìm, nhà thơ Trần Đăng Khoa có kể về một anh lính Trường Sa ngày ngày hì hục lặn xuống biển bẩy từng tảng đá san hô dưới mấy mét nước mang lên đắp quanh chân đảo giữ cho cát khỏi bay. Khi Tư lệnh Giáp Văn Cương hỏi, anh nói với vị tướng già: “Báo cáo bố, con đang mở mang bờ cõi cho đất mẹ”.

>>> Bài 1: Thị trấn giữa trùng khơi

>>> Bài 2: Sắt son người lính đảo chìm

 >>> Bài 3: Dấu lặng đơn trên biển 

Tình cảm của những người giữ đảo với đất liền nhiều khi thường bắt đầu từ những câu chuyện, công việc rất giản dị mộc mạc như thế.

Nghĩa tình nơi sóng nước

Mười mấy ngày lênh đênh trên biển, đi dọc các hòn đảo lớn nhỏ trên khắp quần đảo Trường Sa có lẽ với chúng tôi là quá ngắn ngủi. Nói theo cách của nhà thơ Lại Hồng Khánh - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thì: “Những cái bắt tay, những cái ôm thắm thiết của đất liền dành cho nơi biên đảo chưa kịp thấm tình thì đã lại chia tay”.

Dù khá mệt bởi những đợt sóng nhồi lắc con tàu suốt ngày đêm, nhưng chính nhà thơ lại là người nhiệt tình nhất khi liên tục có những sáng tác dành cho các chiến sỹ trên đảo trong các đêm văn nghệ. Có lẽ không ở đâu trên đất liền có cách thể hiện tình cảm đặc biệt như trên quần đảo Trường Sa.

Tôi vẫn còn nhớ đôi mắt rơm rớm của Trung tá Phạm Văn Lý, đảo trưởng đảo Phan Vinh cùng cánh lính trẻ đang xúm quanh bộ đàm để nghe ông đọc bài thơ tặng từ con tàu Titan vào đêm 11-4: “Ngày chúng tôi xẻ dọc Trường Sơn/ Các anh cũng hành quân trên biển/ Miền Nam yêu thương đích chúng ta cùng đến/ Bằng con đường huyền thoại Hồ Chí Minh/ Anh nhận về mình trọn sự hy sinh/ Để con tàu mãi là tàu không số…”.

Sau này, nhà thơ tâm sự: “Tớ từng là lính Trường Sơn, nếm đủ mùi gian khổ, nhưng bây giờ ra đây thấy anh em vẫn còn vất vả nhiều quá. Nhìn lính đảo mới thấy, đất liền còn nợ họ quá nhiều”.

Trạm dịch vụ Kinh tế KHKT tại khu vực DK1
Trạm dịch vụ Kinh tế KHKT tại khu vực DK1

Bài thơ sau đó được Trung tá Lý đề nghị ca sỹ Thanh Loan ngâm lại để anh ghi âm vào băng và chỉ sáng hôm sau, bất cứ người lính nào trên đảo cũng thuộc lòng. Nghệ sỹ Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bảo: “Tớ đi Trường Sa lần này lần thứ 2, nhưng vẫn không cầm được nước mắt mỗi khi lên sân khấu”. Không chỉ riêng Quốc Chiêm mà hầu hết thành viên trong đoàn công tác đều chung một cảm xúc như vậy.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh Khánh Hòa, cô ca sỹ của Nhà hát Chèo Hà Nội trong buổi biểu diễn văn nghệ ngay trên boong tàu Titan. Hôm ấy cô đã hát hết mình át cả tiếng sóng biển cùng những người lính trên con tàu vận tải tình cờ bỏ neo ngay bên cạnh. Trên boong tàu không đèn, không hoa, Khánh Hòa đi chân trần vừa hát, vừa cười, nhưng lại ràn rụa nước mắt theo từng nhịp vỗ tay của những người lính xa nhà.

Và tôi dám đánh cuộc rằng, nếu có mặt ở đó bất cứ một ca sỹ nào cũng sẵn sàng đánh đổi đêm diễn rực rỡ nhất của mình trên đất liền lấy một đêm diễn trên boong tàu giữa biển. Bởi chỉ ở đó, người ta mới cảm nhận được tình cảm của Trường Sa lộng gió.

Vị mặn Trường Sa

Có một hình ảnh mà có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên trong chuyến hải trình này, đó là nỗi nhớ đất mẹ từ những người lính đảo. Hôm chia tay Trạm Dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật Ba Kè, tình cờ tôi gặp anh Bùi Minh Luân, nhân viên thông tin của trạm trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Thay vì ra giao lưu văn nghệ với những ca sỹ của đoàn, Luân lại đứng thu lu trong phòng, thò bàn tay cầm bộ đàm qua khe cửa hội trường.

Tôi gặng mãi mới biết, hóa ra, nghe tin có đoàn công tác ra thăm, anh em ở Trạm DK 1-20 và tàu HQ 636 đang trực cách đó 17 hải lý đã gọi tới đề nghị Trạm Ba Kè giúp họ được nghe “tiếng hát của Tổ quốc - đất liền” dù thông qua bộ đàm cũng được. Luân cười nói với tôi một câu mà không biết anh thật hay đùa: “Tụi em nhớ đất liền lắm, anh không thể hiểu được lính ở đây có thể nghe hát trừ cơm suốt ngày”.

Các nghệ sỹ biểu diễn ngay trên sân khấu boong tàu
Các nghệ sỹ biểu diễn ngay trên sân khấu boong tàu

Tôi chạm tay vào bộ truyền sóng của chiếc máy Icom, nó nóng như cục lửa vì quá tải, thế mà Luân vẫn giữ khư khư trên tay từ nãy tới giờ.

Câu chuyện này, tôi kể lại cho các ca sỹ khi bắt đầu xuống xuồng rời trạm, cả đoàn sững người. Vẫn là Khánh Hòa, cô ca sỹ mau nước mắt bỗng ôm chặt lấy Luân, cậu nhân viên trẻ nhất trạm khóc nức nở.

Trạm trưởng Nguyễn Văn Suốt ngày thường ngang tàng, cứng rắn là thế cũng lúng túng  quay ra tẩn mẩn gói những con cá khô tai tượng - món quà tặng cho đất liền - để giấu những giọt nước mắt. Nhận gói quà ấy, nghệ sỹ Quốc Chiêm phải thốt lên: Ngay cả món quà của các anh cũng mặn mòi nỗi nhớ.

Xuồng chúng tôi từ từ rời trạm Ba Kè trong những cái vẫy tay đầy lưu luyến. Mọi cơn say sóng, mọi sự mệt nhọc dường như biến mất nhường chỗ lại cho những lời chia tay: Tạm biệt Trường Sa… tạm biệt đất liền. Và bất chợt từ trên trạm, mọi người đồng thanh cất cao lời hát: “Tổ quốc ơi… ta yêu người mãi mãi…”.              

Nguyễn Long