Ký sự Luang Prabang-Siêm riệp
Bài 3: Nơi giao hòa giữa trời và đất
(ANTĐ) - Nhắc đến một cố đô thì không thể không nhắc đến những ngôi chùa cổ. Ở đó có nhiều tích truyện, truyền thuyết sẽ cuốn hút bạn. Trong chuyến đi này, ngoài việc được tìm hiểu ngôi chùa cổ nhất ở cố đô Luang Prabang, chúng tôi còn đến và nói chuyện với nhà sư trụ trì ngôi chùa Việt Nam duy nhất tại đây.
>>> Bài 1: Sự thanh bình kỳ lạ
>>> Bài 2: Viên ngọc chưa được khám phá
Tượng Phật trên chùa Thammo ở núi Phousi |
Nghe thơ của một vị tướng Việt Nam
Để leo được đến đỉnh núi Phousi phải qua 328 bậc thang đến chùn gối. Nhưng đã leo được đến đỉnh Phousi, bạn có thể thỏa sức ngắm nhìn cố đô Luang Prabang. Hai con sông Mekong và Nậm Kham uốn quanh ôm trọn lấy cố đô Luang Prabang xinh đẹp, thơ mộng.
Gần lên đến đỉnh tháp Phousi do có dấu tích dấu chân Phật, nên ở đây có dựng chùa Thammo. Đoàn chúng tôi vừa vãn cảnh chùa, vừa nghỉ và thắp hương ở dấu tích chân Phật. 5 khối đá lớn giống hệt 5 ngón chân Phật hướng lên trời xanh. Thật kỳ lạ giữa thiên nhiên và những điều tín ngưỡng lại có những sự trùng lặp đến khó tin! Ở chùa Thammo, chúng tôi tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất mình khấn cầu cho mọi người thân trong cơ quan, gia đình. Như cái cảnh mà chúng tôi bắt gặp ở cạnh cổng chùa Thammo, đó là một chậu hoa mười giờ nở tung được đặt trên vỏ một quả đạn pháo cỡ lớn.
Dọc đường lên đến đỉnh Phousi tịnh không một hàng quán, không khí trong lành khi đi dưới những tán cây cổ thụ và những tầng tầng, lớp lớp tán thực vật. Đến đỉnh Phousi, không khí, ánh sáng như vỡ òa tạo cho mọi người cảm giác tràn ngập trong ánh nắng Mặt trời, gió và không khí mát lành. Ở trên này, con người như được giao hòa giữa trời và đất, giữa không khí và ánh sáng. Cũng ở đó, bạn có thể nhìn được toàn cảnh cố đô Luang Prabang nằm gọn giữa hai dòng sông Mekong và Nậm Khan. Phía xa xa cách trung tâm khoảng hơn 5km là sân bay Luang Prabang đang được xây dựng.
Trên đường từ đỉnh Phousi xuống, Thiếu tướng Phạm Chuyên - nguyên Giám đốc CATP Hà Nội đề nghị mọi người nghỉ chân ở lưng chừng núi để nghe ông đọc một bài thơ ông mới sáng tác khi vừa đặt chân đến Luang Prabang, đầu đề là: “Ở Luang Prabang nhớ về một thời trai trẻ”. Đại ý nội dung của bài thơ nói về những nét đẹp ở đất cố đô, nơi giáp ranh biên giới với huyện Sông Mã, Sơn La, khiến ông nhớ lại cái thời trai trẻ, ông cũng đã đóng quân ở những vùng đất hệt như nơi này. Ông nói viết bài thơ này để tặng cho các bạn, những người đồng đội ở Công an tỉnh Luang Prabang.
Đáng lẽ bài thơ này sẽ đọc ở buổi tiếp thân mật giữa Công an tỉnh Luang Prabang với đoàn, nhưng đọc và nghe ở lưng chừng núi Phousi thì chắc chắn sẽ thi vị hơn. Mấy đồng chí bên văn phòng công an tỉnh đi cùng nghe được thơ của một vị tướng Việt Nam cũng hết sức thích thú.
Toàn cảnh cố đô Luang Prabang nhìn từ đỉnh Phousi |
Gặp trụ trì chùa Phật Tích
Trước khi đến chùa Phật Tích (ngôi chùa Việt Nam duy nhất ở cố đô Luang Prabang), chúng tôi có tham quan ngôi chùa cổ nhất ở nơi đây, đó là chùa Xiang Thoong được xây dựng từ khoảng thế kỷ 16, nằm bên cạnh dòng sông Mekong.
Đúng như người ta nói cảnh chùa “trên bến dưới thuyền”, thì ngôi chùa cổ nhất này tuyệt đẹp nhờ được tạo nên bởi cảnh sông núi giao hòa. Trong chùa Xiang Thoong còn có một ngôi riêng để lưu giữ chiếc xe chở thi hài vua Lào đi hóa, sau đó chở cốt vua về thờ.
Cũng nằm bên cạnh dòng Mekong là chùa Phật Tích, ngôi chùa này được xây dựng cách đây khoảng 600 năm. Theo sư trụ trì thì khi phát hiện dấu vết chân Phật, người dân Lào đã lập chùa vãn cảnh ven sông. Sư trụ trì là người Việt Nam đã sang đây trụ trì từ năm 1958. Ở chùa Phật Tích, phần lớn các đệ tử ở chùa đều là người Lào.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi khá lâu bên ven sông Mekong, ngay cạnh dấu vết chân Phật, sư trụ trì lắng nghe vị tướng Phạm Chuyên hỏi nhà sư đã thăm chùa Phật Tích ở Bắc Ninh quê nhà chưa, sư trụ trì đáp cũng về Việt Nam khá nhiều, nhưng chưa có điều kiện để đến thăm chùa Phật Tích ở Bắc Ninh.
Ông Phạm Chuyên lại nói: “Pho tượng Phật ở chùa Phật Tích Bắc Ninh rất đẹp. Nếu có điều kiện, nhà sư nên về để chiêm ngưỡng”. Sư trụ trì bảo: “Thế thì chắc chắn có dịp về Việt Nam sẽ ghé thăm chùa Phật Tích”.
Tạm biệt cố đô Luang Prabang thanh bình để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo đến cố đô Angkorvat. Thật tiếc vì nơi đây như một “hòn ngọc” du lịch chưa được khám phá nhiều, nhưng nghe ai đó nói cũng có lý - “Những gì các bạn đã có được và đã giữ được, sau này chính con cháu các bạn sẽ được hưởng”.
(Còn nữa)
Tường Lâm - Văn Hoa