LÀM SAO ĐỂ ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ BỚT Ì ẠCH:

Bài 3: “Mặt bằng cản tiến độ”, "lô cốt" kiên cố dự án nào cũng mắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các dự án metro đều đi qua các khu vực dân cư đông đúc bởi vậy khâu giải phóng mặt bằng luôn phức tạp, kéo dài. Nhiều dự án metro đã bị nhà thầu thi công kiện đòi bồi thường do chậm bàn giao mặt bằng gây ảnh hưởng tiến độ. Đại diện chủ đầu tư các dự án metro đều ái ngại khi đề cập đến giải phóng mặt bằng.

Khởi công rồi bất động vì mặt bằng

Sáng 25/9/2010, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) chính thức khởi công.

Theo quyết định phê duyệt dự án số 1970/QĐ-UBND ngày 27/4/2009 của UBND TP Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị được xây dựng với mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, giải quyết ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông...

Dự kiến, đến cuối năm 2015 sẽ kết thúc giai đoạn xây dựng và đưa vào vận hành.

Đến nay, tháng 9/2023, dự án vẫn chưa thể đưa vào vận hành. Tháng 7/2023, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh hoàn thành vào năm 2027.

Tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên hơn 34.800 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư hơn 32.900 tỷ đồng. Theo tiến độ mới lập, cuối năm 2023, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy sẽ đưa vào vận hành trước, năm 2027 sẽ vận hành toàn tuyến.

Một trong những “tội đồ” lớn nhất cản tiến độ dự án metro Nhổn- Ga Hà Nội, ngoại trừ những yếu tố khách quan do Hà Nội chưa có kinh nghiệm làm đường sắt đô thị nên ban đầu còn chệch choạc cả về chính sách và con người, chính là giải phóng mặt bằng quá chậm.

Mặt bằng luôn là nỗi ái ngại của các dự án metro

Mặt bằng luôn là nỗi ái ngại của các dự án metro

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB Hà Nội) nhìn nhận, ý tưởng về việc phải Quy hoạch một hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị ra đời trong bối cảnh Hà Nội bắt đầu cảm thấy bế tắc trong việc phát triển hệ thống giao thông nội đô, liên vùng.

Như một giải pháp tình thế, một vài tuyến nằm trong hệ thống đường sắt đô thị được quy hoạch hình thành khi không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cụ thể là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (khung chính sách, tiêu chuẩn, đền bù giải phóng mặt bằng…) đều chưa đi kịp với thực tiễn;

Không chuẩn bị quỹ đất để đảm bảo việc xây dựng các tuyến đạt hiệu quả nhất. Các tuyến đường được vạch ra đều len lỏi qua các khu dân cư, chạy dọc theo những khoảng trống còn lại trong đô thị (lòng đường, vỉa hè, đất cơ quan, công cộng…).

Tại tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội, dù khởi công từ tháng 9/2010 nhưng gần như bất động trong những năm đầu tiên. Rồi ì ạch triển khai phần trên cao do khối lượng GPMB lớn, không có sự chuẩn bị kỹ càng. Thêm vào đó, công trình ngầm, nổi nằm trong phạm vi GPMB của tuyến metro này cũng rất lớn, lại không lường hết được trong khi khảo sát.

Thống kê cho thấy, tổng diện tích chiếm dụng toàn dự án metro Nhổn- Ga Hà Nội là 204.134,52 m2. Trong đó, diện tích đất giao thông, công cộng là 17.612,10 m2; diện tích đất cần thu hồi là 186.522,42 m2.

Tổng số chủ sử dụng đất bị ảnh hưởng là 489 chủ sử dụng đất, gồm 465 hộ gia đình và 24 cơ quan, tổ chức. Tổng số phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư là 564. Chi phí cho GPMB xấp xỉ 690 tỷ đồng.

Giải phóng mặt bằng của dự án có thời gian tưởng chừng như bế tắc, giậm chân tại chỗ khi UBND các quận- nơi có dự án đi qua chưa thực sự vào cuộc, chưa thực sự quan tâm, gần như phó mặc cho chủ đầu tư là MRB Hà Nội nên vô cùng khó khăn.

Hai lần Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, làm việc với lãnh đạo các quận- nơi có dự án đi qua còn vướng mắc mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc cho địa phương và chủ đầu tư.

Quận Đống Đa và Ba Đình là 2 quận tồn tại GPMB chậm trễ nhất dự án. Trên địa bàn quận Đống Đa, đã hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tạm cư cho 30/30 hộ dân bị ảnh hưởng trong tháng 9/2022. Còn tại địa bàn quận Ba Đình, hoàn thành chi trả cho 18/18 hộ dân vào ngày 15/10/2022.

Ga Cầu Giấy- metro Nhổn Ga Hà Nội

Ga Cầu Giấy- metro Nhổn Ga Hà Nội

Cũng do chậm trễ bàn giao mặt bằng nên các nhà thầu nước ngoài thi công dự án metro này đã yêu cầu TP Hà Nội phải bồi thường thiệt hại, đồng thời dừng thi công dự án 1 năm.

Đến tháng 11/2022, đoạn ngầm dự án metro Nhổn- Ga Hà Nội mới trở lại thi công bình thường khi có mặt bằng cũng như quá trình thương thảo với các nhà thầu đạt kết quả.

"Đoạn trường" giải phóng mặt bằng

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhìn nhận: “Những vấn đề phát sinh tại dự án đều còn rất mới, chưa có tiền lệ, sẽ là bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện các tuyến đường sắt đô thị khác sau này. Các đơn vị cần mạnh dạn đưa ra phương án xử lý, nếu thận trọng, cứng nhắc quá sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ chung”.

Một lãnh đạo MRB Hà Nội chia sẻ: “Phải nói là đoạn trường giải phóng mặt bằng tại các dự án metro. Từ những năm 2010, mốc giới tuyến đã được bàn giao cho các quận, nhưng quá trình thi công chậm trễ cùng với sự quản lý còn có phần lỏng lẻo nên nhiều đoạn của dự án mất luôn mốc giới vì người dân lấn chiếm, xây dựng. Nhiều lúc anh em xuống hiện trường đo đạc để GPMB mà mời chính quyền sở tại ra làm việc còn bị thờ ơ…”.

Thực tế, Việt Nam chưa có quy hoạch công trình ngầm nên rất khó để dự báo phía dưới đất có gì nên khi triển khai dự án ngầm gặp nhiều khó khăn.

Thi công ga ngầm S10- metro Nhổn Ga Hà Nội

Thi công ga ngầm S10- metro Nhổn Ga Hà Nội

“Thiếu hoạch định quy hoạch hệ thống ngầm và điều tra ban đầu/khảo sát để di dời GPMB ở khâu lập dự án chưa sát với thực tế, chưa xem xét kỹ phần ngầm nên vừa qua dự án metro ở TP.HCM và Hà Nội gặp vướng mắc rất lớn, mất thời gian xử lý”- một vị chuyên gia nhìn nhận.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) Trần Thiện Cảnh cho rằng, vướng mắc trong công tác GPMB phần cốt lõi nằm ở vấn đề cơ chế-giá cả đền bù đất cho người dân.

“Chính sách, giá đất thu hồi đất-đền bù chưa sát so với thị trường nên người dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án không đồng thuận, gây cản trở. Cùng với đó là việc quản lý đất đai trước đây tại địa phương còn thiếu chặt chẽ, xác định nguồn gốc đất đai khó khăn”- ông Cảnh cho hay.

Để hạn chế việc này, khâu chuẩn bị phê duyệt dự án phải kỹ càng. Phải điều tra tất cả những yếu tố tác động đến tiến độ thi công, phải lường trước được, càng phân tích chuẩn bị kỹ thì khi đưa vào thực hiện càng ít phải chỉnh sửa...