LÀM SAO ĐỂ ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ BỚT Ì ẠCH:

Bài I: Hơn mười năm vẫn một giấc mơ metro

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Quá ì ạch”- là cụm từ để miêu tả cho tiến độ đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị hiện nay tại Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đường sắt đô thị được kỳ vọng là chìa khóa, là lời giải cho tình trạng ùn tắc và ô nhiễm môi trường tại đô thị. Ai cũng biết là vậy nhưng vì sao đường sắt đô thị không thể tăng tốc?

Mỏi mòn chờ đợi metro

Chị Nguyễn Mỹ Liên, sống tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhưng cơ quan chị công tác lại nằm trên đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hàng ngày, chị phải vượt quãng đường dài trên quốc lộ 32 có lưu lượng phương tiện đông đúc, tắc nghẽn để đi-về giữa nhà và cơ quan. Nhiều khi mệt mỏi, chị muốn bỏ công việc tại cơ quan hiện tại, nhưng một phần vì công việc phù hợp, một phần người thân và bạn bè động viên nên chị vẫn cố để chờ ngày đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội vận hành.

“Ai cũng động viên cố gắng, khi nào đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội đi vào hoạt động thì thuận tiện hơn nhiều. Ấy vậy mà tôi chờ đã gần chục năm nay rồi, không biết có chờ được đường sắt đô thị đi vào hoạt động hay tôi lại bỏ việc trước”- chị Liên bộc bạch.

Còn bà Trần Thị Hoài Lan, 70 tuổi, ở phố Văn Miếu, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội cũng đang mong mỏi từng ngày tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội vận hành để bà được đi metro thăm thú bạn bè. Bà đã có tuổi nên việc đi lại bằng xe buýt gặp khó khăn, thi thoảng bà muốn thăm mấy người bạn đồng niên lại phải nhờ con cháu đưa đi rất phiền hà.

“Nếu có tàu đường sắt đô thị, tôi sẽ tự mình đi lại được, thăm nom bạn bè, người thân cũng dễ dàng hơn”- bà Lan bộc bạch.

Mạng lưới metro Hà Nội đến 2030

Mạng lưới metro Hà Nội đến 2030

Trong khi đó, chị Lê Thanh Mai trú tại KĐT Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, từ ngày tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đi vào vận hành, chị đã đi làm bằng tàu đường sắt đô thị thay vì tự lái xe đến công sở như trước đây.

“Tôi rất ủng hộ việc TP đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đi lại vừa sạch sẽ, vừa thuận tiện rất văn minh. Nếu có hệ thống đường sắt đô thị hoàn chỉnh thì tôi tin rằng nhiều người sẽ bỏ phương tiện cá nhân để di chuyển bằng đường sắt đô thị như tôi”- chị Mai nhận định.

Thống kê của Hanoi Metro cho thấy, lượng khách đi lại bằng tàu Cát Linh- Hà Đông luôn có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ. Ngày 2/9 vừa qua, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tiếp tục xác lập kỷ lục vận chuyển kể từ ngày tuyến chính thức vận hành, với tổng cộng 55.980 lượt hành khách/ ngày.

Khách đi tàu điện Cát Linh- Hà Đông tăng mạnh qua thời gian

Khách đi tàu điện Cát Linh- Hà Đông tăng mạnh qua thời gian

Sản lượng vận chuyển này cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, ngày 1/9/2022, tuyến Cát Linh - Hà Đông phục vụ 28.027 lượt hành khách; ngày 2/9/2022, tuyến phục vụ 55.210 lượt hành khách.

Theo thống kê của Hanoi Metro, trong quý I-2023, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông đã vận chuyển được hơn 2,65 triệu lượt hành khách, tăng 262% so với cùng kỳ năm 2022.

Mất cả trăm năm mới hoàn thiện quy hoạch metro?

Theo quy hoạch, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8km, trong đó 75,6km đi ngầm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,05 tỷ USD. Song, thực tế hiện nay thành phố mới chỉ hoàn thành 13km (tuyến 2A, đoạn Cát Linh Hà Đông) và đang thi công 12,5km (tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội).

Như vậy, trong 12 năm tới (đến năm 2035), Hà Nội phải hoàn thành 404,8km đường sắt đô thị còn lại. Kinh phí cần bố trí thực hiện vào khoảng 37 tỷ USD (khoảng 850 nghìn tỷ đồng).

Đáng nói, thời gian từ khi nghiên cứu đến khi thi công hoàn thành một tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội cũng như TP.HCM đang mất khoảng khoảng 15-20 năm (13km của tuyến 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông mất 19 năm; 12,5km của tuyến 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội 14 năm vẫn chưa hoàn thành). Như vậy, để đầu tư hoàn thiện 10 tuyến metro theo quy hoạch của Hà Nội hiện nay có lẽ phải mất cả trăm năm?

Nhìn nhận về tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị thời gian qua, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, còn khá nhiều bất cập. Bên cạnh vấn đề chậm tiến độ, "đội vốn" do phát sinh chi phí thì khiếu nại của các nhà thầu cũng làm tổng mức đầu tư tăng cao.

Các tuyến đường sắt đô thị còn thiếu tính gắn kết với việc tái cấu trúc không gian đô thị; thiếu tính liên thông kết nối với hệ thống giao thông; khó khăn trong việc tiếp cận các nhà ga...

Tất cả các vấn đề này làm giảm đáng kể hiệu quả khai thác các loại hình vận tải khối lượng lớn. Chưa kể, mỗi tuyến đường sắt đều có công nghệ khác nhau theo ràng buộc của các nhà tài trợ...