LÀM SAO ĐỂ ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ BỚT Ì ẠCH:

Bài 2: Nhận diện rào cản khiến tiến độ đường sắt đô thị "rùa bò"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thành phố có thể sẽ mất cả trăm năm để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị nếu tốc độ cứ "rùa bò" như hiện nay. Trung bình để hoàn thiện một tuyến metro hiện nay mất từ 15-20 năm, trong đó chiếm quá nửa là thời gian thẩm định dự án!

Thi công 5 năm, chờ phê duyệt 10 năm chưa xong

Theo tính toán của Ban Quản lý đường sắt Hà Nội và TP.HCM, với tốc độ hiện nay, trung bình để hoàn thành một tuyến metro phải mất từ 16-17 năm, trong đó chiếm phần lớn là thời gian chuẩn bị đầu tư và chờ… mặt bằng.

Các thủ tục theo quy định về đầu tư metro hiện nay quá phức tạp. Công tác chuẩn bị đầu tư cho 1 dự án đường sắt đô thị riêng biệt, thường là 1 tuyến, vì có tổng vốn đầu tư lớn nên là các dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, phải thông qua rất nhiều bước.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, hiện nay, công tác chuẩn bị đầu tư dự án metro ở Việt Nam kéo quá dài, nhất là khâu thẩm định và xin ý kiến các Bộ, Ban, ngành.

Minh chứng rõ nhất cho việc này là tuyến metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc của Hà Nội. Vào tháng 9/2020, TP Hà Nội có tờ trình số 151/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5 tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Tại tờ trình này, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp cuối năm 2020.

Phối cảnh tuyến metro số 5 TP Hà Nội, Văn Cao- Hòa Lạc

Phối cảnh tuyến metro số 5 TP Hà Nội, Văn Cao- Hòa Lạc

Ngày 30/10/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Quyết định số 1699/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao - Hòa Lạc.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT được giao làm Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ này làm Phó chủ tịch Hội đồng.

Các ủy viên của Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo 14 Bộ, ngành gồm: GTVT, Tài chính, Xây dựng, TN-MT, Công Thương, NN&PTNT, Quốc phòng, Công an, KH-CN… và lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Để giúp việc cho Hội đồng, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng cho phép thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo đúng quy định.

Nhưng suốt từ tháng 10/2020 đến đầu tháng 9/2023 vừa qua, Hội đồng thẩm định Nhà nước mới vừa phê duyệt kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này.

Trong khi đó, các bước và thủ tục tiếp theo còn quá dài, phức tạp và mất thời gian như đấu thầu chọn tư vấn thẩm tra, thẩm tra hồ sơ dự án… rồi Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, các Ủy ban thuộc Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra…

Tuyến metro Nhổn- Ga Hà Nội được khởi công xây dựng vào tháng 9/2010

Tuyến metro Nhổn- Ga Hà Nội được khởi công xây dựng vào tháng 9/2010

Theo dự báo, để ra được báo cáo khả thi (FS) về tuyến metro số 5 này, làm cơ sở cho TP Hà Nội thực hiện GPMB, sẽ mất khoảng 5-6 năm nữa. Đó là còn chưa kể, vào thời điểm phê duyệt FS thì tổng mức đầu tư được lập vào năm 2020 sẽ lỗi thời và thời gian thực hiện cũng không còn như Tờ trình ban đầu của TP Hà Nội.

Tiếp đến, cần triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thi công dự án, nếu thời gian GPMB cũng kéo dài và phức tạp như tuyến metro Nhổn- Ga Hà Nội thì khó có thể nói về mốc thời gian hoàn thành của tuyến này.

Hệ quả nhãn tiền là kéo dài, "đội" vốn

Như tuyến metro số 2 Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bốn tuyến metro: số 1, số 2, số 2A và số 3 được ưu tiên đầu tư xây dựng trước để hình thành nên hệ thống lõi ở khu vực trung tâm thành phố. TP Hà Nội đã triển khai tuyến metro số 2 khá sớm (năm 2008).

Nhưng đến nay, tuyến metro được nhận định là xương sống này vẫn nằm im trên... giấy, trong đó, mọi nhùng nhằng vướng mắc đều liên quan đến ga ngầm C9- hồ Hoàn Kiếm. Riêng vị trí đặt ga ngầm C9 ở đâu và đặt như thế nào đã tốn công sức và giấy mực từ năm 2013 đến giữa năm 2023 mới tạm xuôi nhưng vẫn chưa thể triển khai vì vẫn vướng mắc thủ tục trên giấy tờ.

Tháng 8/2023 vừa qua, TP Hà Nội đã có Tờ trình Chính phủ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. UBND TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư là 35.588 tỷ đồng, tăng 16.033 tỷ đồng (tương đương 82%) so với quyết định phê duyệt dự án vào năm 2008.

Dự án metro số 2 cũng xin được đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2009 đến năm... 2031! Trong đó, hoàn thành vào năm 2029 và 2 năm đào tạo, vận hành, bảo dưỡng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, khâu chuẩn bị đầu tư một dự án, nhất là với dự án metro là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án hiện nay ở Việt Nam kéo rất dài do phải qua nhiều bước lấy ý kiến, thẩm tra, xem xét.

Các dự án đang vướng mắc do đầu mối không rõ ràng, phải lấy ý kiến nhiều Bộ, Sở, ngành… rồi thời gian chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt.... rất lâu. Do vậy, phần lấy ý kiến, xem xét cần rút ngắn lại so với hiện nay.

“Phải thừa nhận chúng ta làm dự án metro trong bối cảnh chưa có kinh nghiệm. Đối với các dự án dạng này, khâu chuẩn bị đầu tư phải hết sức kỹ càng, chọn được tư vấn có kinh nghiệm. Vì chúng ta có ít hoặc chưa có kinh nghiệm nên phải chọn được tư vấn tốt. Họ đưa ra các giải pháp đồng bộ, đầy đủ góc cạnh, từ đó, sẽ ít phát sinh tình huống, chi phí, tiết kiệm thời gian triển khai dự án”- ông Đông cho hay.