Hoạt động của tội phạm người nước ngoài trên địa bàn Hà Nội:
Bài 2: Tăng cường các biện pháp phòng ngừa
(ANTĐ) - Trong thời buổi hội nhập với nền kinh tế quốc tế và phát triển không ngừng của đất nước, lượng người nước ngoài đến Hà Nội bằng nhiều con đường khác nhau ngày một tăng. Lẫn trong số những vị khách đến Hà Nội với mục đích làm ăn, du lịch… rõ ràng, trong sáng thì cũng có không ít các đối tượng với những mục đích đen tối, sẵn sàng phạm tội.
>>>Bài 1: Ngày càng tinh vi và tàn bạo
CATP Hà Nội bắt giữ đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam |
Xử lý kiên quyết
Theo đánh giá của lực lượng Điều tra trọng án, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hà Nội, tình hình người nước ngoài vào Hà Nội làm ăn, sinh sống và du lịch gia tăng trong năm 2008. Số người nước ngoài phạm tội cũng gia tăng và có chiều hướng phức tạp. Các đối tượng gây án chủ yếu nhằm vào các loại tội danh trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức. Cá biệt có một số vụ tội phạm nước ngoài gây án nghiêm trọng, dùng những thủ đoạn tàn bạo để giết người và tỏ ra coi thường pháp luật của Việt Nam.
Trong năm 2008, Công an Hà Nội đã tập trung phát hiện và kiên quyết xử lý ở mức độ khởi tố để điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật Việt Nam 6 vụ, với 6 đối tượng phạm các tội giết người, trộm cắp và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điển hình là vụ cơ quan CSĐT - Công an Hà Nội đã đề nghị Viện Kiểm sát truy tố trước Tòa án đối tượng Li Ling Xiu, 35 tuổi, quốc tịch Trung Quốc để xét xử theo pháp luật Việt Nam với tội danh trộm cắp tài sản. Xiu là đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam qua biên giới Trung Quốc - Việt Nam ở tỉnh Lạng Sơn.
Mục đích nhập cảnh vào Việt Nam của Xiu là cùng đồng bọn trộm cắp tài sản tại các Trung tâm Thương mại lớn ở Hà Nội. Chiều 3-11-2008, Xiu cùng đồng bọn đến khu vực chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng, gây ra vụ trộm cắp tài sản tại cửa hàng áo cưới Thanh Hằng và bị phát hiện, bắt giữ.
Bên cạnh công tác phát hiện, bắt giữ và kiên quyết xử lý bằng hình sự các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài, cũng trong năm vừa qua, Công an Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý phạt hành chính với mức tiền phạt cao đối với nhiều vụ có yếu tố người nước ngoài phạm tội.
Hủy visa, buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam hàng chục trường hợp người nước ngoài có hành vi vi phạm, nhưng chưa đủ tài liệu chứng minh những yếu tố cấu thành tội phạm, hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. “Những việc làm trên của Công an Hà Nội đã thể hiện sự kiên quyết, không khoan nhượng đối với những đối tượng là người nước ngoài đã vi phạm pháp luật Việt Nam trên địa bàn Hà Nội” - Trung tá Trần Ngọc Hà nhấn mạnh!
Khó khăn trong điều tra
Trong quá trình điều tra các vụ án do người nước ngoài phạm tội, lực lượng Công an Hà Nội thường gặp phải khó khăn xuất phát từ những điều kiện khách quan. “Nhiều vụ án trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản do người nước ngoài gây ra rất khó xác định được đối tượng gây án. Lý do bởi ngoại hình của các đối tượng gây án có gốc ở vùng Trung đông, hoặc Đông Á... khá giống nhau và chúng không biết, hoặc cố tình không sử dụng ngôn ngữ Quốc tế (tiếng Anh) để giao tiếp với người bị hại.
Do vậy, người bị hại khó phân biệt rõ đối tượng gây án để tố giác chúng với cơ quan công an. Mặt khác, đối tượng phạm tội là người nước ngoài thường xuyên thay đổi nơi cư trú nên công tác xác minh, truy tìm đối tượng cũng gặp không ít khó khăn” - Trung tá Trần Ngọc Hà cho biết thêm…
Ngoài những khó khăn nêu trên, qua tìm hiểu phóng viên ANTĐ còn được biết trong công tác điều tra những vụ án có yếu tố người nước ngoài phạm tội, do bọn tội phạm chỉ dùng “thổ ngữ” của chúng để khai báo, nên cũng gây ra những phiền toái nhất định, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra vụ án. Thượng tá Đào Thanh Hải - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý những đối tượng phạm tội là người nước ngoài.
Loại tội phạm “đặc biệt” này khi bị phát hiện, bắt giữ, chúng thường tỏ thái độ bất hợp tác bằng việc chỉ sử dụng tiếng “mẹ đẻ” để giao tiếp. Do vậy, công tác phiên dịch là rất khó khăn, gây nhiều phiền toái và lúng túng cho lực lượng làm nhiệm vụ điều tra, xử lý các đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật.
“Có những vụ án, lực lượng công an phải nhờ một số sinh viên của trường Đại học Ngoại ngữ, có trình độ chuyên môn ngành học phù hợp với tiếng “mẹ đẻ” của các đối tượng phạm tội để phiên dịch khi thẩm vấn” - Thượng tá Đào Thanh Hải dẫn chứng thêm... Khó khăn nữa mà lực lượng công an gặp phải là vấn đề thiếu kinh phí và chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ để xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật là người nước ngoài.
Theo phân tích của lực lượng công an, một số các quốc gia, vùng lãnh thổ có những đối tượng phạm tội đều chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, nên không dẫn độ được. Khi thực hiện việc trục xuất đối tượng phạm tội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đưa về nước các cơ quan chức năng phải tự lo kinh phí đi lại như vé máy bay...
Còn vô số những khó khăn mà trong quá trình điều tra, lực lượng công an gặp phải để làm rõ một hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng gây án là người nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là nếu không tập trung truy nguyên nhanh chóng kẻ gây án, để chúng thoát được về nước thì sự khó khăn, vất vả sẽ còn tăng lên gấp trăm, nghìn lần.
“Cẩm nang” phòng ngừa
Theo Thượng tá Đào Thanh Hải, để phòng ngừa hữu hiệu loại tội phạm là người nước ngoài gây án trên địa bàn Hà Nội, ngoài các biện pháp nghiệp vụ lực lượng công an thường xuyên triển khai, điều quan trọng nhất là ý thức tự phòng ngừa tội phạm của nhân dân phải được nâng cao.
“Đối với các chủ cửa hàng kinh doanh, khi có các đối tượng là người nước ngoài vào mua hàng hoặc đổi tiền phải hết sức chú ý các hoạt động của họ. Không để họ tùy ý, tự tiện đến gần két tiền hay những loại hàng hóa gọn nhẹ, nhưng có giá trị lớn. Cảnh giác đặc biệt với những người nước ngoài có ý định đổi ngoại tệ có mệnh giá lớn, để lấy tiền Việt Nam và có ý định muốn tiếp xúc trực tiếp với tiền của chủ kinh doanh để chọn loại tiền được đổi lại.
Tại các ngân hàng, trung tâm thương mại và những nơi bán vàng bạc, đá quý… cần tăng cường lắp đặt camera theo dõi hoạt động giao dịch mua bán. Phát hiện có đối tượng nghi vấn là người nước ngoài phạm tội phải báo ngay cho cơ quan công an hoặc bảo vệ ở cơ sở để có đối sách phòng ngừa hoạt động tội phạm”.
Thượng tá Đào Thanh Hải nêu rõ một số biện pháp phòng ngừa hoạt động của tội phạm người nước ngoài, đồng thời nhấn mạnh đối với các khu vực nhà cho người nước ngoài thuê ở hoặc các khách sạn có người nước ngoài thuê trọ, nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường của khách phải giám sát ngay và thường xuyên thông báo những nghi vấn về hoạt động liên quan đến ANTT của khách cho cơ quan công an, để phòng ngừa tội phạm nước ngoài gây án nghiêm trọng.
Nếu mọi người dân và các tổ chức xã hội đều thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa nêu trên, thì tội phạm là người nước ngoài sẽ không có đất để hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Hà Trang