Du lịch Hà Nội loanh quanh ngõ hẹp:

Bài 2: Những tật xấu "chữa" mãi không khỏi

ANTĐ - “Chặt chém”là vấn đề nhức nhối của ngành du lịch ở nhiều tỉnh, thành phố, nhưng đáng buồn là nếu lướt qua các trang web, diễn đàn du lịch, Hà Nội luôn nằm trong danh sách điểm nóng về “ép giá”. 
Bài 2: Những tật xấu "chữa" mãi không khỏi ảnh 1

Bị ép giá là một trong những nỗi sợ của du khách khi đến Hà Nội (Ảnh minh họa)

Ám ảnh bị ép giá

Rất nhiều người bán hàng ở Hà Nội có “thói quen”, cứ nhìn thấy khách nước ngoài là tự động nâng giá. Họ cho rằng người nước ngoài “không biết giá”, hay “dễ lợi dụng”. Và thế là, “chặt chém” trở thành nỗi lo thường trực của du khách khi đến bất cứ địa điểm nào, từ các quán ăn vỉa hè, các khách sạn, cho đến các địa điểm di tích, lịch sử văn hóa hay ngay cả khi đi trên đường.

Derek - một blogger du lịch nổi tiếng chia sẻ kinh nghiệm bị “móc túi” khi đi “xe ôm” ở Việt Nam:  “Thường giá chung đi “xe ôm” là 10.000 đồng/km. Nhưng ở Hà Nội nếu đi hơn 1,1km thì tôi thường xuyên bị người lái xe “hét giá” 100.000 đồng. Nếu nói với họ tôi biết giá và sẽ không trả 100.000 đồng cho 3 phút đi xe, họ sẽ hạ giá, nhưng không bao giờ chịu giảm xuống dưới 50.000 đồng. Nếu tôi phàn nàn, họ sẽ chỉ vào bản đồ google và nói: “Đây không phải 1,1km mà là 6-7km”. 

Ngoài Derek, rất nhiều vị khách nước ngoài cho biết, điều khiến họ phiền toái nhất không phải là bị ép giá, mà chính là cảm giác bị phân biệt đối xử. Chị Anna Lysakowska - một du khách người Ba Lan kể lại một câu chuyện khá “bi đát” khi đến Hà Nội vào năm 2014. “Bạn có thể bị tính tiền gấp nhiều lần nếu bạn là một người da trắng mắt xanh đi mua hàng ở Hà Nội và trông có vẻ “không biết gì”. Nhưng tệ nhất là khi bạn nhận ra thái độ của người bạn hàng sau khi “chém” với mức giá gấp 3 lần so với người khác, họ sẽ cười hả hê ngay trước mặt bạn”. 

Nâng cao văn hóa ứng xử trong du lịch 

Du khách người Ba Lan cũng chia sẻ một câu chuyện đáng thất vọng khác về thái độ của người làm du lịch Hà Nội. Khá hài lòng với chất lượng phòng khách sạn trong khu phố cổ, chị Anna quyết định đặt tour đi Sa Pa của chính đơn vị này. Nhưng thay cho sự  chu đáo, lịch thiệp  ban đầu, họ không ngại ngần “tận thu” từ chị trong suốt tour du lịch khiến chị vô cùng ngỡ ngàng.

Ấn tượng tốt đẹp ban đầu vỡ tan, du khách này kết luận: “Không thể tin vào lòng tốt một cách không công”. Chuyện của du khách này không phải là hiếm. Nó chỉ ra một tật xấu cố hữu trong cách làm dịch vụ ở Thủ đô. Đó không chỉ thể hiện lối làm ăn kiểu chụp giật, thời vụ mà còn là sự thiếu tôn trọng du khách. 

Nâng cao văn hóa ứng xử trong du lịch, có lẽ sẽ là một câu chuyện dài kỳ mà cả ngành du lịch, không riêng gì Hà Nội phải đối mặt. Chúng ta đã chia sẻ những câu chuyện về việc những du khách tuyên bố sẽ không bao giờ quay trở lại Việt Nam vì móc túi, vì chặt chém, vì bị phân biệt đối xử, vì dịch vụ kém, rằng người Việt Nam đang đối xử với du khách Tây như “những cây ATM biết đi”.

Chúng ta đã có những bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho hoạt động du lịch,  như người dân Đà Nẵng được tuyên truyền phải luôn sẵn sàng “Xin chào, xin lỗi, xin mời, cảm ơn và hẹn gặp lại quý khách”, hay người Quảng Ninh có thương hiệu “Nụ cười Hạ Long”… nhưng ở đâu cũng thế, việc áp dụng một “chuẩn” về quy tắc ứng xử chung dường như là không thể.

Nếu một cộng đồng mà ai cũng nghĩ nâng giá, “chặt chém” là chuyện bình thường, chỉ giả đóng vai người tốt để vòi tiền du khách, thì không thể trách việc tại sao du khách đến Việt Nam một lần lại sẵn sàng bỏ qua chúng ta trên những hành trình du lịch tiếp theo. Sự nhiệt tình, lòng tốt và sự hiếu khách phải xuất phát từ chính cái tâm của mỗi người.

Ông Vũ Quốc Toản - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội: Không thể cứ làm du lịch kiểu truyền thống
“Làm du lịch nhiều năm nay, tôi thấy điều khách du lịch quan tâm nhất là “lạ, ngon, bổ, rẻ”. Cái hấp dẫn của Hà Nội không hẳn phải là “Thủ đô ngàn năm văn hiến” mà đôi khi là chỉ là giá tốt, bởi Hà Nội là một trong những nơi có mức giá rẻ nhất trên thế giới. Điều này một phần lý giải vì sao khách Tây lại ưa chuộng những khách sạn giá rẻ ở khu phố cổ, những con phố như Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến…, những quán bar nhộn nhịp ở khu vực Tây Hồ… Khái niệm “ăn tối, rối nước” ở Hà Nội, theo tôi chỉ những chương trình trọn gói, nay đã trở nên nhàm chán với du khách. Cái yếu của du lịch Hà Nội chính là người làm du lịch chưa nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu đa dạng, nếu cứ kinh doanh kiểu truyền thống sẽ khó lòng hấp dẫn du khách”. 

Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist: Chưa có khu vui chơi giải trí tầm cỡ
“Hà Nội có nhiều thuận lợi phát triển du lịch hơn các địa phương khác như vị thế là Thủ đô, trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, khó khăn và hạn chế của Thủ đô Hà Nội, đó là tính linh hoạt, sự năng động trong liên kết phát triển du lịch. Hà Nội nhiều năm nay chưa có một khu vui chơi giải trí tầm cỡ. Nếu đi du lịch ở nước ngoài, có thể thấy du khách chủ yếu chi tiêu vào mua sắm, giải trí, còn nguồn thu từ tour du lịch thì không đáng kể. Về quy hoạch, hiện tại Hà Nội có một số nơi như khu vực Sóc Sơn, hay sông Hồng có diện tích mặt nước lớn… có điều kiện tốt để khai thác du lịch, nhưng hiệu quả từ kinh doanh dịch vụ còn khá thấp. Tôi cho rằng, thành phố nên lựa chọn một số tập đoàn lớn để đầu tư phát triển du lịch, song song với đó phải xây dựng quỹ xúc tiến phát triển du lịch. Nói nôm na là “lấy nó nuôi nó”, thu được từ du lịch thì phải đầu tư lại cho quảng bá, xúc tiến. Về văn hóa du lịch ở Hà Nội, tôi cho rằng, trước đây người Hà Nội đã có phong trào mở cửa cho khách du lịch vào nhà, nhưng bây giờ rất tiếc là không còn nữa. Chúng ta phải duy trì một cách thường xuyên, liên tục, chứ không thể làm ngày một ngày hai rồi thôi”.