TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù để chỉ 3-5 năm làm xong một tuyến metro

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa trình UBND TP dự thảo xây dựng đề cương đề án phát triển hệ thống metro với mục tiêu hoàn thiện 8 tuyến đường sắt đô thị từ nay đến 2035.

Theo MAUR, mục tiêu hoàn thành 220 km đường sắt đô thị trong 12 năm tới là thách thức rất lớn đối với TP.HCM.

Trong đó như khó khăn về GPMB, khó khăn về công tác bố trí nguồn vốn là những thách thức lớn.

MAUR cho rằng, theo quy hoạch hiện tại, nhu cầu vốn cho hệ thống đường sắt đô thị là khoảng 25 - 30 tỉ USD. Hiện nay đã có 2 tuyến đường sắt đô thị của TP.HCM đang triển khai sử dụng nguồn vốn ODA.

Việt Nam không còn thuộc nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp và gia nhập vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, dẫn đến các khoản vay nước ngoài sẽ ít thành tố ưu đãi, mang tính thương mại cao.

Quan trọng nhất, các thủ tục theo quy định hiện nay quá phức tạp. Công tác chuẩn bị đầu tư cho 1 dự án đường sắt đô thị riêng biệt, thường là 1 tuyến, vì có tổng vốn đầu tư lớn nên là các dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, phải thông qua rất nhiều bước.

Tổng thời gian thực hiện kéo dài trung bình 12 - 15 năm cho 1 tuyến. Do thủ tục chuẩn bị đầu tư kéo dài, việc đầu tư khai thác không đồng bộ giữa các tuyến sẽ làm giảm hiệu quả của toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị.

Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tạo dư luận không tốt…

Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đang chạy thử tàu

Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đang chạy thử tàu

Theo MAUR, để đạt mục tiêu hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch đến 2035 thì công tác chuẩn bị đầu tư cho toàn bộ các tuyến phải được hoàn thành trong vòng 4 - 5 năm (chậm nhất vào năm 2028).

Từ yêu cầu này, MAUR đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là không thực hiện các thủ tục đầu tư cho 1 dự án, 1 tuyến riêng biệt như cách làm hiện nay mà thực hiện thủ tục đầu tư cho toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho toàn bộ dự án, sau đó giao TP.HCM thực hiện phê duyệt dự án đầu tư.

Theo phương án này, dự kiến thành phố lập, trình Quốc hội chấp thuận chủ trương khoảng 1,5 - 2 năm; các bước phê duyệt dự án (do thành phố chủ động) thực hiện khoảng 1 năm. Tổng cộng thời gian chuẩn bị đầu tư (cho toàn bộ các tuyến) khoảng 3 năm. Đảm bảo hoàn thành trước năm 2028 để chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án.

Phương án 2: Thực hiện các trình tự như phương án 1 nhưng đề xuất giao TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, cần thiết phải thiết lập khung quy chuẩn/tiêu chuẩn chung cho toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị trước khi dự án được phê duyệt (trong khoảng 1,5 - 2 năm tới) gồm các yếu tố cơ bản như khổ giới hạn của hầm; kỹ thuật và công nghệ cấp điện; khổ giới hạn và kích thước toa xe; hệ thống thông tin, tín hiệu và điều hành; tạo cơ chế để phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

Về mô hình tổ chức, quản lý dự án và đào tạo nguồn nhân lực, MAUR cũng đề xuất chuyển đổi mô hình Ban Quản lý Đường sắt đô thị và Công ty HURC1 thành mô hình doanh nghiệp về đường sắt đô thị với đầy đủ chức năng huy động vốn, thực hiện đầu tư, quản lý và thực hiện dự án, vận hành bảo dưỡng, phát triển bất động sản và các dịch vụ khác.