Bài 2: Không thể chống từ... ngọn!

(ANTĐ) - Kết quả mà các lực lượng chống buôn lậu Hà Nội đạt được trong thời gian qua không ít. Nhưng thực tế cho thấy, thị trường Hà Nội vẫn tràn ngập hàng lậu. Nhiều mặt hàng, lĩnh vực, "sờ" đâu cũng thấy sai phạm, thậm chí, có những điểm nóng về hàng lậu tồn tại đã thành "thâm niên". Hà Nội đang phải chấp nhận cảnh chống hàng lậu từ… ngọn!

Hàng lậu cuối năm:

Bài 2: Không thể chống từ... ngọn!

(ANTĐ) - Kết quả mà các lực lượng chống buôn lậu Hà Nội đạt được trong thời gian qua không ít. Nhưng thực tế cho thấy, thị trường Hà Nội vẫn tràn ngập hàng lậu. Nhiều mặt hàng, lĩnh vực, "sờ" đâu cũng thấy sai phạm, thậm chí, có những điểm nóng về hàng lậu tồn tại đã thành "thâm niên". Hà Nội đang phải chấp nhận cảnh chống hàng lậu từ… ngọn!

>>> Bài 1: Hành trình của hàng lậu

Chợ Ninh Hiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ hàng lậu
Chợ Ninh Hiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ hàng lậu

Từ Ninh Hiệp đến chợ Đồng Xuân

Trong danh sách hơn hai mươi tuyến, địa bàn, làng nghề, điểm có biểu hiện hoạt động, tàng trữ, sản xuất, buôn bán hàng lậu, nhiều năm nổi lên 2 cái tên "xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm", và "chợ Đồng Xuân". Tất nhiên, không phải hàng hóa nào bán trong chợ Đồng Xuân, không phải hộ kinh doanh vải nào ở Ninh Hiệp cũng… chuyên doanh hàng lậu. Nhưng nhiều vụ việc bị phát hiện thời gian qua cho thấy, điểm đi và đến của các xe hàng đều có liên quan đến chợ Đồng Xuân và Ninh Hiệp.

Từ đầu tháng 11 đến nay, lực lượng Công an - Quản lý thị trường phát hiện đến 3 vụ hàng lậu trước cổng chợ Đồng Xuân. Và cho đến nay, 3 lô hàng trị giá tiền tỷ ấy vẫn bị xác định là… vô chủ, do không có người đến nhận. Tìm hiểu một phần quy trình nhập hàng ở chợ Đồng Xuân, thấy quả thực "kỳ lạ". Từ sáng sớm, hàng được "xe ôm", xe tải hạng nhẹ tập kết trước các lối vào chợ Đồng Xuân. Trên bao bì có ghi ký hiệu, tên chủ hàng mà nhân viên bốc xếp của chợ có thể nhận biết để đưa hàng đến tận nơi.

Quá trình từ khi hàng được chuyển từ xe xuống và chờ bốc vào các sạp hàng, hầu như không có cán bộ chuyên trách nào "hỏi" về nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên. Điều được quan tâm và thực hiện hiệu quả nhất, là nguồn thuế thu được từ các chủ hàng kinh doanh trong chợ. Hàng có thể thiếu hóa đơn, thậm chí không có hóa đơn, nhưng chủ hàng không thể thiếu một đồng thuế. Cung cách quản lý như vậy, khó tránh khỏi hàng lậu thẩm thấu.

Hiện tượng này khi sang "đất vải" Ninh Hiệp, chúng tôi cũng bắt gặp. Ông Lý Duy Khương - Chủ tịch UBND xã cho biết ở Ninh Hiệp, tính tổng số các hộ kinh doanh trong chợ trung tâm và kinh doanh tại nhà, là khoảng 1.300 hộ. Tùy theo tính chất kinh doanh, các hộ sẽ chịu mức thuế khác nhau.

Từ bậc 1 đến bậc 2 (hộ kinh doanh quy mô lớn), do cán bộ Chi cục Thuế huyện Gia Lâm đảm trách; từ bậc 3 đến bậc 6 (quy mô nhỏ), do tổ ủy nhiệm thu thuế, thuộc biên chế của xã đảm trách. Theo nguyên tắc, các hộ kinh doanh thuộc bậc 1, 2 phải mở sổ sách, kê khai hóa đơn đầu ra - đầu vào của hàng hóa. Công tác chống hàng lậu, về lý thuyết, có thể tạm yên tâm với các đối tượng kinh doanh này.

Nhưng họ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 200), trong tổng số 1.300 hộ kinh doanh vải ở Ninh Hiệp. Những hộ kinh doanh còn lại, như ông Khương thừa nhận, lâu nay quen kinh doanh thuận mua vừa bán. Khái niệm hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ là thứ gì đó… xa xỉ với nhiều hộ kinh doanh vải ở Ninh Hiệp. Thế cho nên ở địa bàn được xác định là một trong những trọng điểm phòng ngừa, đấu tranh chống hàng lậu "cấp" thành phố này, lâu lắm rồi lực lượng chuyên trách của xã, huyện không phát hiện, bắt quả tang được vụ buôn bán hàng lậu nào.

Bao giờ… hết hàng lậu

Lâu nay, công tác chống buôn lậu ở Hà Nội đang làm theo kiểu từ ngọn xuống và chủ yếu mới chỉ là bề nổi của sự phức tạp. Bao nhiêu tuyến biên giới, cửa khẩu thì từng ấy lộ trình hàng lậu được tuồn về. Bao nhiêu địa bàn giáp ranh, bao nhiêu cửa ngõ Thủ đô, là từng ấy đường vào Hà Nội của hàng lậu. Kế hoạch chống hàng lậu vừa được Ban Giám đốc CATP triển khai đến toàn lực lượng Công an Thủ đô, với chủ công là lực lượng CSKT.

Hết sức quyết liệt và chịu trách nhiệm lớn trong việc bình ổn thị trường - chống hàng lậu, còn có lực lượng quản lý thị trường. Nhưng từ Đội Chống buôn lậu - Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, rồi các đội "tinh nhuệ" của QLTT như đội 1, đội 4, đội 14, đội 16… cán bộ, chiến sỹ các đơn vị này chỉ quán xuyến được cơ bản những điểm nóng, tuyến nóng tại Hà Nội. Muốn "đánh" triệt để được hàng lậu ở Hà Nội, không gì hiệu quả hơn là phải có sự phối hợp liên hoàn giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố từ biên giới về.

Vì sao hàng lậu vẫn lọt được qua biên giới? Vì sao hàng lậu vẫn có "chỗ trú" ở Bắc Ninh, Bắc Giang, từ đó tuồn vào Hà Nội? Giống như Hà Nội, các tỉnh, thành phố đều có lực lượng chống hàng lậu chuyên trách. Tổng quát hơn, chúng ta có BCĐ 127 Trung ương về chống hàng lậu, hàng giả. Nhưng thực tế hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và kinh doanh hàng lậu thời gian qua cho thấy, trong "dây chuyền" chống hàng lậu này đã và đang có những "mắt xích" rệu rã… Đây chính là cơ hội để hàng lậu hoành hành, gây phức tạp thị trường.

Hoàng Quân

"Xác lập nhóm đối tượng tập trung đấu tranh chống buôn lậu"

(ANTĐ) - Trước xu hướng hàng lậu xuất hiện nhiều dịp cuối năm, CATP Hà Nội đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 134, về "tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả; vi phạm sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố".

Theo đó, nhóm đối tượng chính sẽ bị cơ quan chức năng tập trung phòng ngừa, đấu tranh chống hành vi buôn lậu. Là các tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa kinh doanh xuất nhập khẩu để buôn lậu; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bán lẻ có dấu hiệu buôn bán hàng lậu hoặc tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu; các doanh nghiệp dịch vụ vận tải; các đối tượng có "tiền sử" buôn bán hàng lậu…