Công an thời công nghệ 4.0

Bài 2: Khi công nghệ thông tin "tiếp sức" cho công tác đăng ký, quản lý phương tiện

ANTD.VN - Lực lượng CSGT được xem là một trong những đơn vị đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đăng ký xe. Tăng thuận lợi, giảm phiền hà, công khai, minh bạch... là những điều dễ nhận thấy nhất từ khi hệ thống cơ sở dữ liệu về đăng ký xe ô tô được xây dựng, triển khai trên khắp cả nước.

Bài 2: Khi công nghệ thông tin "tiếp sức" cho công tác đăng ký, quản lý phương tiện ảnh 1Người dân hài lòng khi đến đăng ký xe bởi các thủ tục hành chính đã được cải thiện rõ rệt

Đăng ký xe trực tuyến

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe ô tô được xây dựng, hoàn thành từ năm 2012 với 72 điểm đăng ký xe tại Phòng CSGT Công an các địa phương. Tiếp đó năm 2014, hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe mô tô được triển khai xuống Công an cấp quận, huyện với 613 điểm đăng ký trên toàn quốc. 

Mô hình quản lý dữ liệu được đặt tại Trung tâm Cục CSGT với hơn 3 triệu bản ghi đối với ô tô, hơn 50 triệu bản ghi đối với mô tô… Đồng thời, hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe trực tuyến cũng đã được triển khai và đưa vào hoạt động hiệu quả từ cuối năm 2017 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đánh giá của Cục CSGT cho thấy, việc triển khai cấp thủ tục đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ qua mạng internet là chủ trương tích cực, phù hợp với tinh thần cải cách hành chính phục vụ nhân dân, rút ngắn thời gian, giảm thủ tục, giảm số lần đi lại của người dân, vừa đáp ứng yêu cầu của nhân dân, từng bước xây dựng lực lượng CAND chính quy, hiện đại. 

Hệ thống gồm 13 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 gồm: Đăng ký, cấp biển số xe ô tô; Đăng ký sang tên xe ô tô trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sang tên, di chuyển xe ô tô đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đăng ký xe ô tô từ tỉnh khác chuyển đến; Đổi, cấp giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe ô tô; Đăng ký xe ô tô tạm thời; Thu hồi giấy chứng nhận, biển số xe ô tô; Đăng ký, cấp biển số xe mô tô; Đăng ký sang tên xe mô tô trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sang tên, di chuyển xe mô tô đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đăng ký xe mô tô từ tỉnh khác chuyển đến; Đổi, cấp giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe mô tô; Thu hồi giấy chứng nhận, biển số xe mô tô. 

Một trong các tính năng ưu việt của hệ thống là việc tích hợp các thông tin khai trên hệ thống vào biểu mẫu giấy khai đăng ký xe. Như vậy, sau khi nhập thông tin, chỉ cần một thao tác đơn giản “click” vào biểu tượng “In giấy khai”, ngay lập tức giấy khai đăng ký xe được in ra. Người dân không cần viết tay như trước, tránh được viết sai, viết nhầm, viết đi viết lại nhiều lần. Giấy khai đăng ký xe có thể in bất kỳ đâu như tại nhà, hoặc ở cơ quan đăng ký xe.

Thống kê của Phòng CSGT, CATP Hà Nội, số lượng phương tiện tăng nhanh chóng, hiện tại có 6.693.969 phương tiện (750.077 ô tô, 5.794.295 môtô, 149.597 xe máy điện), tốc độ tăng bình quân hàng năm là 10,2% đối với ô tô và 6,7% đối với mô tô. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự báo đến năm 2030, tổng số lên tới 10 triệu phương tiện, sẽ gây ùn tắc giao thông toàn thành phố, trong khi phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được về số lượng, chất lượng dịch vụ. 

Cũng trong vòng từ năm 2016 đến 2018, đơn vị đã đăng ký mới 985.615 phương tiện. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông trên địa bàn thành phố ở nhiều nơi vẫn còn khá nhiều bất cập. Trong tổng số hơn 900.000 phương tiện được đăng ký mới này, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cũng đã làm thủ tục đăng ký xe qua mạng, đăng ký trực tuyến cho hàng chục nghìn trường hợp, và đa phần là ô tô. 

Theo Thiếu tá Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT, CATP Hà Nội, đây là tín hiệu vui, bởi tâm lý, thói quen của người dân đã bước đầu thay đổi. Thay vì đến trực tiếp tại các trụ sở làm thủ tục đăng ký phương tiện như trước, người dân chỉ cần có máy tính, thiết bị kết nối mạng internet thì dù ngồi bất kỳ đâu cũng có thể làm thủ tục đăng ký phương tiện trực tuyến được. 

Đăng ký qua mạng rõ ràng đã giúp cho người dân không phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và đặc biệt là dễ dàng kê khai thủ tục cũng như hạn chế tối đa việc hồ sơ thất lạc, sai sót... Không chỉ có vậy, lực lượng thực thi công vụ cũng sẽ dễ dàng xử lý hơn.

Nâng tầm quản lý Nhà nước

Trong Chỉ thị số 01/CT-BCA về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ rõ: Cục CSGT đầu tư trang bị phương tiện hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào các mặt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm và quản lý công tác nghiệp vụ; xây dựng, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT, trọng tâm là các tuyến đường bộ cao tốc và một số quốc lộ trọng điểm. Tập trung đầu tư, nâng cấp, khai thác có hiệu quả Trung tâm thông tin chỉ huy, các hệ thống cơ sở dữ liệu TTATGT, nhất là hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe, cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông, xử lý vi phạm TTATGT trong phạm vi toàn quốc; từng bước thay thế hình thức xử lý vi phạm hành chính viết tay như hiện nay bằng ứng dụng trên thiết bị điện tử cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường.

Đánh giá của Cục CSGT cho thấy: Việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong đăng ký xe đã giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện. Hệ thống dữ liệu phương tiện được lưu trữ khoa học, hợp lý, CSGT dễ dàng tra cứu, xác minh, sử dụng. Trên bình diện cả nước, mạng lưới đăng ký quản lý trực tuyến  này của Cục CSGT đã phát huy hiệu quả rất lớn, góp phần giúp cho Cục CSGT trong việc phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, đảm bảo TTATGT, phòng chống tội phạm. 

Bên cạnh đó, khi công nghệ thông tin “tiếp sức” cho công tác đăng ký, quản lý phương tiện, lực lượng CSGT dễ dàng, hiệu quả hơn trong công tác trả lời xác minh, phối hợp với các cơ quan chức năng những vấn đề liên quan đến phương tiện. 

Thống kê, trong năm 2017, Phòng CSGT, CATP Hà Nội đã trả lời xác minh 29.144 trường hợp, trong đó xác minh nóng là 22.235 trường hợp, xác minh xe tang vật với gần 7.000 trường hợp. Đến năm 2018, hệ thống quản lý dữ liệu này cũng đã giúp cho lực lượng CSGT xác minh nóng 26.179 trường hợp, hơn 6.000 trường hợp xe tang vật. Hàng trăm nghìn hồ sơ đăng ký xe mô tô trong nhiều năm qua cũng đã được Phòng CSGT phân loại, bàn giao hiệu quả cho Công an các quận, huyện, thị xã quản lý theo phân cấp. 

Không chỉ phục vụ hiệu quả việc phân loại, chuyển vùng, bàn giao hồ sơ cũng như xác minh xử lý những phương tiện nằm trong diện nghi vấn xe tang vật, trộm cắp, hệ thống dữ liệu đăng ký còn giúp Cục CSGT cũng như Phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố phát hiện, xử phạt hàng nghìn ô tô sang tên không đúng quy định. 

Chỉ tính riêng Phòng CSGT, CATP Hà Nội năm 2016, đơn vị ra quyết định xử phạt 700 trường hợp ô tô sang tên không đúng quy định, phạt thành tiền hơn 1,6 tỷ đồng, trong đó công ty là 244 trường hợp, số còn lại là xe cá nhân. 

Cũng thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin, dữ liệu điện tử phương tiện, qua từng năm, số vi phạm về không sang tên, đổi chủ khi mua, bán lại phương tiện ngày càng giảm. Rõ ràng, người dân, chủ phương tiện bên cạnh việc nhận thức được quyền lợi của mình trong vấn đề sở hữu tài sản đã mua, bán, đã không thể vi phạm bởi dữ liệu phương tiện được lực lượng CSGT quản lý chặt chẽ.

Thống kê của Cục CSGT cho thấy, cùng với nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đăng ký phương tiện, hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm tính cho đến nay đã triển khai được hơn 142 điểm trên toàn quốc, qua đó nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ tuần tra kiểm soát, xử lý cũng như tránh tái vi phạm; quản lý phương tiện, quản lý giấy tờ của phương tiện cũng như người điều khiển phương tiện… hỗ trợ hiệu quả cho công tác truy tìm, điều tra TNGT, nhất là những vụ lái xe gây tai nạn bỏ trốn. Từ những kết quả này, đã tạo thuận lợi cho lực lượng CSGT trong công tác thống kê, báo cáo, phân tích đánh giá lỗi vi phạm của người tham gia giao thông để phục vụ cho công tác nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu vi phạm giao thông và TNGT. 

 “Thay vì đến trực tiếp tại các trụ sở làm thủ tục đăng ký phương tiện như trước, người dân chỉ cần có máy tính, thiết bị kết nối mạng internet thì dù ngồi bất kỳ đâu cũng có thể làm thủ tục đăng ký phương tiện trực tuyến được. Đây là tín hiệu vui, bởi tâm lý, thói quen của người dân đã bước đầu thay đổi. 

Bên cạnh đó, thông qua công tác đăng ký và tra cứu dữ liệu trên hệ thống, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý phương tiện, Phòng CSGT,  CATP Hà Nội phát hiện hàng trăm trường hợp hồ sơ xe có dấu hiệu tội phạm. Tất cả những hồ sơ, phương tiện này đều được đơn vị chuyển tới cơ quan điều tra để xác minh, xử lý”. 

Thiếu tá Tạ Ngọc Khánh (Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT, CATP Hà Nội)