Hiểm hoạ nơi công trường:

Bài 2: Khi an toàn bị xem nhẹ

ANTĐ - Mất an toàn giao thông trong quá trình thi công cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đã và đang là một thực tế khiến dư luận không khỏi bức xúc. Mặc dù đã có quy định rõ ràng về các điều kiện đảm bảo an toàn trong thi công công trình nhưng rất nhiều chủ công trình vi phạm, không thực hiện đúng quy định đề ra. 

Chỗ nào cũng thấy vi phạm

Bài 2: Khi an toàn bị xem nhẹ ảnh 1
Sự tắc trách của đơn vị thi công ảnh hưởng đến an toàn tính mạng người dân

Quận Hà Đông, Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều dự án xây dựng khu đô thị, nhà cao tầng, đường sá… nhưng tình trạng vi phạm diễn ra dưới đủ mọi hình thức. Trong đó chủ yếu là vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng đô thị như: công trình thi công không cắm mốc biển hiệu, tên công trình, khu vực thi công không có biển hiệu, hàng rào che chắn…

Tuy nhiên, vấn đề xử lý không hề đơn giản. Đặc biệt trong trường hợp các chủ đầu tư không hợp tác với cơ quan chức năng thì lực lượng Thanh tra xây dựng khó lòng xử phạt được vi phạm. Mặc dù, đa số bộ phận người dân ủng hộ chủ trương cải tạo, làm mới các tuyến đường của thành phố, thế nhưng sự tắc trách của đơn vị thi công đã và đang gây mất an toàn cho những người dân đang phải hàng ngày, hàng giờ sống trong ô nhiễm và nguy hiểm rình rập. 

Theo Thông tư 24/2009 của Bộ Xây dựng quy định một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng thì mức phạt cao nhất đối với các vi phạm trong hoạt động xây dựng có thể lên tới 500 triệu đồng, thay vì mức 70 triệu đồng như trước đây. Trong đó, đối với hành vi vi phạm như nhà thầu thi công xây dựng công trình không có biển báo an toàn, không có phương tiện che chắn sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Bên cạnh đó, Thông tư 22/2010 của Bộ Xây dựng quy định về an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng, yêu cầu chung đối với công trường xây dựng.

Theo đó, tổng mặt bằng công trường xây dựng phải được thiết kế và phê duyệt theo quy định, phù hợp với địa điểm xây dựng, diện tích mặt bằng công trường, an toàn cho người, máy và thiết bị trên công trường và khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng của thi công xây dựng. Trên công trường phải có biển báo theo quy định tại Điều 74 - Luật Xây dựng. Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn phải được phổ biến và công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành, những vị trí nguy hiểm trên công trường như đường hào, hố móng, hố gas phải có rào chắn, biển cảnh báo và hướng dẫn đề phòng tai nạn, ban đêm phải có đèn tín hiệu. 

Hãy biết cách bảo vệ trẻ em

Hàng loạt những vụ tai nạn thương tâm xảy ra thời gian gần đây nguyên nhân ban đầu là do đơn vị thi công đã “lơ là” trong vấn đề cảnh báo nguy hiểm cho người dân. Đáng nói hơn, đối tượng phải chịu những cái chết oan uổng đa phần là trẻ em đã gây ra không ít tranh luận xung quanh vấn đề này. Đơn vị thi công cho rằng lỗi một phần do cha mẹ đã quản lý con không tốt.

Về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng nhận xét: “Xã hội càng hiện đại càng tiềm ẩn nhiều mối nguy. Bố mẹ thường lo lắng, tìm cách ngăn cấm gay gắt con trước các rủi ro nhưng lại quên giải thích cho trẻ vì sao và hậu quả có thể xảy ra. Do tâm lý của trẻ vốn ham khám phá, tò mò nên trẻ sẽ không thể hiểu những từ chung chung khi bị người lớn mắng như: nghịch dại, nguy hiểm. Bên cạnh đó, các phụ huynh thường có thói quen làm hộ con mọi việc và cho rằng mình sẽ luôn bảo vệ con trước những tình huống rủi ro.

Thực tế, bố mẹ không thể luôn bên cạnh con, nên hãy hướng dẫn trẻ có thể tự nhận biết được những gì nguy hiểm cần tránh. Có thể cho trẻ nhìn thấy, cảm thấy sự nguy hiểm bằng sự tiếp xúc trực tiếp dưới sự giám sát chặt chẽ. Cách dạy trực quan này rất hiệu quả với trẻ nhỏ bởi khi có sự trải nghiệm trẻ sẽ phải tự rút ra bài học. Ngoài ra, mỗi câu chuyện, những tai nạn nhìn thấy, nghe thấy trên các phương tiện truyền thông đều có thể biến thành bài học chia sẻ với trẻ, giúp con hiểu trong tình huống đó nên làm gì, vì sao bị như thế... thay vì chỉ mang ra làm câu chuyện phiếm giữa người lớn với nhau. Các trường học cũng nên có chương trình chính khóa về các kỹ năng cụ thể dạy trẻ cách tự bảo vệ mình, quản lý bản thân.

Có thể thấy, các công trình xây dựng phục vụ lợi ích công cộng thì mục đích đầu tiên chính là để phục vụ cuộc sống con người, bảo vệ con người, vậy đừng để chúng trở thành phản tác dụng khi mới đang thi công.