Tệ nạn vùng ven đô:

Bài 2: Đào hầm để "lắc"

ANTĐ - Không phải ngẫu nhiên mà các nhà hàng, quán gội đầu, quán cà phê tại các huyện ngoại thành lại lôi kéo đuợc đông đảo khách thập phương. Ngoài vì yếu tố giá cả thì những dịch vụ tại đây hút khách bởi luôn được gắn mác “hương đồng gió nội” trong khi phong cách phục vụ cũng khác người.

Những “động lắc”… lạ

Nhìn ngôi biệt thự 4 tầng sang trọng, bên ngoài gắn tấm biển “chuyên phục vụ ăn uống, các món ăn đặc sản”, ít ai biết được nhà nghỉ Thùy Linh tại thôn 6, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất lại là một “động lắc”. Ngoài các phòng được bố trí để kinh doanh ăn uống, karaoke và massage, nhà nghỉ này còn xây dựng một số hang động nằm dưới lòng đất. Với hệ thống âm thanh hiện đại, cửa và tường cách âm, xung quanh được ốp đá tự nhiên, nơi đây được coi là phòng VIP dành riêng cho các đối tượng có nhu cầu ăn chơi thác loạn. Trong lần cùng các trinh sát CAH Thạch Thất triệt phá “động lắc” này, chúng tôi biết được, lý do khiến nhà nghỉ Thùy Linh luôn đông khách là vì ở đây có đầy đủ các loại hình dịch vụ. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên phục vụ chu đáo cùng cảm giác an toàn khi được ở bên trong các hang động này đã khiến nhiều đối tượng thích “chơi” ma túy tổng hợp tin tưởng rút hầu bao.

Theo chân Q - một thanh niên có máu mặt, nhiều năm làm bảo kê cho một quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, chúng tôi đã có cơ hội mục sở thị một nhà nghỉ khác cũng được xây dựng theo “mốt” hang động. Q kể, cách đây không lâu, chủ nhà nghỉ này đã bỏ ra hơn 2 tỉ đồng để tân trang tòa biệt thự thành 4 thâm cung kỳ bí. Cũng được trang bị hệ thống âm thanh, nội thất 100% bằng đá, mục đích chính của những hang động lạ này là để phục vụ những khách hàng có tiền, cần không gian riêng biệt. Q cũng cho hay, những căn phòng “độc” này được xây dựng vừa để thỏa mãn những đòi hỏi thời thượng của khách, vừa vì hiện nay, thuốc lắc, “kẹo”, “đá”… đã thành một phần của những buổi liên hoan, tiệc tùng của các nhóm choai choai chốn ngoại thành.

Và các khu “liên hợp” mại dâm

Vài năm trước, khu vực xung quanh nghĩa trang Thanh Tước, huyện Mê Linh (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) được biết đến là địa chỉ “vui chơi” độc đáo nhất Hà Nội. Hàng loạt quán gội đầu, cà phê lụp xụp được dựng lên ngay sát tường rào nghĩa trang. Đêm đến, bên này lập lòe hương nhang, bên kia cũng “đỏ đèn” các cửa hàng dịch vụ. Chỉ 1 giường gội đầu, 2-3 bộ bàn ghế, tất cả đều nhơm nhớp bụi bẩn nhưng mỗi quán ở đây đều có hàng chục nữ nhân viên. Điều lạ không chỉ nằm ở việc khách hàng của những cửa hàng này chỉ toàn là nam giới, mà thời điểm cắt tóc, gội đầu cũng được chủ quán ấn định với khách vào… nửa đêm.

Tại các vùng ngoại thành, điểm qua cũng thấy gần chục địa chỉ thường được các quý ông rỉ tai nhau về “món” của lạ. Từ đường Phạm Văn Đồng (Từ Liêm) cho đến khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất) hay một số tuyến phố ở Gia Lâm. Tuy nhiên, dẫn đầu trong danh sách “phố đèn đỏ” phải kể đến khu vực thị trấn Xuân Mai và đoạn đường Quốc lộ 21, thuộc địa phận 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai. Dù mới 18h nhưng trên quãng đường dài khoảng 5km có tới 40 quán cà phê, massage, gội đầu đã “lên đèn” chờ phục vụ khách. Không công khai “chào hàng”, bắt mối như ở một số tụ điểm mại dâm khác nhưng quy mô và sự trắng trợn của hoạt động “kinh doanh xác thịt” tại tụ điểm vui chơi ô hợp này có thể thấy rõ qua vụ tổ chức mại dâm tại nhà hàng Chân Quê vừa được Cục Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội và CAH Quốc Oai triệt phá.

Thoạt nhìn từ bên ngoài, ai cũng nghĩ tổ hợp mại dâm do “tú bà” Nguyễn Thị Chuân làm chủ là một trang trại. Có đầy đủ vườn cây, ao cá nhưng thay vì nuôi gia súc, bà chủ “trang trại” cùng con trai là Đào Hữu Cường lại kiếm tiền bằng cách “chăn” 18 gái bán dâm. Trong khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông, khu ăn chơi khép kín với 18 phòng nghỉ được xây dựng theo lối kiến trúc “tựa sơn, đạp thủy” đã thu hút hàng chục khách làng chơi mỗi ngày. Giá bình dân (từ 2-3 trăm nghìn/lượt), lại có phong cảnh hữu tình là lý do giải thích vì sao khi lực lượng công an ập vào kiểm tra nhà hàng này đã bắt quả tang tới 10 đôi nam nữ đang mua bán dâm - con số kỷ lục về số lượng đôi nam nữ “hành lạc” bị bắt quả tang trong một lần phá án. 


Cần quản lý chặt chẽ

Theo nhận định của Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội, những năm gần đây, các loại tệ nạn đang có xu hướng “dạt” ra ngoại thành, đặc biệt là các khu vực giáp ranh, có mật độ dân cư thưa thớt. Không khó để nhận ra các đường dây lô đề, cờ bạc hay các điểm mại dâm trá hình, tuy nhiên tệ nạn tại đây vẫn bùng phát, trước hết do công tác quản lý của chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Một cán bộ CAH Thạch Thất cũng cho rằng, việc quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện và nhạy cảm còn mang nặng tính hình thức. Bởi thực tế, trong thời gian xét duyệt cấp phép hoạt động thì nhà nghỉ, khách sạn nào cũng chấp hành các quy định về đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Tuy nhiên sau đó, do việc kiểm tra của lực lượng quản lý cấp cơ sở được thực hiện định kỳ, dẫn đến việc nhiều chủ cơ sở phớt lờ hoặc chỉ miễn cưỡng chấp hành các quy định pháp luật.

Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh nhạy cảm như cà phê, gội đầu chỉ phải thực hiện cam kết đảm bảo ANTT, nhiều cơ sở còn lấy lý do buôn bán nhỏ lẻ, không có giấy đăng ký kinh doanh. Trong khi hình thức xử lý các cơ sở kinh doanh nhạy cạm vi phạm vẫn chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, càng khiến các dịch vụ này dễ bị biến tướng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT tại các huyện ngoại thành.