- Ngày hội "Thanh niên với văn hóa giao thông" 2019 ở Hà Nội
- Xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao trách nhiệm công dân cho học sinh, phụ huynh
Tuyến bài ghi chép, phản ánh của nhóm PV ANTĐ ở nhiều góc độ, mong muốn "nói" lên thực trạng, tồn tại khách quan, chủ quan; và hơn hết để qua đó, mỗi công dân, mỗi người tham gia giao thông sẽ có thêm những suy nghĩ, hành động trách nhiệm, vì an toàn cho cộng đồng và chính bản thân mình.
Một trường hợp vượt đèn đỏ bị CSGT xử lý
Đèn đỏ chỉ là… chuyện nhỏ
6h sáng, dòng phương tiện từ phố Nguyễn Thái Học rẽ vào đường Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chật cứng. Từ nút giao thông Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn tới ngã tư Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, các phương tiện như nhích từng chút một. Luồng phương tiện từ Nguyễn Thái Học ra đường Lê Duẩn mỗi lúc một đông, bịt kín cả chiều ngược lại từ Lê Duẩn hướng về Điện Biên Phủ, càng khiến cho giao thông tại khu vực này bị ùn ứ nghiêm trọng. Ở cách đó, dù đã có biển cấm đi ngược chiều song không ít người tham gia giao thông từ phố Nguyễn Khuyến thản nhiên vượt đèn đỏ, “cắt mặt” các phương tiện khác để đi thẳng sang phố Hai Bà Trưng trong nguy hiểm cận kề.
Theo đánh giá của Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1, nút Hai Bà Trưng - Lê Duẩn có lẽ là một trong những nút giao thông trọng điểm nhất mà Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, CATP Hà Nội đặc biệt lưu tâm. Nếu điều tiết phân luồng hợp lý, hiệu quả tại nút giao thông này, nó sẽ có tác dụng hỗ trợ rất lớn cho hoạt động giao thông gần như toàn tuyến phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Lê Duẩn. Đặc biệt, nó sẽ có tác dụng hỗ trợ nút giao thông Điện Biên Phủ - Cửa Nam, không chỉ có mật độ phương tiện và người tham gia giao thông đông đúc, mà là nơi các đoàn khách quốc tế, nguyên thủ thế giới thường xuyên di chuyển qua.
Với những lý do trên, gần như từ 6h sáng đến 22h đêm, ở những nút giao này đều được Ban chỉ huy Đội CSGT số 1 bố trí CSGT làm nhiệm vụ. Không chỉ tập trung hướng dẫn phân luồng giao thông cho người dân đi trên đường, những hành vi vi phạm Luật Giao thông tại đây cũng bị các tổ CSGT kiên quyết kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, chỉ huy Đội CSGT số 1 cũng phải thừa nhận, dù kiểm tra, xử lý rất nhiều song những hành vi cố tình đi sai làn, bịt kín ngã tư của các phương tiện, hay phổ biến nhất là vượt đèn đỏ khi CSGT đang bận phân luồng của không ít người tham gia giao thông diễn ra như cơm bữa. Thống kê của Đội CSGT số 1, bình quân mỗi tháng, đơn vị phát hiện và xử phạt trên dưới 800 trường hợp vượt đèn đỏ.
Câu chuyện không ít người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, đi sai làn... chúng ta từng gặp ở nhiều ngã tư, nút giao thông. Đại úy Nguyễn Tuấn Cường, Đội phó Đội CSGT số 2, phòng CSGT, CATP Hà Nội chia sẻ: Không hiểu vì sao trong khi gần như mọi người dân đều chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, CSGT làm nhiệm vụ, mà vẫn còn không ít lái xe vượt đèn đỏ. Khi bị CSGT xử phạt và hỏi họ có thấy nguy hiểm không với hành động như trên, thì lái xe vi phạm đều trả lời là có. Biết là nguy hiểm, biết là vi phạm song vẫn cố tình vi phạm thì chỉ có thể giải thích căn nguyên chính là thái độ coi thường pháp luật, tính mạng, sức khỏe của người khác của đối tượng vi phạm.
Thống kê của Phòng CSGT cho thấy, trong các chuyên đề “nóng” là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ùn tắc và tai nạn giao thông bị CSGT xử phạt, hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông luôn đứng thứ 2 trong tổng số lỗi vi phạm bị CSGT xử phạt. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2019, có tới 12.622 trường hợp vượt đèn đỏ bị lập biên bản.
Hai nam thanh niên “vô tư” đầu trần điều khiển xe máy
Bát nháo vi phạm
Thượng tá Phạm Văn Hậu, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội nhìn nhận, muốn đánh giá văn hóa giao thông của người dân tốt hay chưa, đơn giản nhất là chỉ cần đứng ở ngã tư để quan sát. Với hàng trăm ngã tư trọng điểm, áp lực của CSGT cũng được thể hiện rõ nhất tại đây. Qua nhiều ngày ghi nhận thực tế, rõ ràng, những đánh giá của Ban chỉ huy Phòng CSGT như trên hoàn toàn có cơ sở, bởi đây chính là điểm phản ánh dễ dàng nhất những cung bậc cảm xúc, hành vi của người tham gia giao thông trên đường.
Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội phó Đội CSGT số 7 cho rằng, hành vi vượt đèn đỏ của không ít người tham gia giao thông chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông nghiêm trọng. Không chỉ bằng cứ liệu mà CSGT cung cấp, qua ghi nhận của phóng viên tại các bộ phận cấp cứu ở những cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, số vụ tai nạn giao thông do lái xe vượt đèn đỏ chiếm tỷ lệ khá lớn. Đáng nói, hầu như những vụ tai nạn giao thông này nạn nhân đều bị đa chấn thương và chấn thương rất nặng. Nhiều trường hợp nặng đã tử vong, số còn lại nếu chấn thương sọ não, không những bản thân bị thiệt thòi mà còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Không chỉ có vượt đèn đỏ, những hành vi liên quan đến dừng đỗ phương tiện, đi ngược chiều và đặc biệt là vi phạm mũ bảo hiểm luôn… đứng hàng đầu trong tổng số trường hợp vi phạm bị CSGT xử phạt. “Đến quy định mũ bảo hiểm bảo vệ tránh chấn thương đầu cho người điều khiển mô tô, xe máy mà không ít người dân, thậm chí là cha, mẹ học sinh vẫn không thực hiện. Bản thân họ vi phạm, đồng thời cũng phó mặc tính mạng của con em họ cho số phận bằng hành vi coi thường pháp luật, Luật Giao thông của mình. Văn hóa giao thông không phải điều gì to tát mà bằng chính những việc làm, hành vi cụ thể của người tham gia giao thông trên đường”, Thượng tá Phạm Văn Hậu nhìn nhận.
Thống kê của Phòng CSGT cho thấy, trong 10 tháng 2019, toàn lực lượng CSGT đã xử lý 426.928 trường hợp vi phạm. So với cùng kỳ năm 2018 tăng 159.022 trường hợp.
Không chỉ tăng số trường hợp vi phạm bị xử phạt trên đường bộ, tại các tuyến đường sắt, những hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, cố tình vượt qua đường sắt khi rào chắn đã hạ của không ít người dân, người tham gia giao thông vẫn còn ngang nhiên, thách thức. Nhức nhối nhất phải kể tới “phố đường tàu” thuộc địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, khi cả trăm hộ dân mở quán kinh doanh giải khát, bày bàn ghế tràn cả ra đường ray.
Phòng CSGT cũng cho biết: Lực lượng CSGT đã xử phạt 4.362 trường hợp, tăng hơn 1.000 trường hợp so với cùng kỳ. Lỗi chủ yếu là dừng đỗ trong phạm vi đường ngang, nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ với 812 trường hợp. Kết quả này không chỉ phản ánh những nỗ lực cố gắng của CSGT mà qua đó còn cho thấy hành vi vi phạm, thái độ, văn hóa của không ít người tham gia giao thông vẫn ở mức… rất kém.