Bài 1: Những “lỗ hổng” ý thức

(ANTĐ) - Chiếm tỷ lệ ít trong số các vụ cháy xảy ra hàng năm, nhưng thiệt hại về kinh tế do cháy ở khu công nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn. Hỏa hoạn ở các khu công nghiệp luôn là nỗi ám ảnh, nhưng chỉ đến khi xảy ra hậu quả, người ta mới… kêu trời.

Tìm “thủ phạm” gây cháy ở các khu công nghiệp

Bài 1: Những “lỗ hổng” ý thức

(ANTĐ) - Chiếm tỷ lệ ít trong số các vụ cháy xảy ra hàng năm, nhưng thiệt hại về kinh tế do cháy ở khu công nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn. Hỏa hoạn ở các khu công nghiệp luôn là nỗi ám ảnh, nhưng chỉ đến khi xảy ra hậu quả, người ta mới… kêu trời.

Hiện trường vụ cháy tại KCN Phú Diễn
Hiện trường vụ cháy tại KCN Phú Diễn

Khu công nghiệp nâng cấp từ... trại gà

Với lính PCCC Hà Nội, nhiều năm nay, khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Minh, thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm luôn là nỗi canh cánh trong lòng. Khu đất rộng chừng 20ha này vốn  là trại nhân giống gà, vì vậy mà người ta thường gọi tắt nó là khu công nghiệp… trại gà. Nhiều buổi khảo sát của cơ quan PCCC cho thấy, cơ sở vật chất ở nhiều doanh nghiệp trong khu trại gà rất tạm bợ và không tuân theo quy chuẩn an toàn đối với công tác PCCC.

Vài chục doanh nghiệp đang hoạt động phần lớn chỉ chú trọng việc kinh doanh chứ rất ít đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất trang bị thiết bị, nguồn nước PCCC. Hệ thống đường đi trong khu công nghiệp cũng do các doanh nghiệp góp tiền làm, chủ yếu để… đi chứ không “nhớ” đến đường cho xe chữa cháy ra vào thuận tiện.

Chịu hệ lụy nặng nhất của sự tạm bợ trong công tác PCCC ở khu công nghiệp trại gà là Công ty TNHH Trần Thành. Trong 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp này để xảy ra 2 vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng. Xin dẫn lại diễn biến vụ cháy gần đây nhất ở doanh nghiệp Trần Thành. Ngọn lửa bùng phát trong quá trình công nhân hàn cắt, nâng mái nhà xưởng. Chết một nỗi, trong nhà xưởng của Công ty Trần Thành lúc ấy đang chứa hàng trăm tấn giấy thành phẩm. Lửa gặp giấy thì cháy tất yếu phải xảy ra.

Có người kể rằng khi ngọn lửa đã lan rộng, cháy lớn được 20 phút, nhân viên trong khu công nghiệp trại gà mới nhớ ra là… quên chưa gọi lực lượng Cảnh sát PCCC. Lại có người quả quyết do nhân viên của công ty chỉ chú tâm “cứu” giấy tờ, máy tính mà không báo cứu hỏa. Trong nhiều tiếng đồng hồ,  11 xe chữa cháy cấp tập hoạt động mới khống chế được lửa trong kho. Riêng khu làm việc của giám đốc và phòng kinh doanh ở quá xa, vòi nước cứu hỏa không tới nên lực lượng cứu hỏa phải dập lửa bằng phương pháp thủ công là… múc nước dội. Thiệt hại vụ cháy ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

Bình gas để bừa bãi, không đúng quy định tiềm ẩn nguy cơ cháy
Bình gas để bừa bãi, không đúng quy định tiềm ẩn nguy cơ cháy

Phương án hình thức

“Dù được xác định là các cơ sở trọng điểm về công tác PCCC, nhưng hầu như năm nào Hà Nội cũng xảy ra ít nhất 1 vụ cháy ở các khu công nghiệp. Thậm chí nơi có lối ra vào thuận tiện, nguồn nước chữa cháy nhiều và trang bị phương tiện chữa cháy có mà… vẫn cháy”, một cán bộ Phòng CS PCCC cho biết. Như năm 2009 này, ban đầu, nhiều người thấp thỏm địa giới hành chính Hà Nội mở rộng, không dám chắc về sự “an toàn” ở các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Tây (cũ). Sự thấp thỏm ấy đến đầu tháng 9 vừa rồi đã xảy ra, mà lại xảy ở một khu công nghiệp vừa và nhỏ được đánh giá “khá” về công tác PCCC. Đó là vụ cháy tại Công ty TNHH Xuân An, thuộc khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, huyện Gia Lâm.

Có chứng kiến vụ hỏa hoạn xuyên đêm ấy mới thấy sự khốc liệt, dữ dội của lửa. Do chất cháy là hóa chất nên dù Phòng CS PCCC đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ, 18 xe chữa cháy với hàng chục lượt ra vào, chưa kể phương tiện và 10 xe chở téc nước của Công ty Môi trường đô thị, rồi gần 100 cán bộ, chiến sĩ CAH Gia Lâm, mà lửa vẫn không chịu thua. Hóa chất cộng nhiệt độ cao khiến toàn bộ mái tôn nhà xưởng bị sập và lửa cứ thế quần thảo bên trong. Đã vậy, thi thoảng một thùng hóa chất phát nổ, đẩy mái tôn bắn lên cao. Một trong những cán bộ chỉ huy trận đánh giặc lửa đêm ấy tâm sự, quả thực những tiếng đồng hồ đầu tiên, anh em chữa cháy đã có lúc tưởng chừng bất lực trước ngọn lửa. Xin lưu ý, đêm hôm đó trời mưa khá lớn, vậy mà...

Theo một số người dân và công nhân xung quanh khu vực cháy, đêm hôm đó, khi ngọn lửa bùng phát, 2, 3 nhân viên trực của Công ty Xuân An đã dùng bình bọt cứu chữa nhưng không dập tắt được ngọn lửa, sau đó mới báo cho lực lượng PCCC. Doanh nghiệp kinh doanh hóa chất, sao không có thiết bị phát hiện, báo cháy sớm? Sao không có phương tiện phù hợp để khống chế chất cháy là hóa chất?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, doanh nghiệp này mới được tập huấn và tự tổ chức diễn tập PCCC. Họ từng đặt ra phương án xảy cháy - chữa cháy trong đêm, đúng với… thực tế xảy ra. Phải chăng, những phương án ấy chỉ là hình thức? Bởi rõ ràng 2, 3 nhân viên ứng trực không thể làm được gì trước hiện trường vụ cháy rộng đến 1.400m2 với khoảng 100 tấn nguyên liệu, trong đó phần lớn là hóa chất sản xuất sơn.

Đồng cảm với thiệt hại của doanh nghiệp, nhưng cũng cần thiết nghiêm khắc đánh giá ý thức của họ đối với công tác PCCC. Chợt nhớ đến đánh giá của cơ quan CS PCCC, cháy tại các khu công nghiệp hàng năm chỉ chiếm khoảng 1% số vụ cháy trên địa bàn thành phố, nhưng thiệt hại về tài sản luôn chiếm áp đảo. Lẽ thường, điều mà doanh nghiệp nào cũng thấy nếu có cháy, thiệt hại với họ là rất lớn. Vậy vì sao các ban quản lý, chủ đầu tư khu công nghiệp và từng doanh nghiệp vẫn không chịu chủ động đầu tư, quan tâm đến cho công tác PCCC? Đâu là “bệnh” cháy ở những khối tài sản trị giá nhiều tỷ đồng này?

(Còn nữa)

Hoàng Quân