"Có tuổi hai mươi thành sóng nước":

Bài 1: Nằm lại với Trường Sa

ANTĐ - Các anh đã nằm lại Trường Sa ở cái tuổi hai mươi đẹp nhất của đời người. 23 năm sau, câu chuyện về những người con hy sinh khi bảo vệ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc vẫn bồi hồi, vẹn nguyên trong ký ức người thân.

Chưa từ biệt mẹ

“Đoàn nó lên đường mà chưa kịp chào tôi. Đất nước hòa bình, tôi nghĩ nó đi nghĩa vụ vài năm rồi về, ai ngờ nó hy sinh” - cụ Huỳnh Thị Kế (80 tuổi, trú tổ 27, P. Hòa Cường Nam, Đà Nẵng) nói về người con trai duy nhất, liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn.

Tuổi cao, lòng lại bồi hồi xúc động nên cụ Kế trò chuyện rất khó khăn. “Tôi nghe hàng xóm bảo trưa hôm ấy nó về lục cơm nguội ăn với cá mờm. Ăn no, nó chờ tới gần tối mà chưa thấy tôi về nên đành sang đơn vị để vào Cam Ranh ngay trong đêm. Lúc đó tôi gánh rau hành bán rong, ông nhà bốc vác thuê dưới cảng, điện thoại không có, nên trước khi lên đường, nó không kịp chào tôi một tiếng”.

Trong ký ức của người mẹ già, Đoàn là đứa to lớn vạm vỡ mà tính tình hiền như đất. Hàng xóm có việc gì nhờ Đoàn cũng nhiệt tình giúp đỡ nên bà con thương quý lắm. Thế rồi một ngày, khi vừa tròn 20 tuổi, Đoàn thình lình xin nhập ngũ. Gia đình khó khăn, neo người, nhưng cụ Kế vẫn động viên con cố gắng hoàn thành việc nước, việc nhà lo sau.

Cụ bảo: “Trong kháng chiến chống Mỹ, vợ chồng tôi ở vùng cách mạng Hòa Quý, tham gia du kích địa phương, thấu hiểu cùng tận nỗi khổ chiến tranh. Có hòa bình rồi càng phải cảnh giác từng giây, từng phút để giữ gìn, nâng niu. Suy nghĩ vậy, chúng tôi khuyên con tòng quân”.

Cụ Kế bên bàn thờ con trai là liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn.

  Cụ Kế bên bàn thờ con trai là liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn.

Nhưng có điều người mẹ không ngờ, những lời động viên ấy đã trở thành cuối cùng và mãi mãi. Cái ngày con lên đường, mẹ bận gánh rau hành tất tả mưu sinh không được gặp để động viên tiễn biệt, dặn dò... Đó cũng là cái lần đứa con ấy đã rời quê đi mãi không về. Anh vẫn còn thiếu mẹ một lời chào từ biệt. Nhưng mẹ anh không trách, bởi còn gì thiêng liêng hơn khi con mình đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu hút ở con hẻm đường Núi Thành, giữa buổi chiều tháng 7 hầm hập nóng, khóe mắt mẹ lại đỏ lệ khi nhắc đến đứa con của mình nằm lại Trường Sa. “Ở Cam Ranh trước khi ra đảo, Đoàn có gửi thư về. Nó bảo mang vật liệu xuống tàu đi xây đảo vất vả. Khổ, nhưng anh em nó đều nỗ lực, mong mỏi sớm được ra Trường Sa xây đảo”.

Đọc thư con, mẹ vừa mừng vừa thương. Mừng vì gian khổ sẽ rèn luyện cho con trưởng thành, thương bởi có người mẹ nào nỡ lòng thấy con vất vả. Mẹ thầm hứa trong lòng, khi con hoàn thành nghĩa vụ trở về, sẽ chuẩn bị bữa cơm thật thịnh soạn để bù đắp. Nhưng...

Ông Lê Văn Xuân bên những kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Xanh.Ảnh: V.T

Ông Lê Văn Xuân bên những kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Xanh.Ảnh: V.T

Ly rượu gạo cuối cùng

Trong căn nhà số 45-Nguyễn Thành Y (Đà Nẵng), ông Lê Văn Xuân (71 tuổi) bố của liệt sĩ Lê Văn Xanh bồi hồi nhớ lại: Cái đêm trước khi sang đơn vị để vào Cam Ranh, 7-8 anh em ở Hòa Cường tập trung uống rượu gạo tại nhà tui. Hồi ấy, tôi ở gần ĐÒ Xu, làm nghề chài lưới dưới sông Hàn. Thằng Xanh như anh cả trong nhóm, nói gì mấy đứa cũng nghe. Hôm uống rượu gạo ấy, tôi dặn dò bảo, tụi bay đồng hương, vào đơn vị nhớ yêu thương đùm bọc nhau. Chúng bảo, ba cứ yên tâm, ở nhà tụi con thế này huống gì khi xa quê. Nghe chúng nói vậy tôi cũng mừng, uống với mỗi đứa một ly.

Đến ly thứ 8, mệt quá, Xanh nói: Ba để con lãnh chén này. Xanh đỡ ly rượu trên tay tôi, uống xong thì chào từ biệt. Nó bảo, ba mẹ và các em cứ yên tâm, giữ gìn sức khỏe, con đi hoàn thành nghĩa vụ sẽ sớm trở về. Con là dân sông nước, bơi lội giỏi, ra đảo là sướng quá rồi, chứ đâu như mấy đứa bạn. Nói rồi, anh em nó sang đơn vị bên Sơn Trà, khởi hành vào Cam Ranh ngay trong đêm. Người cha ấy đã không ngờ, chỉ vài chục ngày sau, chén rượu gạo mà cậu con trai lãnh cho ông, nó đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển xa. Cả nhóm bạn 7 anh em chúng trên chuyến tàu ấy cũng vậy. Chén rượu gạo sao nghẹn ngào với ông suốt 23 năm qua. Bây giờ, mỗi năm tới ngày 14-3, ông lại bưng chén rượu lên cụng với từng đứa. Ông có cảm giác chúng nó vẫn quây quần đâu đây. Chúng đã nhớ lời ông dặn, thương yêu đùm bọc và cùng nằm lại bên nhau.

Ông Lê Văn Xuân bên những kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Xanh.

Ông Lê Văn Xuân bên những kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Xanh. 

Anh không về vắng một cuộc đón dâu

Bà Đặng Thị Nhung, mẹ liệt sĩ Xanh kể: Nó là anh cả trong gia đình có 8 anh em. Hồi đó vất vả, Xanh lớn nhất nhà nên học xong lớp 9 đã là trụ cột giúp cha làm nghề chài lưới mưu sinh. Cần cù, xốc vác, Xanh luôn là điểm tựa cho các em nhỏ. Không chỉ thương em, Xanh còn là đứa hào hoa, đàn ca, kể chuyện cổ tích rất hay. Đám em nhỏ trong xóm thường bu miết để được nghe anh kể chuyện.

“Ngày 14-3-1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của đối phương lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất...” - Theo Lịch sử vùng III Hải quân 1975 - 2005.

Ngày Xanh lên đường, các em nhỏ bịn rịn, ngóng mong anh sớm trở về để được nghe tiếp những câu chuyện cổ tích còn dang dở. Không chỉ các em, còn một người con gái khác cũng đang ngóng đợi anh về. Người con gái ấy tên Lan, người đã khuyên Xanh cứ lên đường lo việc nước trước rồi về tính chuyện cưới hỏi sau. Tình riêng tạm gác lại vì việc nước, ấy là bảo vệ biên cương, hải đảo.

Khi nghe tin anh hy sinh, cô gái đã khóc cạn nước mắt trong tiếc thương, trong những kỷ niệm lớp lớp hiện về như từng đợt sóng Trường Sa. Cô xin gia đình được chịu tang anh, xin được rước bàn thờ anh về nhà mình. Nhiều năm liền sau đó cô qua nhà hương khói cho anh như người con dâu. Tuy Xanh không còn trên đời, nhưng cô cảm nhận anh vẫn đâu đây, vẫn dõi theo bước chân của mình... Có lẽ vì thế cô đã quyết định xuống tóc, mang chân nhang anh nương nhờ cửa Phật. Giữa ngã rẽ lịch sử, sự hy sinh anh dũng của anh cũng chấm dứt một mối tình, để cho người ở lại những nhớ nhung, hoài niệm.

Vâng, những người con gái thủy chung một đời chờ đợi, ngóng trông người yêu đã vĩnh viễn không về. Họ sống trong nỗi nhớ, trong cô đơn vò võ, trong những hy sinh thầm lặng. Tổ quốc này có biết bao người anh dũng hy sinh và cũng có biết bao người mẹ, người chị một đời lam lũ, ngóng đợi, thủy chung. Đó cũng là những anh hùng đã làm nên đất nước anh hùng.

(còn nữa)

(*) Trích câu thơ trong bài
"Lời người bên sông" của Lê Bá Dương