Bác sĩ “uran”

(ANTĐ) - Là một bệnh nhân hiện đang mắc căn bệnh nan y chính hiệu: Ung thư, nhưng từ nhiều năm qua, đại tá, TS Lê Bảo Toàn lại là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam xây dựng ngành y học hạt nhân, dùng năng lượng nguyên tử để chẩn đoán và điều trị căn bệnh quái ác này.

Bác sĩ “uran”

(ANTĐ) - Là một bệnh nhân hiện đang mắc căn bệnh nan y chính hiệu: Ung thư, nhưng từ nhiều năm qua, đại tá, TS Lê Bảo Toàn lại là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam xây dựng ngành y học hạt nhân, dùng năng lượng nguyên tử để chẩn đoán và điều trị căn bệnh quái ác này.

Hàng chục năm công tác tại Quân y viện 103, ông đã chẩn đoán và chữa trị cho hàng trăm bệnh nhân mà nhiều người trong số đó tưởng chừng đã không còn đường sống.

ở Quân y viện 103, nhiều bệnh nhân vẫn thân mật gọi ông Toàn bằng cái tên mang đầy tính nguyên tố hóa học: Bác sĩ Uranium. Thế nhưng trong số những bệnh nhân ấy ít ai ngờ rằng chính ông bác sĩ của họ đang mắc căn bệnh ung thư vòm họng cách đây đã 12 năm. Bác sĩ Toàn bảo: “Các cụ xưa nay vẫn có câu “Sinh nghề tử nghiệp” có lẽ nó đúng với trường hợp của mình”.

Trong quá trình nghiên cứu để có được khoa y học hạt nhân như hôm nay, ông đã tiếp xúc với quá nhiều nguồn phóng xạ. Có lẽ chính vì thế mà khi biết mình mắc phải căn bệnh nan y này, ông Toàn đã không hề bị sốc. 

Ông Toàn chia sẽ kinh nghiệm bản thân sau hơn 10 năm trời “sống chung với bệnh”: “Ung thư giống như những cú hạ knock out trong quyền Anh nhà nghề. Khi đã lên sàn tuyên chiến với nó là người ta phải chấp nhận đối mặt, nếu anh chủ động chịu đòn thì sẽ trụ lại trên võ đài được lâu hơn, hậu quả sẽ ít hơn. Tôi biết sẽ có ngày hôm nay vì thế tôi đón nhận những cú knock out trong tư thế đã chủ động. Điều đó đã giúp tôi không gục ngã”.

Phải thừa nhận, Đại tá Toàn là người có tinh thần thép, bị ung thư như thế nhưng ông xem đó chỉ là một “thử thách nhỏ trong đời” và chẳng có gì... ghê gớm. Chính vì vậy bên cạnh biệt danh bác sĩ Uranium ông còn có một nick name khác thi vị không kém: Thi sĩ nguyên tử. ấy là bởi trong tủ sách của ông còn có cả chục tập thơ sáng tác ngay trong khi mắc bệnh: “Bị ung thư phải đâu đời đã hết/ Khép trần gian tìm cực lạc hư vô/ Bị ung thư phải đâu sinh lực cạn/ Mà chỉ bị thử thách bất ngờ”.

Kể lại lai lịch về các tập thơ mới sáng tác trong điều kiện bệnh tật của mình ông Toàn nhớ tới một câu chuyện: Một lần ông điều trị cho một bệnh nhân trẻ tuổi, sau khi được thông báo về tình hình bệnh tật anh này rất bi quan và về nhà luôn tìm cách tự tử.

Khuyên giải chồng mãi không được chị vợ đã đến nhờ bác sỹ Toàn khuyên nhủ. Sau khi tìm gặp bệnh nhân, bác sĩ Toàn đã tâm sự với anh rất nhiều, thậm chí có lần ông chỉ thẳng mặt bệnh nhân nói thật: “Anh dại lắm, tự tử chỉ thiệt thân thôi, vợ anh trẻ thế chắc chắn cô ta sẽ đi lấy chồng, con anh lúc đó ai nuôi?”. Tỉ tê chán ông bèn giở giất bút viết tặng anh này mấy câu thơ vui: “Nhà người khác đến ở/ Đài người khác sẽ nghe/ Xe người khác sẽ đi/… Con anh người ta đánh/ Anh bị chửi là ngu”. Vì vậy: “ốm nghĩ gần nghĩ xa/ Chẳng dại gì mà chết”.

Từ hôm được tặng mấy câu thơ ấy, anh bệnh nhân này về nhà vui vẻ, lạc quan chữa bệnh và đến hôm nay anh ta vẫn sống khỏe. Thỉnh thoảng đến viện khám bệnh là anh lại tìm gặp bác sĩ Toàn để hàn huyên và đọc lại mấy câu thơ được tặng để cả hai lại cười nghiêng ngả.

Trong suốt cuộc đời làm nghề y của mình, bác sĩ Toàn là người dành trọn đời cho phóng xạ. Để điều trị cho bệnh nhân ung thư theo phương pháp xạ trị người ta dùng chất phóng xạ được bọc kín trong một khối chì dày chỉ để hở một khe nhỏ chiếu vào khối U.

Công việc hàng ngày của ông là làm việc với các đồng vị phóng xạ hở có thể ngửi thấy. Suốt từ những năm 1970 đến nay, công việc của ông cứ lặng lẽ trôi như vậy. Khi ấy đất nước còn khó khăn, điều kiện vật chất còn nghèo nên vấn đề bảo hộ chưa đạt yêu cầu.

Dù biết trước tính chất nguy hiểm dễ bị nhiễm xạ khi làm việc trong điều kiện thiếu thốn như vậy, nhưng ông cùng các đồng nghiệp vẫn âm thầm đón nhận. Trong câu chuyện của mình, Đại tá, TS Lê Bảo Toàn nhắc đi nhắc lại: “Lạc quan là điều vô cùng cần thiết đối với người bệnh nói chung, người bị ung thư nói riêng.

Tuy nhiên, lạc quan phải trên cơ sở hiểu biết về bệnh nếu không sẽ là lạc quan tếu”. Còn nhớ trong chuyên án 027Z của Công an Hà Nội, ông Toàn là người trực tiếp điều trị cho hàng chục chiến sĩ công an bị ảnh hưởng khi phá vụ án mua bán chất phóng xạ. Và đến nay ông vẫn là người trăn trở nhiều nhất cho sức khỏe của hầu hết những người lính này.

Mặc dù bị ung thư vòm họng 12 năm, ngoài ra ông còn bị bệnh tim mạch, cao huyết áp nhưng rất nhiều người, nhất là bệnh nhân ung thư của ông đã hồ nghi: “Chắc bác Toàn nhầm thế nào chứ bị ung thư làm sao khỏe như thế được”.

Những người khám và phát hiện ra căn bệnh ung thư của ông Toàn là hai GS đầu ngành về ung thư: GS Nguyễn Bá Đức, PGS Phạm Duy Hiển, một người là Giám đốc, một người là Phó Giám đốc Bệnh viện K.

“Họ nghĩ tôi nhầm bởi trong suy nghĩ của họ, ung thư không thể sống lâu. Khổ thế” - ông Toàn lắc đầu - “Là bác sỹ dù có bệnh nhưng phải sống lâu hơn những người mắc bệnh. Phải là tấm gương về tinh thần lạc quan, tinh thần chiến đấu, thế mới xứng gọi là thầy. Tôi ung thư nhưng vẫn khỏe, vẫn sống lâu, đơn giản tôi là thấy thuốc Lê Bảo Toàn. Tôi sẽ là bằng chứng để những bệnh nhân ung thư biết những lời khuyên của tôi đối với họ không phải là phiếm, là động viên cho vui”.

Chia tay Đại tá Lê Bảo Toàn, ông không quên khoe bức thư rất cảm động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gửi khi biết ông Toàn mắc bệnh ung thư. Thư viết: “Là thầy thuốc, chiến sỹ, thầy giáo, nhà khoa học, đồng chí đã vượt mọi khó khăn, đem hết tâm đức, trí tuệ cống hiến cho ngành y và chăm sóc người bệnh.

Chúc đồng chí tiếp tục lạc quan, yêu đời, chiến thắng bệnh tật để làm việc tốt, làm thơ hay”. “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dặn dò như vậy, tôi chết làm sao được, chết hóa ra tôi lại phụ tấm lòng của Đại tướng”, ông Toàn hài hước.

Nguyễn Ngọc Phương