Bác sĩ Roberto De Castro: "Tôi nhớ những nụ cười, những giọt nước mắt của hy vọng và đợi chờ"

ANTD.VN - Là một bác sĩ phẫu thuật tiết niệu nhi hàng đầu thế giới, suốt 8 năm qua bác sĩ Roberto De Castro và đồng nghiệp từ Italy, Mỹ năm nào cũng đến Việt Nam 1-2 lần để thực hiện các ca phẫu thuật miễn phí cho những trẻ em mắc khiếm khuyết bộ phận sinh dục. 

Các bác sĩ hội chuẩn cùng nhau những ca khó

Từ những kinh nghiệm chữa trị cho cậu bé Thiện Nhân, chị Trần Mai Anh (mẹ nuôi Thiện Nhân), ông Greig Craft (nhà hảo tâm người Mỹ) cùng các đồng nghiệp tại Quỹ Phòng chống thương vong châu Á đã cùng bác sĩ Roberto Decastro thành lập chương trình thiện nguyện “Thiện Nhân và những người bạn” từ năm 2011. Kể từ đó, nhóm đã phối hợp với các bệnh viện tổ chức định kỳ khám và phẫu thuật hàng năm cho các em bé không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục hay đường tiết niệu. 

Đến thời điểm này, bác sĩ Roberto và những người bạn đã thực hiện 400 ca phẫu thuật và khám cho 1.350 trẻ em Việt Nam bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục và các dị tật tiết niệu khác. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một danh sách chờ hơn 1.000 trẻ em.

Có những em nhỏ phải phẫu thuật vài lần mới hoàn thiện, như cậu bé Thiện Nhân, Sơn “bô xanh”, hay em Quang lỡ bị chó cắn mất bộ phận sinh dục… Mỗi năm bác sĩ Roberto lại mong chờ được gặp các bệnh nhân của mình, nhìn thấy các em lớn lên, tự tin hơn và hạnh phúc.

- PV: Chào bác sĩ Roberto De Castro, những kỷ niệm nào về các em khiến bác sĩ không thể quên, và tiếp thêm động lực để hàng năm bác sĩ lại bay sang Việt Nam 1 - 2 lần thực hiện các ca phẫu thuật khó?

- Bác sĩ Roberto De Castro: Là những bác sĩ chuyên chữa trị cho các bệnh nhi, chúng tôi yêu những đứa trẻ không may mắn phải chịu đựng một cuộc sống không bình thường. Việt Nam là quốc gia với dân số trẻ và độ tuổi sinh đẻ, kết hôn chiếm phần lớn trong dân số, nên số lượng bệnh nhân rất nhiều. Họ đến từ các vùng miền xa xôi và đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Chúng tôi luôn được các bạn bè đồng nghiệp Việt Nam chia sẻ về hoàn cảnh của bệnh nhân để đưa ra những kế hoạch phù hợp với điều kiện địa lý và kinh tế của gia đình.

“Tôi nhớ những nụ cười và cả những giọt nước mắt của hy vọng và đợi chờ, tôi nhớ những ánh mắt của sự cầu khẩn và tôi nhớ tiếng chào bác sĩ Roberto của từng em bé. Chúng tôi may mắn được quay trở lại, được tiếp tục giúp đỡ các em. Đây quả là một dấu mốc đáng nhớ trong nghề nghiệp của tôi”.

Bác sĩ Roberto De Castro

Chương trình phải gây quỹ để hỗ trợ viện phí, chi phí sinh hoạt cũng như thuốc men. Tôi nhớ những nụ cười và cả những giọt nước mắt của hy vọng và đợi chờ, tôi nhớ những ánh mắt của sự cầu khẩn và tôi nhớ tiếng chào bác sĩ Roberto của từng em bé. Chúng tôi may mắn được quay trở lại, được tiếp tục giúp đỡ các em. Đây quả là một dấu mốc đáng nhớ trong nghề nghiệp của tôi. 

- Các tổ chức thiện nguyện ở Italy hay Mỹ có các hoạt động nhân văn như chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” không?

- Ở Italy hầu hết các em bé đều được điều trị tại bệnh viện công, những gia đình có điều kiện sẽ điều trị tại bệnh viện tư nhân. Ở những nơi tôi đã từng đến tham gia phẫu thuật đều có những tổ chức hoạt động tình nguyện. Ví dụ trước khi sang Việt Nam, tôi đã điều trị một ca tái tạo bộ phận sinh dục cho em bé Bangladesh và những tổ chức ở Italy đã giúp quyên góp cho trường hợp này do gia đình em không thể chi trả được viện phí. Tại Việt Nam, tôi được tiếp xúc với những cá nhân, tổ chức tài trợ cho chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”. Thực sự tôi rất cảm kích những sự chia sẻ này và cảm thấy Việt Nam như là ngôi nhà thứ hai vậy. 

Bác sĩ Roberto De Castro, ông Greig Craft, và các đồng nghiệp từ Italy, Mỹ

- Hiện tại chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” có những khó khăn về mặt tài chính hơn hay là chuyên môn hơn, thưa ông?

- Chúng tôi luôn có những bác sí phẫu thuật sẵn sàng sang Việt Nam tham gia cùng chương trình nhưng để sắp xếp 3 tuần làm việc quả thực là khó khăn. Ngoài ra, số giường bệnh cũng như cơ sở vật chất của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực và sự chủ động của các bác sĩ Việt Nam. Chúng tôi luôn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hội chẩn cùng nhau những ca khó. Tôi rất cảm phục nỗ lực của các bác sĩ Việt Nam. 

Về mặt tài chính, đồng sáng lập là ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cũng như mẹ Thiện Nhân, nhà báo Trần Mai Anh luôn nỗ lực huy động đủ tài chính hàng năm để chúng tôi có thể qua tiếp tục các ca mổ còn dang dở. Chúng tôi cũng nỗ lực huy động từ Italy dù không đóng góp được nhiều. Greig và Mai Anh đã dành nhiều thời gian để đảm bảo cho sự bền vững và ổn định của chương trình. 

- Xin cảm ơn bác sĩ!