Bắc nhịp cầu để đưa ý tưởng sáng tạo ra thực tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sở hữu nguồn lực văn hóa dồi dào với hệ thống di tích, làng nghề dày đặc cùng dân số vàng, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các cam kết với UNESCO trong xây dựng “Thành phố sáng tạo”. Các cuộc thi liên tiếp được phát động nhằm tạo ra sân chơi và khuyến khích người trẻ đề xuất các ý tưởng làm đẹp, thiết kế không gian công cộng, đóng góp sức mình để tạo nên mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ. Tuy nhiên, từ ý tưởng bước ra thực tế lại là câu chuyện không ít khó khăn.

Tài nguyên sáng tạo bị bỏ phí

Mỗi năm, các trường đào tạo trong lĩnh vực thiết kế như Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng… đào tạo hàng nghìn cử nhân. Tương ứng với số lượng sinh viên ra trường là hàng nghìn bài tốt nghiệp với các ý tưởng được đưa ra - một con số rất lớn để những người làm công việc xây dựng mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ đặt niềm tin. Tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp, với 2.000 sinh viên, hàng năm trường có hơn 8.000 tác phẩm mỹ thuật ứng dụng với các ngành nghề và chủ đề khác nhau. Dù vậy, rất ít ý tưởng được bước ra thực tế.

Hàng năm có nhiều doanh nghiệp tới trường tổ chức các buổi talkshow nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực và cam kết có chế độ hỗ trợ đào tạo chuyên môn nhưng chưa để lại nhiều dấu ấn. Vì doanh nghiệp chưa có đủ thời gian trực tiếp quan sát, đánh giá các sản phẩm ứng dụng của sinh viên nên khi ra trường họ vẫn tự bươn chải, tìm kiếm việc làm, thay vì được đầu tư tài chính và cơ sở vật chất để phát triển các ý tưởng sáng tạo lên tầm cao mới, ứng dụng trong thực tế.

Mẫu thiết kế sáng tạo của sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp

Mẫu thiết kế sáng tạo của sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp

Hoàng Thanh Thảo - sinh viên Khoa Thời trang (Đại học Mỹ thuật công nghiệp) cho biết, bài tốt nghiệp của sinh viên tốn nhiều công sức và thời gian từ khi có ý tưởng đến khi thể hiện trên bản thiết kế. Nhưng cả tháng trời trưng bày đồ án tốt nghiệp cũng chỉ có sinh viên, thầy cô và giới trong nghề xem là chính, không thấy doanh nghiệp nào quan tâm hay có ý định đưa ý tưởng vào sản xuất. Điều vô lý là, trong khi nguồn ý tưởng đa dạng và mới mẻ của sinh viên không được sử dụng hoặc tư vấn để chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn thì các hiệp hội làng nghề lại than trời vì thiếu ý tưởng cho những sản phẩm mới.

Việc nhấn mạnh vào các hoạt động giáo dục, tương tác, hỗ trợ trong kế hoạch hành động là hướng đi đúng đắn, giúp Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là nền tảng để nâng đỡ, khai mở, làm giàu thêm các tài nguyên, từng bước đưa Thủ đô trở thành kinh đô sáng tạo tại Đông Nam Á.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội chia sẻ, khi mang sản phẩm trong nước tới các hội chợ quốc tế, điều đầu tiên các nhà tổ chức hỏi là: “Lần này sản phẩm của Việt Nam có gì mới?”. “Mây tre đan, đồ gốm sứ bao năm qua luôn cố gắng đổi mới để làm phong phú nguồn mẫu mã sản phẩm. Hầu hết làng nghề thủ công mỹ nghệ đang thiếu một nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn và dự đoán chính xác về thị hiếu mẫu, hoa văn. Hơn nữa, nghệ nhân làng nghề mới chỉ là thợ khéo tay, chứ họ chưa phải nhà thiết kế mẫu. Chúng tôi luôn mong muốn phối hợp với nhà trường, đưa các em sinh viên tới các làng nghề, phối hợp với các nghệ nhân hiện thực hóa các ý tưởng thiết kế” - bà Hà Thị Vinh nói.

Tạo làn gió nâng đỡ những cánh diều

Những thực tế trên cho thấy các vấn đề đang tồn tại trong việc thúc đẩy xây dựng và phát triển mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ của Hà Nội. Và giải pháp bức thiết là cần một “chiếc cầu” nối ý tưởng của giới trẻ tới doanh nghiệp sản xuất. Nếu không, ý tưởng có hay đến mấy mà không được hiện thực hóa sẽ là một sự lãng phí lớn. Để làm được việc này, theo ý kiến của giới chuyên môn, UBND TP Hà Nội cần đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn ý tưởng sáng tạo của đội ngũ thiết kế trẻ và biến chúng thành các sản phẩm có tính ứng dụng trong cuộc sống. Cụ thể đó là các chính sách giảm thuế, cho vay vốn ở mức ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực thiết kế.

Bên cạnh đó, thành phố cần tổ chức các hoạt động giúp đội ngũ sáng tạo đưa ý tưởng tới công chúng. Đó là các hoạt động trưng bày, triển lãm tại các không gian nghệ thuật thu hút đông khách du lịch. Việc giới thiệu ý tưởng đóng vai trò quan trọng và là bước đi đầu tiên để đội ngũ sáng tạo tiếp cận với nhà sản xuất. Khi có đầu ra cho ý tưởng sẽ động viên, khích lệ giới trẻ tìm tòi nhiều hơn, khai thác nguồn lực văn hóa dồi dào của ông cha cho những thiết kế, sáng tạo mới mẻ, bổ sung cho các sản phẩm đã cũ, quen mắt bằng các sản phẩm trẻ trung, giàu sức sáng tạo. Với việc kinh doanh tạo nguồn thu từ những sản phẩm như thế, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển nền công nghiệp văn hóa mới ở mức sơ khai, thu ngân sách và đóng góp GDP cho đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội từng đánh giá, việc thành phố nhấn mạnh vào các hoạt động giáo dục, tương tác, hỗ trợ trong kế hoạch hành động là hướng đi đúng đắn, giúp Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là nền tảng để nâng đỡ, khai mở, làm giàu thêm các tài nguyên, từng bước đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo tại Đông Nam Á. Những kế hoạch này cần được triển khai nhanh chóng, đồng bộ với một ban điều phối trực thuộc thành phố để có báo cáo kết quả đầu tiên vào năm 2023 tới UNESCO.