8 loại tên lửa Nga giúp quân đội Trung Quốc vươn lên tầm thế giới (Kỳ 4)

Bắc Kinh từng mua 1500 quả tên lửa R-77

ANTĐ - Ngoài các hệ thống tên lửa phòng không chiến lược, Trung Quốc cũng tiếp tục đặt mua các hệ thống tên lửa phòng không dã chiến, đồng thời ồ ạt nhập về các loại tên lửa không đối không hiện đại của Nga nhằm mổ xẻ, mô phỏng các loại tên lửa này.

Hệ thống tên lửa phòng không dã chiến hàng đầu thế giới Tor-M1

Tor-M1 là hệ thống tên lửa phòng không dã chiến tự động tích hợp trên 1 xe chở - phóng. Loại xe này áp dụng mô hình phóng thẳng đứng, có tính năng cơ động cao và khả năng tác chiến cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống phòng không Tor-M1 bao gồm 1 radar sục sạo mục tiêu, 1 trạm điều khiển và hệ thống phóng tên lửa đặt trên một khung gầm xe việt dã.

Toàn bộ các yếu tố cấu thành lên hệ thống phòng không này, bao gồm: radar tìm kiếm mục tiêu, hệ thống antena của trạm điều khiển, thiết bị ngắm chuẩn kiểu quang-điện và 2 modul phóng tên lửa (8 quả) được tích hợp trên một sàn xoay 360 độ lắp trên khung gầm xe. Tất cả các thiết bị điều khiển, hiển thị khác cũng đều được lắp đặt ngay trên khung gầm xe với một thiết kế tối ưu.

Bắc Kinh từng mua 1500 quả tên lửa R-77 ảnh 1

Hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ-12 (HQ-12) của Trung Quốc

Trên xe có 2 modul phóng, mỗi modul gồm 1 ống nâng-phóng và 4 quả tên lửa 9M331. Động cơ đẩy của tên lửa này sử dụng nhiên liện rắn, 2 tầng, 1 buồng đốt; tên lửa được điều khiển bằng chỉ lệnh vô tuyến điện. Hệ thống radar sục sạo có thể đồng thời theo dõi 9 mục tiêu và một nguồn nhiễu chủ động để đưa ra các chỉ thị cho radar điều khiển hỏa lực.

Ngoài ra, trạm điều khiển cũng được lắp đặt một radar mảng pha để tìm kiếm và theo dõi bổ sung 1-2 mục tiêu nữa, đồng thời tự động lựa chọn, đưa ra chỉ lệnh phóng, dẫn đường cho 2 tên lửa tấn công đồng loạt vào 1 mục tiêu hoặc phân hướng tiêu diệt 2 mục tiêu cùng một thời điểm. Hệ thống ngắm chuẩn quang học-điện tử có thể hiển thị và đo đạc các mục tiêu bay trong phạm vi 21 km, nâng cao khả năng theo dõi các mục tiêu tầm thấp và rất thấp.

Bắc Kinh từng mua 1500 quả tên lửa R-77 ảnh 2

Hệ thống tên lửa phòng không dã chiến HQ-17 Trung Quốc

Năm 1997, Trung Quốc đã đặt mua của Nga 5 hệ thống phòng không tự hành Tor-M1 và 120 quả tên lửa 9M331. Tiếp theo vào năm 2002, Trung Quốc đưa ra đề nghị hấp dẫn với Nga là hợp tác sản xuất 160 hệ thống Tor-M1, tuy nhiên Nga đã trả lời dứt khoát là không chuyển giao dây chuyền sản xuất. Đề nghị này tiếp tục được đem ra bàn bạc trong những năm tiếp theo.

Đến năm 2006, Trung Quốc đã thuyết phục được Nga ký hiệp định chuyển giao công nghệ và nhanh chóng bắt tay vào sản xuất phiên bản quốc nội của Tor-M1 là hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ-17 (HQ-17). Đến năm 2012, loại tên lửa này đã chính thức được biên chế trong quân đội nước này. Hiện nay, Tor-M1 và HQ-17 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không dã chiến hiện đại nhất trên thế giới.

Bắc Kinh từng mua 1500 quả tên lửa R-77 ảnh 3

Hệ thống tên lửa phòng không dã chiến Tor-M1

Ngoài ra, loại tên lửa phòng không Hồng Kỳ-2 (HQ-2) của Trung Quốc cũng là phiên bản copy của tên lửa SA-2 Guideline của Nga. Còn hệ thống tên lửa HQ-12, với phiên bản xuất khẩu được gọi là KaiShan 1A (hay KS-1A), là một hệ thống tên lửa tầm trung và tầm xa, được coi là mô phỏng một phần hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1 nhưng với trình độ công nghệ kém hơn rất nhiều.

Tên lửa không đối không tầm trung R-77

Các máy bay Su-27 và Su-30 Trung Quốc vẫn đang sử dụng 2 loại tên lửa đối không tầm trung dẫn đường bằng radar bán chủ động R-27P1 và R-27P1F, tên lửa tầm trung dẫn đường bằng radar chủ động R-77, tên lửa tầm trung dẫn đường hồng ngoại R-27T và loại tên lửa tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại R-73 nhập khẩu từ Nga.

Bắc Kinh từng mua 1500 quả tên lửa R-77 ảnh 4

Tên lửa không đối không tầm trung R-77

R-77 là loại trên lửa không đối không tầm trung, dẫn đường bằng radar chủ động, NATO gọi là AA-12 Adder do Cục thiết kế Vympel của Liên Xô chế tạo. Mục đích đầu tiên của Liên Xô khi nghiên cứu, phát triển loại tên lửa này là nhằm đối phó với loại tên lửa không đối không tiên tiến AIM-120 của Mỹ.

Sự giải thể của Liên Xô đã giáng một đòn mạnh vào tất cả các chương trình phát triển vũ khí nên kế hoạch phát triển R-77 cũng bị đình đốn một thời gian dài. Đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, chương trình mới được nối lại sau khi nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ một đối tác nước ngoài. Đến khi đó, R-77 mới định hình hoàn chỉnh mẫu thiết kế.

Bắc Kinh từng mua 1500 quả tên lửa R-77 ảnh 5

Tên lửa không đối không tầm trung R-27

Theo các phương tiện truyền thông Nga, ngay từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, R-77 đã được thiết kế với mô hình bắn-quên. Đầu tiên nó được sản xuất tại nhà máy Artem của Ukraine, sau khi Liên Xô giải thể, dự án được bàn giao về cho Cục thiết kế Vympel của Nga tự nghiên cứu và sản xuất phiên bản xuất khẩu. Đến giai đoạn này, tên lửa R-77 được trao mật hiệu là RVV-AE, sử dụng đầu tự dẫn loại cải tiến mới nhất.

Sau khi sản xuất hàng loạt, R-77 đã trở thành loại vũ khí chiến đấu không thể thiếu trên các máy bay tiêm kích Su-27, MiG-29 và các phiên bản cải tiến tiếp theo của chúng trong không quân Nga, đồng thời trở thành sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của Tổng công ty vũ khí tên lửa chiến thuật Nga.

Bắc Kinh từng mua 1500 quả tên lửa R-77 ảnh 6

Tên lửa tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại R-73

Bán tên lửa R-77 ra nước ngoài đã giúp Nga thu về nguồn ngoại tệ rất lớn, trong đó chỉ riêng Trung Quốc đã mua khoảng 1.500 quả, Ấn Độ cũng mua ít nhất 800 quả, hiện nay, 2 khách hàng lớn này vẫn đang tiếp tục mua. Ngoài ra, R-77 cũng được bán cho nhiều nước với số lượng nhỏ. Những nguồn thu này được Nga tiếp tục tái đầu tư nghiên cứu các thế hệ tên lửa tiên tiến hơn.

Ngoài ra, đi kèm theo các lô máy bay Su-27 và Su-30 của Nga bán cho Trung Quốc là các loại tên lửa không đối không tầm gần, tầm trung khác như R-27, R-73…, chúng đã giúp các máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc có khả năng không chiến rất mạnh, đóng vai trò quan trọng trong loại hình tác chiến kiểm soát không phận.

Nhờ mổ xẻ những loại tên lửa này, Trung Quốc đã phát triển thêm hàng loạt các phiên bản tên lửa không đối không tầm trung - xa tiên tiến như PL-12, PL-13… Trong đó loại sau vừa được công khai cuối năm 2013 với một số tính năng rất mạnh, ví dụ như vận tốc có thể lên tới Mach5, vượt qua cả vận tốc của tên lửa nhanh nhất thế giới hiện nay là BrahMos - sản phẩm liên hợp giữa Nga và Ấn Độ.