“Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam” - tất cả mục đích đều hướng về nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhân dịp chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tập sách “Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam” được tái bản có sửa chữa hoàn thiện để phục vụ bạn đọc.

Tập sách chứa những câu chuyện lịch sử chính thống, giúp bạn đọc không chỉ tìm hiểu về những ngày đầu của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 mà còn thấu hiểu một quá trình dài mà Bác Hồ đã xây dựng nền Cộng hòa tự do, dân chủ của nước ta như: “Những quyết định từ Tân Trào” (1945); “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ đoàn kết”; “Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử ở phố Hàng Vôi, Hà Nội (ngày 6-1-1946)”, “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”, “Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử tại Hà Nội, năm 1960

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử tại Hà Nội, năm 1960

Bác trả lời cử tri ngoại thành Hà Nội

Đặc biệt trong sách thuật lại nhiều câu chuyện thú vị như thư của Bác Hồ trả lời cử tri và đồng bào ngoại thành Hà Nội trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1946. Chuyện là trước ngày bầu cử, danh sách giới thiệu đại biểu tại nội thành Hà Nội có tên Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thấy vậy, 118 vị Chủ tịch các Ủy ban nhân dân và tất cả giới đại biểu làng xã ngoại thành Hà Nội gửi một bản kiến nghị lên Hội đồng Bầu cử Trung ương với nội dung: “Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì cụ được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Đáp lại nguyện vọng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh liền gửi thư trả lời cử tri và đồng bào như sau: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội”.

Tác phẩm “Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam” ấn bản tháng 5-2021

Tác phẩm “Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam” ấn bản tháng 5-2021

“Cảm ơn toàn thể đồng bào Thủ đô Hà Nội đã đề nghị tôi ra ứng cử”

Một chuyện khác trong sách là tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa II năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị phân công ra ứng cử tại đơn vị bầu cử ở Thủ đô theo yêu cầu của nhân dân và đề nghị của Thành ủy Hà Nội. Ngày 4-4-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn đồng bào Hà Nội. Người viết: “Tôi rất cảm ơn toàn thể đồng bào Thủ đô Hà Nội đã đề nghị tôi ra ứng cử ở Thủ đô trong cuộc tổng tuyển cử Quốc hội khóa II. Tôi xin báo để đồng bào biết rằng, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đồng ý để tôi ứng cử tại Hà Nội (khu Ba Đình). Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội là một sự kiện chính trị rất quan trọng của chế độ dân chủ ta. Mong toàn thể đồng bào hăng hái tham gia hoạt động, làm cho cuộc Tổng tuyển cử này đại thắng lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các đại biểu Hội đồng nhân dân khóa đầu tiên của Hà Nội ngày 4-1-1958

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các đại biểu Hội đồng nhân dân khóa đầu tiên của Hà Nội ngày 4-1-1958

Ngày 27-4-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khu phố Ba Đình khóa V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội

Ngày 27-4-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khu phố Ba Đình khóa V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội

“Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào”

Trước ngày bầu cử Quốc hội khóa II, thành phố Hà Nội tổ chức buổi tiếp xúc ứng cử viên với đại biểu nhân dân Thủ đô tại Nhà hát Lớn, diễn ra vào tối ngày 24-4-1960. Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện thân mật. Người nói với đồng bào về quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý. Nó là một dấu hiệu xác nhận rằng, nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Nhân dân ta đã đấu tranh lâu dài và anh dũng, đã hy sinh biết bao xương máu trong cách mạng và trong kháng chiến mới giành được và giữ được quyền dùng lá phiếu ấy. Vì vậy, đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, đồng bào cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình, tức là phải nhắc nhủ nhau hăng hái đi bỏ phiếu ngày tổng tuyển cử” .