ASEAN là tâm điểm tăng trưởng của thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ rơi vào suy thoái do phải hứng chịu đồng thời nhiều thách thức, khủng hoảng đan xen như an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, ách tắc chuỗi cung ứng toàn cầu... Trong bức tranh không mấy sáng sủa đó, ASEAN nổi lên như một điểm sáng, tâm điểm của kinh tế thế giới.
ASEAN với tốc độ tăng trưởng nhanh là điểm sáng của kinh tế toàn cầu

ASEAN với tốc độ tăng trưởng nhanh là điểm sáng của kinh tế toàn cầu

Điểm sáng tăng trưởng toàn cầu

Với những cải cách liên tục cùng bước phát triển đột phá trong những năm gần đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được cộng đồng quốc tế đánh giá là một tổ chức khu vực thành công nhất thế giới. Kể cả khi kinh tế toàn cầu liên tiếp hứng chịu những khó khăn và khủng hoảng như đại dịch Covid-19 xuất hiện từ năm 2020 đến nay, đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu và mới đây là cuộc khủng hoảng “kép” về an ninh năng lượng và an ninh lương thực… ASEAN tiếp tục khẳng định sự thành công của mình khi vẫn đạt được những thành quả kinh tế đáng tự hào.

Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2022, Việt Nam, Philippines và Malaysia là những nền kinh tế dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong ASEAN với dự báo đều tăng GDP hơn 6%. Định chế tài chính này cho rằng, đây cũng là 3 nền kinh tế năng động nhất trong ASEAN. Tiếp theo, Campuchia và Indonesia có tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 dự báo khoảng 5%; trong khi Singapore, Thái Lan, Lào và Myanmar đều được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 3%. Phần lớn tăng trưởng này là nhờ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, sự phục hồi của nhu cầu trong nước và đầu tư, sự phát triển đô thị diễn ra khắp khu vực, ngành du lịch phục hồi nhanh sau khi các hạn chế đi lại được gỡ bỏ. Khu vực thu hút được các ngành sản xuất do chi phí tương đối thấp.

Các định chế tài chính quốc tế và khu vực cho rằng, thương mại và đầu tư nội khối tăng mạnh chính là yếu tố bảo vệ ASEAN phần nào trước các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong ngắn hạn, ASEAN vẫn có vùng đệm để đối phó với bất kỳ cuộc suy thoái quốc tế nào sắp tới. Hầu hết các nhà phân tích kinh tế tin rằng ASEAN sẽ vẫn phát triển trong năm tới.

Tại châu Á, các nền kinh tế lớn và tăng trưởng khá cao lâu nay, ngoài Ấn Độ tiếp tục giữ được “phong độ” thì kinh tế Trung Quốc giảm tốc rõ rệt. Kinh tế Ấn Độ, theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cuối tháng 11 này, sẽ tăng trưởng 6,6% năm nay và 5,7% năm tới. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng kém ấn tượng hơn (tăng 4,6% năm 2023 so với 3,3% năm 2022) do tác động của chính sách không khoan nhượng với Covid-19, khủng hoảng bất động sản…

Theo đánh giá của WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng; còn Mỹ rối loạn kinh tế vì giá xăng dầu tăng cao và châu Âu ngày càng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng năng lượng khiến các ngành sản xuất của Liên minh châu Âu (EU) bị đe dọa. Từ những kết quả ghi nhận trên toàn cầu, WB và IMF cùng có chung nhận định rằng, Trung Quốc không còn là động lực tăng trưởng của châu Á mà vai trò này hiện nay đã dịch chuyển sang ASEAN và Ấn Độ.

Theo giới chuyên gia quốc tế, trong bối cảnh thế giới đối diện với những thách thức lịch sử, việc ASEAN vẫn giữ được tăng trưởng có thể khẳng định là một thành quả đáng tự hào. Một trong những điểm nhấn, đó là trong 2 năm 2020 và 2021 phải áp dụng những biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa nhiều lĩnh vực sản xuất, nhưng hầu như không để lại hệ lụy, hậu quả đáng kể nào đối với các nền kinh tế thành viên ASEAN. Đáng chú ý, Việt Nam được xem là điểm sáng nhất trong tâm điểm tăng trưởng ASEAN với dự báo tăng trưởng cao nhất khu vực, lên tới hơn 8% trong năm 2022, theo nhận định của Quỹ đầu tư Dragon Capital. Chủ tịch điều hành Quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng, đây là mức cao hiếm thấy trong bối cảnh 2022 là năm đặc biệt khó khăn không chỉ với Việt Nam mà trên toàn cầu.

Nền tảng vững chắc cho thành quả

Trở thành điểm sáng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trước hết là sự thích ứng nhanh, linh hoạt cùng các giải pháp đúng đắn để vượt qua khó khăn và thách thức, song quan trọng nhất đó chính là thành quả của nỗ lực trong thời gian dài của cả Hiệp hội cũng như mỗi thành viên ASEAN. Nhìn nhận về thành tựu nỗi bật của ASEAN trong 55 năm qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, ASEAN đã có những bước tiến vượt bậc. Từ một tổ chức ra đời trong nghi kỵ, đối đầu ở Đông Nam Á, ASEAN nay đã trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới trên 3 phương diện.

Trước hết, ASEAN đã xây dựng và duy trì được môi trường khu vực hòa bình, ổn định và an ninh trong nhiều thập kỷ. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN. Thứ hai, ASEAN hiện nay là một cộng đồng với mức độ hợp tác, liên kết ngày càng sâu rộng trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội; trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới với GDP khoảng 3.300 tỷ USD (năm 2021) và là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho khoảng 680 triệu dân. Cuối cùng, ASEAN là một tổ chức có uy tín và vị thế ngày càng cao, có quan hệ đối ngoại rộng mở, đóng vai trò trung tâm trong khu vực, được các đối tác, trong đó có tất cả các nước lớn, coi trọng, tăng cường hợp tác.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, đây là nền tảng để ASEAN tiếp tục xây dựng cộng đồng, hiện thực hóa Tầm nhìn 2025 và tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Nêu bật những nhiệm vụ trọng tâm khi nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN trung tuần tháng 11 này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nêu rõ, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Indonesia sẽ thúc đẩy các vấn đề của Hiệp hội với trọng tâm là tăng trưởng kinh tế.

Tổng thống Indonesia tin tưởng, ASEAN sẽ trở thành một khu vực ổn định, hòa bình, điểm neo của ổn định thế giới. Về kinh tế, ASEAN sẽ nỗ lực để trở thành khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh, bao trùm và bền vững. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng sẽ biết đến ASEAN, với những giá trị về nhân văn và dân chủ. Tổng thống Indonessia cũng đề cập tới nâng cao năng lực của các thể chế ASEAN, coi đây là biện pháp để giải quyết những thách thức trong 20 năm tới với Hiệp hội. Đến năm 2045, ASEAN sẽ trở nên thích ứng, nhạy bén và cạnh tranh hơn. Chủ tịch ASEAN đương nhiệm nhấn mạnh, tất cả những điều này phải được thực hiện theo cách của ASEAN, phù hợp với tinh thần hợp tác và thực hiện đầy đủ Hiến chương ASEAN.

Việt Nam với những nỗ lực của mình đã có đóng góp xứng đáng vào thành quả chung của ASEAN. Trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồi tháng 10 vừa qua, bà Era Dabla-Norris - Trợ lý Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về Việt Nam - nêu rõ, điều khiến chúng tôi ngưỡng mộ nhất về đất nước và con người Việt Nam là sự quyết tâm và kiên định với mục tiêu của mình. Đó là những mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế… Chính điều đó, theo nhận định của bà Era Dabla-Norris, đã tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, giúp các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam.