Kinh tế thế giới đang mất đi động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa đưa ra dự báo ảm đạm rằng kinh tế thế giới đang mất đi động lực tăng trưởng do các cuộc xung đột, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, niềm tin của người tiêu dùng suy giảm…

Gam màu xám bao phủ hầu hết các nền kinh tế lớn

Theo OECD, gam màu xám chủ đạo sẽ bao phủ hầu hết các nền kinh tế lớn vào năm 2023, trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,1% trong năm 2022 còn 2,2% vào năm sau do lạm phát cao, trước khi phục hồi nhẹ và tăng 2,7% trong năm 2024. Dù OECD không nói đến kịch bản suy thoái, dự báo của tổ chức này vẫn bi quan hơn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tháng 10 vừa rồi, IMF cho rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% năm nay và 2,7% năm tới.

Tăng trưởng thế giới sẽ “phụ thuộc” vào các nền kinh tế lớn ở châu Á

Tăng trưởng thế giới sẽ “phụ thuộc” vào các nền kinh tế lớn ở châu Á

Với các nền kinh tế phát triển, dự báo mới nhất của OECD cho thấy tăng trưởng trong năm tới sẽ chậm lại. Tại Mỹ, dù tăng trưởng GDP quý III-2022 đạt 2,6%, qua đó chấm dứt 2 quý tăng trưởng âm trước đó, nhưng triển vọng vẫn chưa hết u ám. Đáng chú ý, OECD dự báo động thái tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng không đáng kể trong 2 năm tới (0,5% năm 2023 và 1% năm 2024). Con số này trong năm nay là 1,8%, giảm mạnh so với mức 5,9% vào năm 2021.

Với 19 quốc gia châu Âu sử dụng đồng euro, dự báo của OECD cũng không mấy tươi sáng. Chịu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, khu vực đồng euro sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023, trước khi con số này tăng nhẹ lên 1,4% một năm sau đó.

Trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), OECD đưa ra đánh giá bi quan nhất về Anh với dự báo Xứ sở Sương mù sẽ trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng chậm nhất G-20 trong hai năm tới, cụ thể là xuống mức suy thoái -0,4% năm 2023 trước khi nhích lên 0,2% năm 2024. Ngoài giảm tốc mạnh, nền kinh tế Anh còn đang rơi vào vòng xoáy nợ công cao. Theo số liệu của Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS), tổng nợ công của Anh đã tăng lên gần 2.460 tỷ bảng Anh (tương đương 97,5% GDP) do các chương trình chi tiêu khẩn cấp cho đại dịch Covid-19 trong khi nguồn thu từ thuế giảm.

Đức cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự Anh. Chính phủ Đức có nguy cơ phải gánh nhiều khoản nợ hơn dự kiến trong năm 2023 do cần nguồn lực tài chính để đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng đang đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào tình trạng suy thoái và bất ổn nghiêm trọng. Chính phủ Đức dự báo khoản vay ròng mới trong năm 2023 sẽ lên tới 45,6 tỷ euro, cao gấp 2,5 lần so ước tính ban đầu là 17,2 tỷ euro.

Theo The Economist, toàn cầu đã phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế suy giảm để kìm lạm phát nhưng lạm phát vẫn rất “cứng đầu”. Lạm phát của Nhóm G-20 sẽ đạt mức 8% trong quý IV-2022 trước khi giảm xuống 5,5% vào năm 2023 và 2024. Đối với các nền kinh tế phát triển, lạm phát vẫn ở mức trên 9% trong năm nay trước khi giảm xuống còn 6,6% năm 2023.

Bloomberg Economics thì đưa ra viễn cảnh không mấy lạc quan khi cho rằng lịch sử cho thấy, các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Cùng với đó, giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng, trong khi chính sách chống dịch cứng rắn và thị trường bất động sản gặp khó khiến kinh tế Trung Quốc nguy cơ giảm tốc. Trong một kịch bản cực đoan khi tất cả điều đó có thể xảy ra cùng lúc, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ bốc hơi khoảng 5.000 tỷ USD.

Tăng trưởng thế giới sẽ phụ thuộc vào các nền kinh tế châu Á

Ở chiều ngược lại, OECD xem châu Á là động lực tăng trưởng chính của thế giới trong 2 năm 2023 và 2024. Riêng trong năm tới, tăng trưởng thế giới sẽ “phụ thuộc mạnh mẽ” vào các nền kinh tế lớn ở châu Á giữa lúc châu Âu và châu Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng sụt giảm.

Theo dự báo của OECD, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,6% năm nay và 5,7% năm tới. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo có mức tăng trưởng kém ấn tượng hơn (3,3% năm 2022 và 4,6% năm 2023) do tác động của chính sách không khoan nhượng với Covid-19, khủng hoảng bất động sản… Còn theo IMF, dù chịu tác hại nặng nề do đại dịch vào năm 2020, GDP giảm 7,6%, nhưng kinh tế Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021 (8,7%). Theo dự báo của IMF đưa ra hồi tháng 10, mức tăng trưởng của Ấn Độ trong năm nay là 6,8%.

Đáng chú ý là “Hiệu ứng bắt kịp”, thuật ngữ chỉ các nền kinh tế nghèo hơn có xu hướng phát triển nhanh hơn và bắt kịp các nước giàu hơn, vẫn tiếp diễn trong năm 2022. Ngân hàng Thế giới (WB) nhắc lại rằng kinh tế Đông Nam Á đã bị tác động mạnh do đại dịch trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, cuối năm 2021, Indonesia và Malaysia đã khôi phục lại được mức GDP như trước khủng hoảng. Năm nay, Philippines, Thái Lan và Campuchia cũng đang đạt được điều này. Riêng Việt Nam thì duy trì được mức tăng trưởng nhẹ trong năm 2020 và 2021, và đến năm nay thì quay trở lại mức tăng trưởng cao lịch sử.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức. Theo Báo cáo “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022: Những rủi ro từ bên ngoài” của nhóm Nghiên cứu Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, một số rủi ro lớn nhất hiện nay có thể làm thay đổi xu thế tăng trưởng và khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tác động có thể kéo dài sang 2023 gồm: Cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài và khủng hoảng năng lượng tại Liên minh châu Âu (EU), chính sách “Zero Covid” và suy giảm tăng trưởng tại Trung Quốc, tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, chính sách tăng lãi suất của Mỹ và phản ứng của các đồng tiền lớn khác, vòng xoáy lạm phát và nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế lớn.

Theo các nhà kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng xấu đi, kinh tế Việt Nam cũng không thể khác được. Trong một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, đồ gỗ, thủy sản…, xuất hiện tình trạng thiếu đơn hàng và sụt giảm doanh thu. Xuất khẩu dù vẫn đang tăng 15,9%, song mức tăng này đang thấp dần. Nguyên nhân là suy thoái và giảm tăng trưởng tại Mỹ, EU, Trung Quốc và nhiều nước phát triển là đối tác quan trọng ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 170.000 nhưng con số rút khỏi là 120.000. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Với các yếu tố tác động, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo 2 kịch bản. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6 - 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.