Điểm sáng trong nền kinh tế thế giới và nỗ lực vươn mình của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2023, châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vẫn là một “điểm sáng”.

Ba “cơn gió ngược” với nền kinh tế thế giới

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho hay, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở châu Á vào đầu năm 2022 đã mất đà do 3 “cơn gió ngược” là lãi suất tăng, xung đột Nga - Ukraine và tác động của hoạt động kinh tế trầm lắng của Trung Quốc do tác động của chính sách “Zero Covid”. Dưới những tác động tiêu cực đó, IMF dự đoán tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ ở mức 4% trong năm 2022 và 4,3% vào năm 2023.

Dù không ở mức cao nhưng dự báo của IMF dành cho châu Á vẫn cao hơn so với mức toàn cầu, châu Âu và Mỹ. Ông Taosha Wang - Giám đốc danh mục đầu tư của Tập đoàn dịch vụ tài chính Fidelity nhận định, nhìn chung, con đường của châu Á sẽ khác với nhiều nền kinh tế phát triển như châu Âu vì khu vực này đóng vai trò như một “công cụ đa dạng hóa hữu ích”, tách biệt khỏi những khó khăn mà châu Âu đang đối mặt. Theo IMF, khác với châu Á, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% so với dự báo 2,9% mà IMF đưa ra hồi tháng 7. Có tới 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm tới. Ông Pierre-Olivier Gourinchas - Kinh tế trưởng của IMF, cảnh báo: “Điều xấu nhất vẫn chưa tới và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như năm suy thoái”.

Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm của các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm của các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Với kinh tế Mỹ, IMF dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2022 chỉ là 1,6%, giảm 0,7 điểm % so với dự báo trước, phản ánh xu thế tăng trưởng GDP của Mỹ giảm từ quý II-2022. Còn về tương lai, IMF vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 là 1%, không thay đổi so với dự báo trước. Với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), suy giảm kinh tế của các nước thuộc Eurozone được dự báo sẽ mạnh thêm vào năm tới, trong đó Đức và Italia được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Những yếu tố chính khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới là lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ, trong khi châu Âu chật vật vì giá khí đốt tăng cao, còn các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 thì ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, lạm phát leo thang lên mức kỷ lục trong hàng chục năm qua là vấn đề đáng lo ngại nhất. IMF dự báo, lạm phát toàn cầu có thể lên 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống các mức 6,5% và 4,1% trong 2 năm tới.

Trong báo cáo về tình hình tài chính toàn cầu, IMF nêu rõ: Kinh tế thế giới đang trong giai đoạn đầy thách thức do giá cả và lãi suất tăng mạnh đe dọa đà phục hồi trên toàn cầu. Cả các nền kinh tế phát triển và đang nổi lên đều đối mặt những vấn đề này và ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, môi trường tài chính ổn định toàn cầu đang đối mặt những khó khăn bất thường. Theo IMF, các ngân hàng trung ương cần hành động quyết liệt để đưa chỉ số giá và lạm phát đi xuống.

Còn theo ông Josep Borrell - Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, các ngân hàng trung ương buộc phải hành động theo các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để ngăn đồng nội tệ mất giá so đồng USD. Xu hướng tăng lãi suất có thể góp phần dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới. Các quan chức hàng đầu của FED gần đây thừa nhận việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế yếu hơn. Tuy nhiên, FED nhấn mạnh, mối quan tâm chính của Mỹ là kiểm soát lạm phát.

Một trong những nền kinh tế quan trọng hàng đầu ở châu Á

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, IMF cho biết Đông Nam Á sẽ có một năm khởi sắc trong tương lai. Việt Nam đang vươn mình trở thành trung tâm của các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong khi Philippines, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ có thể sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 4% đến 6%. Còn theo Ngân hàng DBS, xuất khẩu từ ASEAN-6, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đã vượt trội so với khu vực Bắc Á và các nước còn lại trong khu vực. Các nhà phân tích Chua Han Teng và Daisy Sharma của DBS cho biết chỉ số quản lý mua hàng - chỉ số cung cấp thông tin về các điều kiện kinh doanh hiện tại và tương lai cho các nhà hoạch định, phân tích và nhà đầu tư của doanh nghiệp tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam nhìn chung đều trên mốc 50, được coi là tăng trưởng, trong tháng 9-2022.

Đặc biệt, sự ổn định và phát triển tích cực của nền kinh tế Việt Nam được nhiều báo chí thế giới đề cập. Báo Agefi, tờ báo tiếng Pháp nổi tiếng của Thụy Sĩ có trụ sở tại Geneva, số ra mới đây có đăng bài với tiêu đề “Việt Nam là con hổ mới của châu Á” của tác giả Guy Mettan, trong đó đánh giá Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi và có vai trò quan trọng hàng đầu ở châu Á. Tờ Agefi dẫn chứng rằng, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 thị trường châu Á về độ mở của nền kinh tế, với số điểm 74,6/100, cao hơn hẳn mức trung bình của châu Á (46) và mức trung bình của thế giới (49,5) và đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế của chính phủ và hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại và tư cách thành viên của các khối khu vực và quốc tế.

Theo tác giả Guy Mettan, Việt Nam có lẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ tình hình quốc tế mới. Từ tháng 1 đến tháng 7-2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2%/năm, và là mức cao nhất trong 5 năm qua. Theo số liệu được trích dẫn từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 8 vừa qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 7,5% vào năm 2022, trong khi lạm phát dự kiến sẽ ở mức 3,8%.

Trong bài báo đăng trên chuyên trang SupplyChainDive về việc các nhà cung ứng chọn Đông Nam Á để tìm kiếm các giải pháp thay thế sản xuất, bài báo khẳng định “Việt Nam là một trong những ưu tiên của các nhà sản xuất nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, qua đó vượt qua những khó khăn về giá cả và thời gian vận chuyển gần đây”. Thế nên, liên tục các khảo sát của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đến từ Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… đều đưa ra những nhận định lạc quan, muốn mở rộng đầu tư mạnh mẽ từ quý III”.

Một điểm sáng nữa khiến nhiều tổ chức quốc tế chú ý là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, tốc độ giải ngân tăng mạnh. Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ”.