Áp lực việc làm ngày càng nặng

ANTĐ - Trong khi thông tin 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp vẫn đang làm nóng dư luận thì ngày 1-4, Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia lại công bố một nghiên cứu cho thấy áp lực việc làm ở nước ta sẽ ngày càng nặng.

Người lao động cần chủ động hơn trong tiếp cận thị trường lao động

Nguồn cung lao động tăng nhanh

Tại Hội thảo Quốc tế “Thị trường lao động Việt Nam: Những phát hiện từ tiếp cận vi mô” diễn ra ở Hà Nội ngày 1-4, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đã công bố Nghiên cứu “Nhìn lại nguồn cung lao động Việt Nam giai đoạn 2002-2012”. Nghiên cứu này chỉ rõ tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tại Việt Nam đang trong xu hướng tăng dần. Song, do Việt Nam có tốc độ tăng nguồn lao động quá nhanh - nhanh hơn tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm, do vậy áp lực tạo việc làm mới là rất cao. Nếu số việc làm mới được tạo ra mỗi năm không có sự tăng trưởng vượt bậc thì khó đáp ứng được sự gia tăng của nguồn lao động.

TS Nguyễn Văn Thuật, trưởng nhóm nghiên cứu phân tích, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn đang có xu hướng giảm dần trong khi ở khu vực thành thị tăng lên. Tuy nhiên, điểm hạn chế của lực lượng lao động Việt Nam là chất lượng còn thấp, ngành nghề được đào tạo đáp ứng kém so với yêu cầu của thực tiễn công việc cũng như đòi hỏi của thị trường lao động. Cũng vì thế, khả năng tìm được việc làm phù hợp của người lao động trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay càng khó khăn. 

Một số đề tài nghiên cứu khác được trình bày tại hội thảo cũng cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu nguồn lao động ở nước ta đặc biệt tăng mạnh đối với nhóm lao động có trình độ dạy nghề trở lên, nhất là cấp sau đại học. Nhu cầu tuyển dụng lao động nam có trình độ dạy nghề trở lên cao hơn lao động nữ. Do tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Việt Nam hiện còn thấp, nền kinh tế vẫn đang thiếu nhiều lao động có trình độ cao nên nhu cầu tuyển dụng cũng như mức lương cho những người trình độ cao có thể vẫn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, nhu cầu tìm việc làm của nữ ngày càng cao và ảnh hưởng của làn sóng đô thị hóa… cũng tạo ra sự đa dạng và gây áp lực ngày càng lớn đến thị trường lao động.

Cần nâng cao chất lượng

Với đặc điểm nguồn cung lao động đang tăng nhanh nhưng chất lượng nhân lực còn hạn chế, giải pháp nào để phát triển thị trường lao động Việt Nam một cách bền vững và đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập lại là điều không dễ dàng. Theo Nghiên cứu hỗn hợp giữa nhóm chuyên gia của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cùng Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Ailen (ESRI) về lợi tức giáo dục và cầu lao động ở Việt Nam thì giải pháp sống còn để phát triển thị trường lao động nước ta trong thời gian tới là cần nhiều lao động có trình độ cao. Nhóm tác giả nghiên cứu này khuyến nghị Việt Nam cần những giải pháp cụ thể trong cải cách giáo dục và đào tạo cũng như trong phổ biến thông tin về lợi tức của giáo dục để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư vào việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Trên cơ sở phân tích lợi tức giáo dục đối với lao động nam và nữ ở Việt Nam trong giai đoạn 2002-2010, nghiên cứu nói trên cũng đưa ra khuyến nghị hết sức cụ thể rằng: nam giới nên đầu tư cho các cấp học càng cao càng tốt bởi họ sẽ nhận được mức thù lao tăng dần theo trình độ học vấn. Nữ giới cũng nên đầu tư cho các cấp học cao hơn trung học phổ thông nhưng chỉ nên dừng lại ở tốt nghiệp đại học do mức lương ở các cấp học sau đại học có xu hướng giảm.