Áp lực lãi suất
(ANTĐ) - Động thái hạ lãi suất cơ bản sẽ gây áp lực lên tỷ giá VND/USD. Hơn thế, lãi suất tiết kiệm giảm sẽ thúc đẩy người dân đầu cơ vàng và ngoại tệ, trong đó ngoại tệ mạnh thường được ưu ái hơn. Để kích thích tăng trưởng kinh tế, giải cứu cơn suy thoái trầm trọng, hầu hết các nước đều áp dụng giải pháp “kinh điển” là hạ lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.
ở nước ta, Chính phủ sử dụng cả hai công cụ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp: Giảm lãi suất cơ bản, qua đó giảm trần lãi suất cho vay và sử dụng chính sách tài khóa, dùng ngân sách bù lãi suất cho các doanh nghiệp.
Phương thức thứ hai này không được nhiều chuyên gia đồng tình vì họ cho rằng giảm lãi suất cho vay là đúng, nhưng phải dùng chính sách tiền tệ thông qua việc giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước.
Về lý thuyết, lập luận này không sai, song thực tiễn ở nước ta, con đường giảm lãi suất tương đối “chật hẹp”. Bởi vì giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất huy động, trong khi lạm phát dù đã giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao.
Quan trọng là lạm phát chưa được loại trừ, cán cân thương mại bị thâm hụt nghiêm trọng, nếu giảm lãi suất huy động thì người dân sẽ không “mặn mà” gửi tiết kiệm mà chuyển sang đầu cơ đôla. Khi nền kinh tế nước ta mắc “căn bệnh” đôla hóa nặng sẽ tạo nên sức ép rất lớn về tỷ giá Nhà nước rất khó kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, việc kết hợp sử dụng cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để có lãi suất cho vay thấp là cách lựa chọn khôn ngoan. Vấn đề được đặt ra là: Lãi suất cơ bản đã giảm về 7%/năm, lãi suất huy động VND có thể còn tiếp tục giảm, vậy thì áp lực lên tỷ giá VND/USD sẽ diễn biến ra sao?
Cần lưu ý là, trong điều kiện thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang “bất động” và chưa có dấu hiệu sớm “bình phục”, rõ ràng gửi tiết kiệm, mua vàng và mua USD là 3 cách lựa chọn “cổ điển” vừa an toàn vừa an tâm của người dân.
Lẽ tự nhiên khi lãi suất tiết kiệm giảm, người dân lập tức “nhảy” sang mua đôla hoặc vàng để tích trữ. Do khả năng thanh khoản của đôla thường cao hơn vàng, độ rủi ro và biên độ biến động cũng thấp hơn, cho nên đầu cơ đôla vẫn là “con đường mòn” quen thuộc của người dân khi lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn như trước.
Chính vì vậy, hạ lãi suất sẽ dồn áp lực lên tỷ giá. Thật dễ hiểu vì sao một số chuyên gia kinh tế đã đề nghị không nên giảm mạnh lãi suất cơ bản. Đây cũng là lý do giải thích việc Chính phủ áp dụng chính sách bù lãi suất 4% cùng với việc giảm lãi suất cơ bản. Có lẽ giải pháp tối ưu là không nên giảm mạnh lãi suất, tốt nhất là bỏ hẳn lãi suất cơ bản như một công cụ định trần lãi suất và bỏ càng sớm càng tốt.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu suy giảm mạnh, luồng vốn đầu tư nước ngoài và các nguồn thu ngoại tệ nhiều khả năng không được bằng năm 2008, thì có 2 vấn đề quan trọng nhất trong ổn định kinh tế vĩ mô là đảm bảo việc làm và bảo vệ cán cân thanh toán quốc tế. Vì vậy cần hạ giá VND.
Tỷ giá là vấn đề “nhạy cảm”, lại chịu tác động mạnh của tâm lý “bầy đàn”, nên việc điều chỉnh tỷ giá cần uyển chuyển, không gây biến động, không gây áp lực, đảm bảo khả năng can thiệp của Nhà nước khi cần thiết, hạn chế nhập siêu mà vẫn kiểm soát được tỷ giá.
Đan Thanh