“Áo giáp” của kinh tế Thủ đô

(ANTĐ) -Ra đời và phát triển cùng với sự trưởng thành của Công an Thủ đô, 55 năm qua, lực lượng An ninh kinh tế (Phòng PA17) luôn làm tốt công tác tham mưu cho Giám đốc CATP để tổ chức thực hiện và chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trên lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, phục vụ hữu hiệu cho sự phát triển của Thủ đô.

55 năm truyền thống lực lượng bảo vệ ANKT - CATP Hà Nội (13-5-1953/13-5-2008):

“Áo giáp” của kinh tế Thủ đô

(ANTĐ) -Ra đời và phát triển cùng với sự trưởng thành của Công an Thủ đô, 55 năm qua, lực lượng An ninh kinh tế (Phòng PA17) luôn làm tốt công tác tham mưu cho Giám đốc CATP để tổ chức thực hiện và chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trên lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, phục vụ hữu hiệu cho sự phát triển của Thủ đô.

Những chuyên án nóng bỏng

Đêm cuối tháng 1, áp Tết Mậu Tý 2008, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của Thượng tá  Lê Duy Tiến - Trưởng phòng PA17: “Nhà báo có đi bắt hàng lậu với bọn mình thì đến ngay sân 87!”. Trụ sở CATP Hà Nội ở 87 Trần Hưng Đạo, 15 phút sau chúng tôi có mặt, trời lất phất mưa, gió thổi buốt mặt. Gần 20 CBCS của Phòng đã tập trung ở khoảng sân, không khí im lặng khác thường. “Nửa quân số của Phòng đang “ém” ở điểm tập kết hàng lậu. Trinh sát vừa báo về hàng đã đầy kho”, Thượng tá Lê Duy Tiến thông tin ngắn gọn. Thị trường Hà Nội những ngày này đang nóng lên hàng giờ bởi hàng lậu tràn về.

Chỉ huy phòng PA17 họp bàn trước một chuyên án
Chỉ huy phòng PA17 họp bàn trước một chuyên án

Ngoài lực lượng CSKT, Quản lý thị trường, Ban giám đốc CATP giao nhiệm vụ cho Phòng PA17 xác lập chuyên án trinh sát, “đánh” trúng những kho hàng lậu. Hơn 1 tháng trời miết mải hành trình Hà Nội - Lạng Sơn, trinh sát Phòng PA17 nắm được quy luật của một đường dây chuyên “tải” hàng lậu. Từ biên giới, hàng lậu được đưa lên tàu hỏa, chở về Bắc Giang, xé lẻ một phần cho cánh “xe ôm”, ôtô du lịch trá hình tuồn về Hà Nội.

Điểm dừng chân cuối cùng của nó là khu ga xép ở Bắc Ninh. Đêm nay, chuyến hàng ấy đã nằm trọn trong vòng giám sát của Phòng PA17, có sự tăng cường của Công an Bắc Ninh. Thượng tá  Lê Duy Tiến cho biết, cái khó của chuyên án này không phải việc “cất vó” vào ban đêm, mà địa bàn tập kết hàng lậu không phải ở Hà Nội. Thứ 2 là hàng Tết dân buôn đánh về đều đắt tiền. Nhiều đối tượng đem cả gia sản đặt vào chuyến hàng, vì vậy, chúng sẵn sàng làm liều để tẩu tán hàng. Toàn bộ đường đi nước bước, những chủ hàng máu mặt đã bị trinh sát Phòng PA17 xác định. 23h30, chúng tôi đến khu vực tập kết hàng đang bị phong tỏa.

Bóng tối bao trùm toàn bộ khu vực. Những chiếc đèn xạc điện được tận dụng tối đa để chĩa vào các bao tải hàng chất cao như núi ngay sát đường ray. Trinh sát báo cáo sơ bộ tình hình với chỉ huy Phòng PA17, một nhóm đối tượng định dùng gạch đá, gậy gộc để tẩu tán hàng đã bị khống chế. Điện ở khu vực này bị chúng cắt nhằm cản trở lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, các trinh sát đã kiên quyết dùng biện pháp mạnh, bảo vệ chuyên án thành công đến giai đoạn cuối.

Nói về sự kỳ công của các chuyên án trinh sát, Thượng tá Lê Đình Sơn, Phó trưởng Phòng PA17 kể cho chúng tôi một vụ việc khá hy hữu. Khoảng cuối năm 2006, đơn vị nhận được đơn thư “cầu cứu” của hãng điện thoại di động Viettel. Qua kiểm soát hệ thống phần mềm liên lạc, doanh nghiệp này phát hiện số lượng, thời lượng những cuộc gọi cực lớn từ trong nước ra quốc tế, nhưng đã bị “mã hóa” thành cuộc gọi nội hạt. Thiệt hại của doanh nghiệp lên đến hàng trăm triệu đồng. Rà soát hệ thống mạng, hãng Viettel chỉ nắm được địa chỉ nơi chuyển mã ở khu vực phường Định Công, quận Hoàng Mai.

Tính riêng từ năm 1986 trở lại đây, Phòng PA17 đã phát hiện, khám phá 890 vụ việc, chuyển CQĐT 279 vụ, khởi tố 199 vụ, thu cho ngân sách gần 90 tỷ đồng, 420.000 USD… Trong những vụ án bị đưa ra pháp luật, có không ít sai phạm xảy ra ở cơ quan Nhà nước, các dự án liên doanh, những đối tượng phạm tội người nước ngoài. Lĩnh vực vi phạm của các đối tượng trên cũng hết sức mới mẻ, đa dạng, từ trộm cước viễn thông, gian lận đấu thầu, buôn ngoại tệ giả, cá độ bóng đá qua mạng Internet đến buôn bán hóa đơn GTGT, mua bán đất rừng, buôn bán động vật hoang dã.

Liên tục những ngày sau đó, trinh sát Phòng PA17 cải trang cùng nhân viên Viettel đi rà soát toàn bộ những địa chỉ đăng ký dịch vụ của hãng này; một công việc không hề đơn giản, bởi Định Công vừa có đặc thù đường xá làng xã, vừa là phường có dân số đông nhất quận Hoàng Mai, trên 4 vạn người. Trong gần 2 tháng, sự kiên trì đã được đền đáp xứng đáng. Trinh sát tìm ra “lò” gian lận cước viễn thông được đặt trên tầng 4 tư gia một cán bộ khá tên tuổi của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Thực chất, đối tượng có hành vi gian lận đã lợi dụng mối quan hệ với cán bộ này để đặt trạm đổi mã. Một bên chỉ nghĩ đơn thuần cho thuê trạm phát sóng, còn phía kia lợi dụng “mác” của vị cán bộ để trục lợi.

Bản lĩnh vững vàng, nghiệp vụ sắc bén

Thượng tá Lê Duy Tiến tâm sự, quán triệt vai trò, nhiệm vụ đơn vị “áo giáp” bảo vệ sự lành mạnh của nền kinh tế thị trường, lực lượng An ninh kinh tế Thủ đô đã xây dựng kế hoạch bài bản, dài hơi, đấu tranh những mặt trái của cơ chế, tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán và lĩnh vực ngân hàng.

Bên cạnh đó là sự tăng cường công tác phòng ngừa, đẩy mạnh phong trào bảo vệ ANTQ trong các cơ quan, doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác nắm tình hình, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động xâm phạm ANQG, các loại tội phạm kinh tế. “2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 26 Bằng khen của Bộ Công an, UBND thành phố, các Bộ, ngành; hàng trăm lượt CBCS được các cấp biểu dương, khen thưởng; từ năm 2000 đến nay liên tục đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng…”. Chúng tôi đọc được vắn tắt “bảng vàng” thành tích của tập thể CBCS Phòng PA17 trong những năm qua, càng vững chắc một niềm tin: Các anh luôn có mặt ở nơi nóng bỏng nhất, xứng đáng là lực lượng “áo giáp” của kinh tế Thủ đô!                        

Minh Hà