Áo ấm cho trẻ vùng cao

ANTĐ - Với chúng tôi, chuyến đi nào đến với đồng bào vùng cao cũng đầy ắp cảm xúc. Nhìn những đứa trẻ với đôi chân trần, da tím tái  trong cái rét mùa đông trên vùng rẻo cao, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Đại diện Báo An ninh Thủ đô và đại diện Ban Xây dựng - PVN trao quà cho các em học sinh

Hy sinh thầm lặng

“Áo ấm tới trường”- đó là mục đích của chuyến đi mà Ban Xây dựng-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với Báo ANTĐ trong chuyến đi lần này. Sáng 20-1, gần 300 chiếc áo ấm, vở, bút học tập đã sẵn sàng chuyển đến các em học sinh trường THCS Hang Kia A, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Mọi người trong đoàn đều háo hức, bởi những chiếc áo không chỉ giúp các em cảm thấy ấm áp trong mùa đông lạnh giá, nơi vùng núi bốn bề sương phủ mà còn chứa đựng tình cảm ấm áp của tình người, của lòng nhân ái. 

Vượt qua hơn 160 km, với nhiều cung đường vòng vèo, quanh co hiểm trở, chúng tôi mới tìm đến ngôi trường PTCS Hang Kia A nằm phía sau chân núi. Đón chúng tôi bằng cái bắt tay thân tình, thầy giáo Hà Văn Hùng – Hiệu trưởng trường tâm sự, Hang Kia là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình với 99% dân số là đồng bào dân tộc Mông, người dân sống chủ yếu dựa vào phát nương, làm rẫy và đi rừng. Vì vậy, nhận thức về việc học rất hạn chế khiến công tác giáo dục gặp nhiều khó khăn. 

Để vượt lên khó khăn, vượt qua tập tục lạc hậu, vì học trò thân yêu, cán bộ giáo viên ở đây vẫn đều đặn vượt dốc, vượt đèo đến với học sinh. Không chỉ đảm bảo “3 cùng” như mục tiêu ngành giáo dục đề ra mà còn thực hiện tới “4 cùng” với học sinh: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học. Các thầy cô còn bớt đồng lương giáo viên ít ỏi của mình để mua sách vở, đồ dùng học tập giúp các em có hoàn cảnh khó khăn. 

Một đêm ở Hang Kia, chúng tôi đã phần nào thấu hiểu nỗi khó khăn vất vả của những cô giáo vùng cao. Bởi với ở đây, cái họ quí như vàng chính là “nước”. Các cô chỉ được dùng theo “định lượng”, cái gì cũng có “cữ”, cả tắm gội chỉ được gói gọn trong một xô nước, khăn mặt phải dùng cỡ nhỏ. Tuy nhiên, việc tắm giặt cũng rất hạn chế. Vì vậy, các cô giáo đều tranh thủ cuối tuần về nhà tắm, giặt. Cô Hà Thị Thuận cười buồn, có những thời điểm không có nước giáo viên phải hứng sương để lấy nước ăn. Tuy vất vả nhưng nghĩ đến tương lai của các em, các cô lại vững lòng yên tâm công tác. Có lần, thấy học trò hết vở cô Thuận bảo em về mua vở mới. Nhưng học sinh cất giọng hồn nhiên: “Sắp đến Tết rồi, tiền ăn không có, sao có tiền mua vở…”. Nghe học sinh nói vậy, cô Thuận thương đến chảy nước mắt, thế là lại bỏ tiền mua vở cho học sinh.

Nhọc nhằn con chữ vùng cao 

 Mới 6h30 sáng, khu vực sân trường THCS Hang Kia A vốn xám xịt, lầy lội từ mấy hôm trước nay bỗng sáng bừng bởi nắng và những bộ quần áo sặc sỡ sắc màu. Thầy Hà Văn Hùng – Hiệu trưởng nhà trường vui mừng chia sẻ, có lẽ hôm nay là ngày học sinh đến trường đầy đủ nhất. Thời gian qua do không khí lạnh tăng cường liên tiếp, các lớp học không có thiết bị sưởi ấm nên các em nghỉ học khá nhiều.

Như thường lệ, sau hồi trống, các em học sinh nhanh chóng đứng vào hàng để làm lễ chào cờ. Sau hiệu lệnh, hàng trăm khuôn mặt ngơ ngác bỗng trở nên nghiêm trang, những đôi bàn tay nhỏ bé, nứt nẻ, chai sạn đồng loạt giơ cao. Tiếng hát của các em xen lẫn với tiếng gió nơi núi rừng bạt ngàn tạo nên một âm thanh vừa hào hùng vừa ngân vang vô cùng trong trẻo. Lần đầu tiên được nghe hát quốc ca giữa núi rừng trùng điệp, dù tiếng hát chưa được đều, nhịp trống chưa dõng dạc, dứt khoát nhưng vẫn khiến khách phương xa không khỏi xúc động. Sau khi nghe thầy Hiệu trưởng nhận xét tình hình học tập tuần qua và công bố món quà tặng được mang lên từ miền xuôi, những tiếng reo hò phấn khởi lập tức vang lên. Không giống như các bạn khác sau khi nhận áo liền mặc vào ngay, em Khà A Dếnh - học sinh lớp 3 cứ ôm chặt tấm áo trong tay mình. Khi tôi hỏi: “Sao con không mặc áo”, Dếnh bẽn lẽn trả lời: “Về cất đi thôi. Mặc sợ bẩn áo”. Câu nói hồn nhiên của em khiến những người có mặt như nghẹn lại.

Do trường THCS Hang Kia A có 3 điểm trường nằm ở 3 khu vực khác nhau nên sau khi trao quà ở điểm trường chính, chúng tôi tiếp tục đến với điểm trường xa nhất cách trung tâm xã gần 8 cây số. Đây là điểm trường đặt tại thôn Thung Mài, nằm cheo leo trên đỉnh núi, có chiều cao gần 1.500m so với mực nước biển. Muốn lên tới đó, chúng tôi chỉ còn cách vừa đi xe máy, vừa kết hợp với… cuốc bộ. Thấy 2 phóng viên nữ xung phong lên điểm này, thầy Hà Văn Hùng tỏ vẻ ái ngại: “Đến đàn ông còn phải sợ, huống chi phụ nữ. Nhiều thầy cô giáo khi lên đây dạy không thể đi xe máy nên phải đi bộ. Hai chị em chưa quen địa hình sợ không đi nổi”. Tuy vậy, trước quyết tâm của chúng tôi, thầy Hùng miễn cưỡng gật đầu với điều kiện mình phải là “xe ôm” kiêm dẫn đường. 

Dù đã lường trước khó khăn, nhưng khi nhập cuộc chúng tôi vẫn khá “sốc” vì thực tế khác xa so với những điều mình hình dung. Đường đi khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, nhấp nhô đá hộc với một bên là núi cao, một bên là vực thẳm. Sương mù dày đặc bao phủ quanh người. Cách khoảng vài trăm mét, một khúc cua tay áo lại hiện ra trước mặt khiến mấy tay lái lão luyện cũng nhiều phen suýt ngã. Càng lên cao, gió càng thổi mạnh, tai chúng tôi ù đi. Thật khó để tưởng tượng đây là con đường duy nhất để các thầy cô trường THCS Hang Kia A mang con chữ đến với bản làng. Khi chúng tôi đến nơi, các cô giáo đang giờ lên lớp. Khác với lớp học ở miền xuôi, lớp học ở đây là lớp ghép với nhiều trình độ học sinh khác nhau. Trung bình mỗi lớp có 2 chiếc bảng đen, gắn ở hai phía và học sinh phải quay về hai đầu. Tuy cơ sở vật chất ở điểm trường này khá hơn ở điểm trường chính do được “ưu tiên” nhưng hoàn cảnh gia đình của các em học sinh đáng ngại hơn nhiều. “Vận động được các em đến trường đã là may, nói gì đến đóng góp. Nhiều em thiếu vở đi học, không có quần áo mặc thầy cô phải bỏ tiền túi ra mua, thậm chí còn đến tận nhà đón tới trường. Do đó, với mỗi em, tấm áo ấm, đồ dùng học tập do Ban Xây dựng (PVN) và Báo An ninh Thủ đô trao tặng là món quà quý giá và có ý nghĩa như một sự sẻ chia hơi ấm. Hi vọng những món quà này sẽ giúp các em đến trường đều đặn hơn” – Thầy Hùng tâm sự.

Việc duy trì sĩ số ổn định trong các lớp học vẫn là bài toán khó đối với giáo viên trường THCS Hang Kia A

Những câu chuyện cười ra nước mắt 

Qua hai ngày ở Hang Kia, chúng tôi biết thêm được khá nhiều mẩu chuyện thú vị nhưng cũng không kém phần đau xót. Do tình trạng kết hôn cận huyết của người Mông ở đây xảy ra khá phổ biến nên có không ít đứa trẻ sinh ra đã bị dị tật, trí tuệ chậm phát triển. Không những vậy, tục lệ bắt vợ của người Mông cũng nảy sinh nhiều hoàn cảnh trớ trêu. Có em nhỏ mới 11,12 tuổi, còn đang đi học nhưng đã bị bắt về làm vợ. Lại có em gái đang học lớp 7, bị bố mẹ chồng tương lai bắt về “nâng khăn sửa túi” cho anh chàng mới 11 tuổi. Hậu quả là cô dâu mới đang tuổi ăn tuổi lớn phải về nhà chồng, lao động quần quật từ sáng đến đêm để phục vụ cả gia đình và ông chồng “vắt mũi chưa sạch”. Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết con trai Mông đều lấy vợ hơn tuổi, với mục đích là để có thêm người làm trong nhà. Bởi vậy, cứ đến lớp 8, lớp 9 số học sinh nữ trong các lớp học đều giảm dần, thậm chí có lớp không còn học sinh nữ nào.

Kinh tế khó khăn, dân trí không cao đã khiến phần lớn người dân ở Hang Kia chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đi học. Do thói quen, không ít em học sinh khi đến lớp còn xưng hô với thầy cô theo kiểu “tao, mày”. Có em khi bị nhắc nhở phải đi học đều thì quay ra cự nự: “Tao đi học không cần biết đọc, biết viết, chỉ cần biết… ghi danh bạ điện thoại thôi”. Có một điều lạ là, tuy kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng có lớp cuối cấp đến 90% học sinh có điện thoại. Có em còn mạnh dạn đặt thẳng vấn đề với thầy giáo của mình: “Tao chán học rồi, chỉ thích lấy vợ thôi. Tao cần nhờ thầy giáo một việc hệ trọng. Tao đang cần đi bắt vợ, thầy giáo có thể đi cùng tao để ngồi sau ôm được không”…

Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Công đoàn Ban xây dựng - PVN bày tỏ tình cảm, đây không phải là lần đầu tiên Ban đem những suất quà ý nghĩa lên vùng cao, nhưng chuyến đi này đã đem đến cho anh em trong đoàn nhiều cảm xúc. Để chia sẻ khó khăn, vất vả đối với thầy trò vùng cao, thời gian tới Ban Xây dựng-PVN sẽ tiếp tục phối hợp với Báo ANTĐ triển khai nhiều chương trình tặng quà hơn nữa.

Chia tay Hang Kia, hình ảnh những khuôn mặt nhem nhuốc, những tấm thân gầy run lên sau manh áo mỏng tang, những đôi chân trần lem luốc và rớm máu, những ánh mắt trong veo, ngơ ngác ám ảnh chúng tôi trên suốt con đường về. Và mong muốn quay trở lại nơi này trong một ngày gần nhất, để lại được sẻ chia, để được nhìn thấy một hình ảnh cũ nhưng có thêm nhiều gam màu tươi sáng, ấm áp hơn không chỉ là nguyện vọng của riêng chúng tôi nữa.