An toàn vệ sinh thực phẩm: Vẫn khó kiểm soát

(ANTĐ) - Gần 1 tháng trở lại đây, hết thông tin về bình bú dành cho trẻ em có chứa chất Bisphenol-A (BPA), một loại hóa chất rất độc hại cho sự phát triển của trẻ sơ sinh, lại đến hoa quả tẩm hóa chất độc hại, tương ớt chứa chất gây ung thư… khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang.

An toàn vệ sinh thực phẩm: Vẫn khó kiểm soát

(ANTĐ) - Gần 1 tháng trở lại đây, hết thông tin về bình bú dành cho trẻ em có chứa chất Bisphenol-A (BPA), một loại hóa chất rất độc hại cho sự phát triển của trẻ sơ sinh, lại đến hoa quả tẩm hóa chất độc hại, tương ớt chứa chất gây ung thư… khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang.

Châu Âu cấm, trong nước vẫn… chờ

Trao đổi với báo chí ngày 16-12, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP - Bộ Y tế cho biết, cuối tháng 11 vừa qua, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ yêu cầu cấm sử dụng hoá chất Bisphenol-A (BPA) trong các bình nhựa dành cho trẻ em từ năm 2011 vì chất BPA làm cho hệ sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển bất thường. Hoá chất này có liên quan tới tình trạng vô sinh ở nam giới, được sử dụng trong các hộp nhựa đựng thức ăn và bình bú nhằm làm trong và cứng nhựa.

ATVSTP luôn là vấn đề “nóng”

ATVSTP luôn là vấn đề “nóng”

Trước thông tin này, Cục ATVSTP đã liên hệ với các cơ quan, tổ chức quốc tế có liên quan ở Việt Nam như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) để cập nhật thông tin. Theo đó, đây vẫn đang là vấn đề tranh cãi, hiện chưa có bất cứ bằng chứng cụ thể nào về chất BPA này ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. WHO và FAO cũng chưa đưa ra khuyến cáo gì liên quan đến sản phẩm này.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, các đoàn kiểm tra VSATTP ở nước ta đã kiểm tra, kiểm nghiệm một số sản phẩm bình bú, đồ nhựa đựng thức ăn nhưng đến nay chưa phát hiện đồ bao gói hay bình bú nào có chứa BPA. Dù vậy, Cục cũng khuyến cáo các nhà sản xuất, người dân ngừng sử dụng sản phẩm có chứa hóa chất này. Với người tiêu dùng không nên quá hoang mang, khi sử dụng đồ có thể lựa chọn các sản phẩm có ghi chú đầy đủ.

Tốt nhất nên lựa chọn các đồ thủy tinh, sành sứ để đựng thức ăn hoặc làm bình bú cho trẻ, tránh bị thôi nhiễm chất độc hại… Song vấn đề ở chỗ, do trước nay nước ta chưa có quy định nào về tiêu chuẩn an toàn của chất BPA hay hướng dẫn sử dụng chất này trong sản xuất đồ bao gói thực phẩm, bình bú trẻ em nên các sản phẩm này lưu hành ở thị trường nước ta cũng thường không có ghi chú về thành phần chất BPA trên bao bì, khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được.

Cảnh báo bị động

Một thực trạng đáng báo động là trong khi các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến nguyên nhân sinh vật đang có xu hướng giảm thì các vụ ngộ độc liên quan đến độc tố tự nhiên, hóa chất đang tăng nhanh trong những năm gần đây. GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP nhấn mạnh, trong năm 2010, ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra do nguyên nhân từ độc tố tự nhiên (độc tố cóc, cá nóc, mật trăn, nấm…) và hóa chất. Điều đó cho thấy xu hướng tẩm, nhuộm hóa chất vào thực phẩm đang ngày càng phổ biến và tinh vi hơn, việc kiểm soát hóa chất độc hại trong thực phẩm cũng ngày càng khó khăn hơn, đây là mối lo ngại lớn cho sức khỏe người dân.

Để cải thiện tình hình này thì vấn đề kiểm nghiệm thực phẩm có ý nghĩa, vai trò quan trọng. Theo GS.TS Nguyễn Công Khẩn, hệ thống kiểm nghiệm của nước ta đã được nâng cấp và cải thiện rất nhiều nhưng xét về mặt tổng thể hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu, trang thiết bị thiếu, chưa đồng bộ, nguồn nhân lực mỏng. Đặc biệt, chỉ tiêu ô nhiễm hóa học, một chỉ tiêu rất quan trọng, có khả năng gây ngộ độc cao với các ca ngộ độc nguy hiểm nhưng hệ thống kiểm nghiệm chất này còn yếu.

Hầu như các tỉnh, thành phố chỉ kiểm nghiệm được 5% chỉ tiêu ô nhiễm hóa học, có nơi chỉ có 2%... Cả nước mới chỉ có 4 phòng xét nghiệm (tại 4 khu vực) đạt tiêu chuẩn quốc gia, sắp tới chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư trọng điểm vào các phòng xét nghiệm này nhưng để đạt hiệu quả thì phải chuẩn hóa được quy trình lấy mẫu, vận chuyển mẫu. Theo ông Nguyễn Công Khẩn, để làm được điều này thì sớm nhất cũng phải sau năm 2015.

Điều quan trọng nữa là phải xây dựng được hệ thống cảnh báo các nguy cơ về thực phẩm. Tuy nhiên, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm của nước ta vẫn còn ở thế bị động, phần lớn là chạy theo các cảnh báo của nước ngoài. GS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực tế ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc. “Hàng ngày, hàng giờ người dân lo lắng mỗi khi ra chợ vì không biết lựa chọn thế nào để mua được những thực phẩm an toàn về cho gia đình. Đây là một thực tế đau lòng khiến vấn đề ATVSTP lúc nào cũng nóng bỏng và nhức nhối”, Thứ trưởng Huấn nhấn mạnh.

Theo thống kê của Cục ATVSTP, trong quý IV năm 2010, cả nước xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 vụ ngộ độc lớn (từ 30 người bị trở lên). Tổng số người mắc là 323 người, số đi viện là 242 người, 4 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2009, số mắc giảm 189 người, số đi viện giảm 186 người, song số tử vong tăng 2 trường hợp.

Duy Tiến