An toàn vệ sinh thực phẩm tại nhiều chợ chưa đáp ứng yêu cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, tới 30% các hộ kinh doanh tại các chợ không có hợp đồng mua bán, nguồn gốc các sản phẩm đang kinh doanh.
Người bán, người mua hàng cần nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm

Người bán, người mua hàng cần nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm

Sáng 15- 11, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, 18 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Trong đó, hệ thống chợ phục vụ 60% nhu cầu tiêu dùng, mua sắm thực phẩm của người dân Hà Nội.

Để thực hiện an toàn thực phẩm tại các chợ, Sở Công Thương Hà Nội cùng các sở, ngành đã cải thiện hạ tầng nhiều chợ truyền thống, tổ chức nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Hiện tại, Sở Công Thương đang hướng dẫn một số chợ lắp đặt nhà xét nghiệm nhanh tại chợ để người tiêu dùng khi mua sắm có thể kiểm định nhanh chất lượng hàng hóa; Đồng thời, phân cấp toàn diện công tác quản lý chợ cho các quận, huyện, thị xã…

Tuy nhiên theo bà Trần Thị Phương Lan, mặc dù có kiểm soát nhưng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhận thức của nhiều tiểu thương còn yếu nên chưa chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được làm thường xuyên. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng vẫn “tiện đâu mua đấy”, mua hàng ở chợ cóc chợ tạm, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nói thêm về thực trạng an toàn thực phẩm tại chợ, bà Lê Thị Hằng - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua khảo sát tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), dù đây là nơi cung ứng lượng hàng hóa, thực phẩm lớn trên địa bàn nhưng cả hai chợ này đều được đầu tư xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất không bảo đảm các điều kiện hoạt động chợ về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị.

Về ý thức của tiểu thương, có tới 30% các hộ kinh doanh không có hợp đồng mua bán, nguồn gốc các sản phẩm đang kinh doanh. Tại chợ đầu mối phía Nam, chỉ có 9,5% các quầy hàng có kết cấu vững chắc, gọn sạch; 5,7% trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc bảo đảm an toàn…

Đại diện Sở Y tế Hà Nội kiến nghị, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, đạo đức của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Cùng với đó, cần rà soát, cải tạo lại hệ thống chợ đã xuống cấp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cũng cho rằng, thành phố và các ngành chức năng cần có bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng cho chợ văn minh, an toàn, làm sao để ăn sâu vào tiềm thức mỗi tiểu thương là phải luôn bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trên các chợ, biểu dương các nhân làm tốt công tác này…

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Thế Hiệp- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, Sở Công Thương Hà Nội sẽ cùng các sở, ngành thành phố, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Phấn đấu đến hết tháng 12-2025, 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu tại Đề án và được cấp biển nhận diện.

Từ đó góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021.