An toàn lao động: Vi phạm nhiều do xử lý chưa nghiêm

ANTĐ - Theo luật hiện hành, đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ áp dụng theo điều 227 - BLHS với mức án cao nhất là phạt tù từ 7 đến 12 năm. Còn những trường hợp không có biển báo an toàn; không có phương tiện che chắn… thì không cần phải có hậu quả xảy ra, chỉ cần vi phạm là đã đủ điều kiện để xử phạt vi phạm hành chính từ 20 - 30 triệu đồng (quy định Điều 26 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP).

Làm ngơ và tắc trách

Để tiết kiệm chi phí nhiều đơn vị thi công đã phớt lờ quy định đảm bảo an toàn lao động

(Ảnh: Rào chắn tạm bợ tại công trình xây dựng ĐHQG tại Hòa Lạc)

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2010 đến nay, số lượng các công trình, dự án được triển khai thi công trên địa bàn Thủ đô tăng mạnh. Tuy nhiên công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình chưa được quan tâm đúng mức. Vi phạm không chỉ xuất hiện tại các công trình đơn lẻ nằm xa trung tâm mà còn diễn ra ở các công trình quy mô lớn, thường xuyên chịu sự kiểm tra, giám sát.

Mỗi năm Thanh tra Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hàng nghìn cuộc kiểm tra, qua đó ra quyết định đình chỉ đối với khoảng 300 doanh nghiệp nhưng công tác đảm bảo an toàn lao động vẫn bị đơn vị thi công xem nhẹ. Chỉ tính riêng trong năm 2011, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 123 vụ tai nạn, làm chết 35 người (tăng 17 vụ so với năm trước). “Đó chỉ là số liệu báo cáo còn thực tế số vụ tai nạn lao động xảy ra còn cao hơn nhiều. Nguyên nhân chính là do nhà thầu cũng như đơn vị thi công tắc trách, cố tình bỏ qua công tác đảm bảo an toàn lao động nhằm tiết kiệm chi phí” - ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động - Sở LĐ-TB&XH nhận xét.


Cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân

Trả lời câu hỏi “Vì sao các bên có trách nhiệm tại công trường xảy ra tai nạn nghiêm trọng thường ít bị truy tố trách nhiệm hình sự ?”, đại diện một số cơ quan tham gia tố tụng lý giải theo quy định pháp luật thì trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với cá nhân, chưa rõ ràng đối với cơ quan, tổ chức, nên chỉ có cá nhân mới có thể bị áp dụng các hình phạt như cải tạo không giam giữ, phạt tù. Sẽ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đơn vị thi công mà chỉ có thể xử lý hành chính như phạt tiền, thu hồi giấy phép hoạt động…

Tuy nhiên theo thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Hồng Hà - Hà Nội, trong quá trình xây dựng, ngoài bố trí các phương án đảm bảo an toàn, đơn vị thi công phải quy định cụ thể công việc thực hiện và trách nhiệm đối với những cá nhân trực tiếp tham gia quản lý công tác an toàn lao động. Trường hợp xảy ra tai nạn, gây thiệt hại về người, về tài sản của người khác thì người được giao nhiệm vụ thực hiện các công việc có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi mà họ đã thực hiện. “Vì vậy các cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào mức độ để làm rõ hành vi phạm tội và xác định trách nhiệm của người phạm tội, ngay cả khi không có yêu cầu từ phía nạn nhân” - luật sư Bình khẳng định.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng pháp luật chuyên ngành xây dựng cần quy định trách nhiệm cụ thể của chủ đầu tư và đơn vị thi công trong việc đảm bảo an toàn lao động nơi đông người. Một số chuyên gia nghiên cứu luật cũng có cùng quan điểm và đề nghị ngoài quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, người có liên quan đến việc để xảy ra tai nạn cần quy định thêm trách nhiệm (hành chính, hình sự) đối với người đứng đầu các cơ quan Nhà nước, các cá nhân có trách nhiệm thanh tra trong lĩnh vực xây dựng trong trường hợp để xảy ra tai nạn tại nơi phụ trách quản lý, thanh tra.